NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI

Sáng tác: Gió - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#NNTD_TongPhuocBao

Ngôi trường nằm trên đỉnh đồi. Nhìn từ đằng xa đã thấy màu ngói đỏ tươi, vênh vang đắc thắng nổi bật, thu hút mắt người nhìn. Đi qua một con dốc cao vời, trường với một dãy nhà ba tầng nằm giữa, ba dãy nhà hai tầng lần lượt xếp xung quanh hiện ra sừng sững, im lìm qua bao mùa mưa nắng. Mùa nắng, nhìn ra bốn bề là màu xanh của lá rừng hoà cùng cái sắc vàng nhảy nhót, chói chang của ánh mặt trời, tường vàng, ngói đỏ kiêu sa. Mùa mưa, nhìn ra ngoài lớp học chỉ thấy màn mưa trắng xoá, xối ào ào, mờ đục. Tường có thêm rêu, ngói xen màu rệu rã. Những lúc như vậy, rừng và ngôi trường chỉ còn lại màu buồn, lòng người cũng ngần ngơ, nằng nặng.

Nghe nói, ngọn đồi ấy trước kia là nghĩa địa của người đồng bào Ê Đê, lúc múc đất xây trường còn tìm thấy mấy bộ hài cốt. Ban đầu trường có trồng một hàng tùng, tùng hợp đất lớn nhanh, thân cây xù xì, ngọn cây cao vút tưởng có thể chạm tới bầu trời. Sau bão về nhiều, vì an toàn nên thầy hiệu trưởng quyết định cưa hàng cây tùng đi. Đến cái cây nằm phía bên phải của dãy nhà ba tầng, cưa chết máy. Thử đi thử lại nhiều lần vẫn thế, cuối cùng phải lập bàn thờ, khấn vái đầy đủ mới cưa được cây. Đó là một trong vô vàn những điều kì lạ mà tôi được nghe kể hoặc chứng kiến về ngôi trường tôi đang dạy. Mỗi bước tôi đi, mỗi lời tôi nói ở trường vì thế đều trở nên cẩn trọng hơn vì nếu người không biết thì còn có trời biết, đất biết và những linh hồn đã chọn ngọn đồi cao ấy làm nơi trú ngụ biết.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

Tôi chỉ thắc mắc một điều, sao mảnh đất này chẳng giữ được chân người? Hơn mười năm ở đây, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu đồng nghiệp đến rồi đi, đi mà chẳng buồn ngoái đầu ngoảnh lại, với cuộc đời họ mà nói, nơi đây chỉ là một ga xép, dừng chân trong chốc lát để rồi họ lại tiếp tục cuộc hành trình đến nơi mà họ muốn. Tôi vui cho họ vì đã hoàn thành ước nguyện, chỉ buồn cho mình và học trò từ đó lại vắng đi một dáng hình quen thuộc, một tiếng nói đã trở thành quá khứ, một nụ cười chỉ còn thoảng qua trong trí nhớ mà trí nhớ thì có mãi nguyên vẹn bao giờ. Có những cuộc chia li vẫn có hi vọng về một ngày gặp lại, có cuộc chia li là vĩnh viễn chẳng có tương phùng.

Một chiều mưa ảm đạm cách đây gần bốn năm, tôi bận lúi húi cả buổi trong căn phòng tập thể nhỏ, mải mê với hai đứa con thơ tới khi vừa bước ra sân thì chị đồng nghiệp thất thần, chạy lại:

- Em biết gì chưa, T mất rồi!

Tôi thảng thốt không tin vào tai mình, chiều qua tôi vẫn thấy em, vẫn nghe em cười nói, em vẫn còn bế em bé nhỏ giúp tôi mà! Lúc đó, tôi chỉ mong mọi sự chỉ là nhầm lẫn, tôi mong có phép màu xảy ra. Nhưng không kịp nữa rồi.

Sáng ấy, em cùng mấy anh chơi chung nhóm lên con thác gần trường bắt cá, nướng gà. Tầm trưa, anh em xuống thác tắm, em trượt chân... Mãi mấy tiếng sau, em mới được tìm thấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở. Em ra đi trong sự thất thần của mọi người, trong tiếng khóc xé lòng của người thân, học trò. Trong khoảnh khắc vẫy vùng giữa dòng nước xiết em đã nghĩ gì, chàng trai đang độ tuổi thanh xuân rực rỡ có trách nơi rừng thiêng nước độc này đã lấy đi cuộc đời, khát vọng, ước mơ của em? Những ngày trước khi em mất, quạ kêu rất nhiều, kêu liên tục những tiếng kêu giật thốt, u ám, xé thinh không. Cũng từ đó về sau, nghe tiếng quạ kêu, lòng tôi luôn bất an, một nỗi sợ hãi không rõ hình hài, phủ kín lòng người như một niềm ám ảnh.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

Tôi tưởng rằng, mình đã quen với những cuộc chia tay, khi từng người một cứ lặng lẽ rời đi trước mắt trong bao nhiêu năm như thế, như con thác cạnh trường tôi, đã quen với dòng chảy muôn đời của mình, âm thầm trôi miệt mài vào rừng núi u linh sâu thẳm, như những mùa nắng quen với thời tiết, khí trời nối mùa mưa mà tìm về rồi lại bất ngờ giấu đi ánh sáng rực rỡ vào giữa màn mưa đục ngầu, dai dẳng để trêu ngươi con người... Nhưng nào phải thế, dù có trải qua bao khoảnh khắc tạm biệt thì lòng tôi vẫn trống trải, hụt hẫng, buồn rơi như lần đầu tiên. Tôi càng thấu hiểu nỗi lòng của Lí Bạch khi tiễn Mạnh Hạo Nhiên tại lầu Hoàng Hạc của nghìn năm trước khi nhìn mãi vào cánh buồm lẻ loi cho đến lúc nó lẫn vào màu trời mây, sông nước, càng hiểu vì sao Thâm Tâm viết nên những câu thơ xuất thần:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đơn giản, vì tôi luôn là người ở lại trong những cuộc chia li.

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song…

Ngoài kia, nhà ai đang mở nhạc Khánh Ly, nỗi buồn vì đó theo những giọt mưa tìm về, thấm vào hồn, neo lại mãi chẳng rời, lạnh lẽo…

Ngày mai, trường tôi lại có người chuyển đi. Ngày mai, sân trường, lớp học lại có một dáng hình chìm vào hư hao...

Ngày mai, tôi và đồng nghiệp vẫn say sưa nơi bục giảng, làm tròn chức phận, học trò vẫn vùi đầu vào trang sách, hồn nhiên với những thú vui riêng.

Ngày mai, hàng hoa sữa vẫn tỏa hương ngọt nồng trong những cơn mưa cuối mùa thao thiết…
     Gió
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI

​​

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.