THÁNG CỦ MẬT

Sáng tác: Nhất Hàm - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

      ***
 Sương trắng lan xuống chảy theo những sườn đồi mờ ảo mang những tin hơi giá buốt kéo về. Phong dậy sớm theo con đường đất đi lên lớp. Ngày xưa hắn cũng đi học theo con đường này, bây giờ hắn vẫn về trường cũ nhưng đã là một người thầy. Vài nhành hoa cỏ nhấp nhánh những điểm sương long lanh. Đã một  năm hắn về làng làm ông giáo. Phong say mê trong hương lạnh của buổi mai mùa đông. Đời hắn bồng bềnh và dịu ngọt như vùng quê cũ này vậy. Chỉ là hắn vẫn thấy lòng hao hao như chờ đợi một cái gì xa vắng chưa về tới. Ba tiết ngữ văn trôi qua nhanh chóng, thêm nửa tiếng họp giao ban trao cái danh hiệu giáo viên dạy giỏi, tổng kết năm, vậy là Phong được thả lỏng. Hết một ngày lên lớp cũng hết việc năm nay. Trời gần trưa, hắn lững thững thả bộ lên triền đê dài. Phong mặc nguyên bộ vest mà ngồi xuống cỏ xanh trên đê cao. Trên này gió lộng, phóng tầm mắt có thể nhìn thấy những bãi bồi mướt xanh và đường ray phía xa.

- Thầy Phong, thầy Phong

Thanh âm trong trẻo truyền vào tai Phong như một thói quen. Lam, cô học trò nhỏ đã chạy đến từ đằng xa. Gọi là học trò nhưng cô chỉ kém hắn năm tuổi. Có thể nói là bằng tuổi em gái hắn mà thôi. Đôi mắt cô trong ngần và mái tóc chảy dài như suối. Lam ngồi trên bãi cỏ ngó ra xa. Cô ngồi bên Phong mặc cho gió thổi những hương tóc trôi vào khí quản hắn.

- Sao em biết thầy ở đây mà tìm?

- Em thấy mỗi khi rảnh rỗi thầy hay ra đây thôi

Cô bé khe khẽ trả lời. Phong rít một hơi thuốc mặc cho khói theo triền đê thả xuống đồng. 

- Sắp tốt nghiệp rồi, em có dự định gì không?

- Em cũng chẳng biết. Mẹ em muốn em lấy chồng làng bên cạnh. Hoặc cũng có thể em sẽ đi, đi đến nơi thật xa.

Lam trả lời Phong. Trong giọng cô mang một chút buồn. Phong lắc đầu ai ngại. Hắn đứng dậy đi tuốt ra phía dưới đê rồi nói :

- Về thôi em, nay tôi có việc.

Phong vừa về đến nhà đã lấy xe máy nhằm phía ga mà phóng ào đi. Cây bạch dương trong sân ga thấp thoáng dưới ánh trưa của mùa đông nhợt nhạt. Diệp, cô gái Phong đến đón, người hắn yêu, người hắn xem là tất cả đang uể oải đứng dưới gốc cây. Đôi mắt cô lim dim như thiếu ngủ. Tay nhỏ che lên nét mi nhìn giọt nắng yếu ớt từ mấy ngọn cây cao. Mái tóc ngắn đã buộc gọn, nước da nâu và đôi mắt pha lấy một chút buồn. Cả người cô núp trong lớp áo choàng nom không có gì là nữ tính. Chung quanh cô là một mớ valy. 

- Này đồ gấu nâu ngu ngốc.

Phong lớn tiếng trêu chọc. Diệp cũng đám lại:

- Gấu chó, dám trốn chị về đây à? Đâu, đưa chị đi xem hang gấu mau.

Thế rồi hai người cười khanh khách ôm lấy nhau như những đứa trẻ. Phong khuân hành lý của Diệp chất đầy xe. Hai người lao vút đi. Hàng cây lùi dần phía sau ống xả. 

- Này gấu chó, Đông với Nam nó cũng sắp về  đó. Tụi bảo về hẳn. 

