[RADIO #260] TIỆM TẠP HOÁ TUỔI THƠ

📻Tản văn: TIỆM TẠP HÓA TUỔI THƠ
🖊Sáng tác: Quỳnh Chi
🎙Giọng đọc: Sương Võ
🎼Âm nhạc: Sưu Tầm
📷Thiết kế hình ảnh: Hồng Nhật - Lê Anh Thư
Chủ nhật nào bốn chị em chúng tôi cũng tụ về nhà bà ngoại chơi. Chẳng cần thời khóa biểu mà chúng tôi theo lịch rất rõ ràng. Buổi sáng dành cho nô nghịch, quần thảo bên sân trường cạnh nhà bà. Buổi trưa, đói mềm, đứa nào đứa nấy xúm xít bên mâm cơm đơn sơ bà nấu. Chúng tôi xếp hàng đợi chia từng miếng cơm cháy giòn rụm được cẩn thận cậy ra từ đáy chiếc nồi áp suất bác cả cất công mang từ tận Liên Xô về. Nhưng tiết mục buổi chiều luôn là phần chúng tôi ngóng đợi nhất trong ngày – ăn quà vặt.
Ngay đầu ngõ nhà bà có một cửa hàng tạp hóa. Gọi vậy cho sang chứ thực ra đó là một cái chòi nhỏ được dựng lên bởi vợ chồng bác Dung – sống ở cuối ngõ. Cái chòi sơ sài lắm. Để che nắng, che mưa, bác căng một tấm bạt to màu xanh sậm – phía sau móc vào bức tường loang lổ, trên còn cắm đầy mảnh sành, phía trước buộc vào hai cái cọc gỗ cũ kỹ được cắm chặt xuống đất. Mỗi khi trời gió, cái bạt kêu phần phật, giòn tan.

Gia đình bác Dung thuộc diện khó khăn. Hai vợ chồng già yếu, ốm bệnh liên miên không đi làm được lại phải chắt chiu nuôi anh con trai đi học xa. Hàng ngày, bác đạp xe lên chợ thị xã mua về vài cái bánh mì không, dăm ba quả trứng, ít đồ ăn vặt trẻ con bày bán cho bà con lối xóm. Bà tôi cách ngày lại đi chợ một lần nhưng chắc do thương bác, bà vẫn thường ghé mua vài thứ lặt vặt. Và mấy chị em tôi góp một phần không nhỏ vào việc giúp bà trở thành khách hàng thân thiết của sạp tạp hóa sơ sài ấy.
Mỗi chiều chủ nhật, sau khi đùa nghịch chán chê cho hết giờ nghỉ trưa của bà, chúng tôi đều ngồi thẫn thờ trước hiên nhà chờ đợi âm thanh quen thuộc - tiếng cọt kẹt, răng rắc như sắp gãy phát ra từ tấm giát giường đã theo bà từ khi lấy chồng. Bà dậy rồi. Im ắng một chút. Đó là lúc bà đang chải mái tóc lấm tấm hoa tiêu nhưng dài, bóng và thơm mùi bồ kết bằng chiếc lược bí đã thưa bớt vì gãy mất mấy cái răng. Sau đó, tiếng dép nhựa loẹt xoẹt xuống nền xi măng vang lên. Chúng tôi nén sự hân hoan đón chờ chuỗi âm thanh ấy. Chúng tôi hồi hộp không kém gì các cô cậu ngóng đợi show diễn của các thần tượng âm nhạc.
Bà xuất hiện ở cửa bếp cùng búi tóc gọn gàng sau gáy, giản dị trong chiếc quần lụa đen và áo lanh hoa nhỏ xíu với một hàng cúc trắng phía trước. Bà nhìn chúng tôi đang hấp háy đợi bà:
- Ngủ trưa thì không ngủ. Nô như giặc.
Bà mắng vốn nhưng những dịch giả tài ba như chúng tôi hiểu thành: “Theo bà nào, các cháu yêu”. Chúng tôi lập tức đứng dậy, lun cun theo bà ra đầu ngõ.

