BÃO VỀ GÕ CỬA NHÀ TÔI
Quê tôi vùng biển, từ nhỏ đến lớn chúng tôi đã trải qua rất nhiều cơn bão. Có nhiều cơn bão cũng được dự đoán là mạnh nhất trong vòng nhiều năm, cũng có những siêu bão cấp 13 giật cấp 14 - 15.
Tôi cũng từng chứng kiến có người thiệt mạng trong mưa bão, rồi cây đổ nhà đổ thiệt hại nhiều không kể hết. Nhưng trong tâm trí những đứa trẻ không lo xa quá nhiều, vì còn có bố mẹ ở bên. Đôi khi còn kèm theo chút háo hức vì bão về là được nghỉ học, chờ bão qua mưa tạnh cả lũ lại rủ nhau đi xem sau bão làng xóm bị tàn phá ra sao rồi về đưa tin như những phóng viên hiện trường. Người lớn thì lo đến mất ăn mất ngủ còn trẻ con thì vẫn vô tư, suy nghĩ đơn giản lắm: "Bão đến rồi đi, để lại bao tàn tích, cùng chung tay dọn dẹp mấy ngày là xong". Nhưng lũ trẻ chúng tôi đâu đủ hiểu nhiều để đong đếm được những thiệt hại nặng nề mà mỗi khi bão qua để lại trên quê hương mình. Dù đêm đang ngủ nước lụt đến giường cũng có bố mẹ che chở bảo vệ mà yên tâm ngon giấc.
Lớn hơn vài tuổi, những cơn bão hàng năm vẫn ghé qua đều đặn. Mỗi khi nghe dự báo có bão là trong lòng lại nơm nớp cùng bố mẹ chèn chắn nhà cửa. Cả nhà ở cùng nhau dù bão to đến đâu cũng an lòng.
Hôm nay siêu bão Yagi đã cập bến quê hương tôi sau khi đã đi qua tàn phá nhiều thành phố từ Philippin đến Trung Quốc. Lúc 9 giờ sáng tôi gọi điện về cho bố mẹ vẫn thấy cả nhà ngồi ở phòng khách đang ăn sáng. Mẹ cũng bảo: "Trời mưa to, gió giật ác lắm". Nhưng thật tâm tôi không lo lắng gì nhiều vì giờ nhà tôi đã kiên cố hơn xưa mà cũng chẳng phải lần đầu đón siêu bão. Hơn hai tiếng sau tôi gọi lại cho bố mẹ khi thấy trên Facebook bạn bè quay cảnh cây đổ nhà đổ nhiều quá thì điện thoại không có tín hiệu. Bỗng trong lòng tôi dâng lên một cảm giác cồn cào bồn chồn không yên. Tôi liền liên lạc với em gái nhỏ đang học ở Hà Nội xem tình hình thế nào. Nghe nó bảo cũng không gọi điện được cho bố mẹ, thế là lòng tôi lại nóng như lửa.
Tôi nhắn tin hỏi thăm mấy đứa bạn ở gần nhà, nó bảo: "Chắc không vấn đề gì đâu mày, nhiều cây đổ rồi cột điện đổ, nước lụt cắt điện nên chắc mất sóng thôi, chứ giờ nhà cửa kiên cố cứ ở yên trong nhà là không sao đâu." Thấy nó nói vậy tôi cũng yên tâm phần nhiều.
Đến tối, em gái nhỏ gọi điện báo: "Em gọi được cho bố mẹ rồi, nhà bay mất mấy cái cửa sổ với đang chuẩn bị bay thêm cái cửa chính nên bố mẹ hơi bận thôi. Không sao cả."
Tự nhiên tôi lại thấy buồn cười. Dù biết giờ này bố mẹ đang quằn mình chống bão. Tôi cười vì nỗi lo vơi đi ít nhiều.
Tôi nhớ lại cảnh hoang tàn sau mỗi trận bão qua những năm trước, bờ kè ven biển bị sóng đánh vỡ tan hết cả, những rặng dừa xanh bình thường hiên ngang là thế cũng đổ rạp chịu thua trước sức mạnh khổng lồ của thiên nhiên. Nước biển đục ngàu hoà lẫn vào với nước mưa tràn vào đường làng ngõ xóm. Có những trận bão vào giữa đêm tối, không có điện, xung quanh chỉ một màu đen đặc quánh nuốt trọn mọi vật kèm theo tiếng gió rít vù vù cuốn bay mọi thứ có thể lên cao rồi buông rơi giữa không trung, va chạm xuống mặt đất ầm ầm. Chúng tôi cứ ở yên trong nhà ngồi cạnh nhau để biết tất cả đều an toàn thế là đủ yên tâm đợi cho bão qua. Trời sáng bão tan tất cả đổ ra khỏi nhà cùng nhau khắc phục hậu quả sau bão. Hàng xóm láng giềng lo dọn nhà mình xong xuôi rồi cùng chung tay dọn đường làng ngõ xóm. Nếu có nhà ai bị ảnh hưởng nặng nề cũng được mọi người đồng lòng nhanh tay giúp đỡ để tất cả có thể quay về cuộc sống thường nhật.
Từ trong nghèo khó, đủ đầy hay thiếu thốn cũng không bỏ lại một ai - đó là tình người nơi xóm nhỏ. Và cũng chính tình người ấm áp đó là một phần nuôi tôi khôn lớn trở thành một người con không bao giờ quên về mảnh đất quê hương.
Những người con vùng biển quanh năm rì rào sóng vỗ, cứng cỏi chai sạn vì bão giông, cũng chẳng thể ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe nhưng trái tim luôn tràn đầy nhiệt huyết, vững vàng một niềm tin hi vọng với người với đời.
Bão ơi, nhanh qua, nhẹ nhàng với quê tôi thôi nhé!
Ly Ty
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: BÃO VỀ GÕ CỬA NHÀ TÔI
Add new comment