Nắng chiều đã bớt bỏng rát. Bà đứng nói chuyện với bác Dung. Chúng tôi chẳng bao giờ để tâm vào những câu chuyện ấy. Việc của chúng tôi là ngắm nghía, chỉ trỏ, bà tán về những hình Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới xanh xanh cắm trong những chiếc kẹo bi màu hồng bắt mắt, những quả ô mai mặn ngọt bọc đầy gừng hay gói mì trẻ em giòn rụm. Mà chúng tôi phải tính toán dữ lắm chứ đâu chỉ xem đơn thuần – một trăm một quả ô mai, hai trăm một cái kẹo, năm trăm một gói mì. Phải kết hợp món nào với món nào hay gạ gẫm ai mua chung để có thể ăn được nhiều nhất, bài toán kinh tế đầu đời của chúng tôi tuần nào cũng diễn ra đầy căng thẳng.
Sau khi tạm chốt sơ kế hoạch mua sắm, chúng tôi nháy nhau hành động cho phần quan trọng nhất – gọi vốn từ nhà đầu tư. Hai đứa đứng ôm hai cái cột chống chòi. May mà chúng đã được đóng cẩn thận nếu không hẳn chúng chẳng thể trụ nổi trước sức đu đeo dai dẳng của mấy chị em tôi. Một đứa cầm tờ báo quạt quạt sau lưng bà. Đứa còn lại gánh trách nhiệm nặng nề nhất: xoa xoa cái túi nhỏ hình vuông dày cộm bà khâu bên vạt áo. Lần nào cũng vậy, mọi hành động của bà đều nằm trong tính toán của chúng tôi. Bà đánh nhẹ vào tay đứa dám “vuốt râu hùm” rồi bà hít một hơi trước khi đưa ra một con số. Chúng tôi cũng nín thở theo.
- Năm trăm thôi đấy.
Chỉ chờ có vậy, bốn cái miệng hú vang ngõ. Chúng tôi quay đầu bu kín sạp và lao nhao đưa ra những quyết định của mình. Dù đã có kha khá thời gian chuẩn bị nhưng khoảnh khắc chốt lại những lựa chọn của mình vẫn thật khó khăn.

Bác Dung thoăn thoắt nâng lên đặt xuống, mở ra đóng vào những chiếc lọ trong suốt đong đầy niềm hạnh phúc trẻ thơ. Nếu bà khiến chúng tôi đứng ngồi không yên với con số quyết định thì bác cũng hay tặng chúng tôi nhưng bất ngờ nho nhỏ như “mua hai kẹo mút, tặng một quả ô mai”. Éo le thay, hai bà chị tôi mỗi đứa một cái kẹo. Thế là quả ô mai được chuyền từ tay này qua tay kia, mỗi đứa cắn một tí cho tới khi chỉ còn trơ lại cái hạt. Nhưng sự tranh chấp nào dừng tại đây. Một cuộc oẳn tù tì gay cấn ngay lập tức được thiết lập để tìm ra chủ nhân duy nhất của cái hạt khô queo. Và người chiến thắng sẽ vênh mặt bỏ tọt cái hạt vào miệng. Nó sẽ xuýt xoa làm ra vẻ tất cả tinh hoa của quả ô mai đều nằm trọn ở cái hạt ấy, lớp thịt và gừng bọc ngoài chả có mảy may ý nghĩa gì trong cuộc đời này cả.
Cứ thế, tuổi thơ của chúng tôi đi qua những tháng ngày đủ đầy như vậy. Bà tôi tóc đã bạc thêm nhiều, vẫn hay ra đầu ngõ mỗi chiều nhưng chòi tạp hóa đã không còn nữa. Bức tường được xây mới sáng đẹp, rào sắt đều tăm tắp thay thế cho những mảnh sành lổn nhổn. Và chúng tôi - đứa bận công việc, đứa lại tha hương – chẳng còn đều đặn trở về bên bà mỗi chiều chủ nhật.
Quỳnh Chi
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: TIỆM TẠP HOÁ TUỔI THƠ
Add new comment