- Ừm, về đây làng mình sẽ vui hơn. Mà về gọi anh đoàng hoàng nhé. Không được gọi gấu chó nữa biết chưa

Phong cười nói. Diệp nép sát vào hắn cười khúc khích. Cô cao giọng như hát vang:

- Đồ gấu chó, gấu chó cho chị bắt nạt.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

        *** 
Chẳng mấy chốc xe đã về đến nhà. Diệp uể oải xuống xe trong khi Phong đang giúp cô cất hành lý. Hắn quay lại hỏi cô:

- Ăn uống gì chưa, hay để anh nấu?

- Thôi, để em vào thắp hương hai bác. Rồi em đi ngủ. Chiều em ra mộ mẹ, anh ra với em nhé.

- Ừm, nghỉ đi em

Phong gật đầu. Diệp đặt mấy hộp bánh cô chuẩn bị sẵn lên ban thờ cha mẹ Phong rồi đốt hương khấn vái. Phong để mặc cô chỉ lúi húi làm mấy công việc chưa xong. Nơi này từ lâu lắm đã như nhà Diệp. Mọi ngóc ngách cô đều quen thuộc từng chút một. Làm hết việc nhà thì vẫn đang trưa. Phong ngả mình trên chiếc ghế bành bên cột hiên. Hắn rít một hơi thuốc lá rồi chìm đắm vào những mộng tưởng đã xa..
 Dạo ấy cha mẹ Phong còn sống. Hắn và Diệp vốn là hàng xóm cũng là bạn học cùng trường. Sáng sớm, Phong thường chở Diệp đi học trên chiếc xe đạp dưới hàng tre. Gió thu thổi qua những hàng giậu thưa xanh ngọc màu tre mới. Thi thoảng, những đoá cúc nở hoe vàng còn ngậm đôi giọt sương long lanh. Tóc Diệp dài như suối thả trên tà áo dài trắng tinh khôi bay bay theo gió. Hai người cười nói vô tư mà không biết đến những sóng gió sẽ đến để trở bão giông trong đời mình.
 Thế rồi cha mẹ Phong mất trong một vụ tai nạn. Hắn nhớ thời gian đó hắn như điên dại. Hắn chỉ còn Diệp thôi. Chính cô đã  động viên Phong học cho hết nghề giáo. Rồi mẹ Diệp quyên sinh. Ba cô có người đàn bà khác nên khiến bà buồn bã rồi nghĩ quẩn. Diệp thầm thề sẽ không nhìn mặt cha nữa. Ngày Phong về làng, Diệp quyết định rời đi. Hắn còn nhớ như in lời hẹn ba năm của Diệp:

- Ba năm nếu tớ nguôi ngoai kịp quay về thì gương vỡ lại lành. Nếu không thì chúng ta kiếp sau gặp lại. Đừng tìm tớ nữa.

Thế rồi Diệp rời đi. Phong cứ mãi ngơ ngẩn trong bầu trời ký ức nơi thôn nhỏ. Hắn chẳng đợi chờ chỉ nghe cơn đau dìu dịu nhưng âm ỉ trong từng hơi thở của hắn. Nỗi nhớ biến Phong thành nhà thơ. Hắn đã xuất bốn, năm tập sách. Rồi bỗng một ngày cuối năm hắn nhận được thư Diệp như một phép màu trong cuộc đời.
 Dòng suy tưởng của Phong bị cắt đứt vì tiếng động khẽ của Diệp. Diệp bừng tỉnh dậy khi chiều đông vừa chớm nhạt những giọt nắng hao gầy. Bầu trời xam xám ngoài cửa sổ, cái im lặng của buổi trưa, mái tóc quăn tựa lên cột gỗ bên thềm rêu cũ của Phong,  tất cả thu vào đôi mắt sáng. Cô thấy mình như lọt thỏm trong một khoảnh ngưng của thời gian. Phong nhẹ nhàng ngồi bên cạnh cô nhìn ra cửa sổ.

- Thế nào, có ra chỗ mẹ không? Chuẩn bị đi 

- Thì ra, nhưng em không có gì mặc ra hồn

- Này, cầm lấy

Phong nhẹ nhàng mở tủ lấy một gói nhỏ đưa cho Diệp. Cô mở ra, là một chiếc áo dài the màu tím nhạt có thêu hoa hồng. Vừa nhìn thấy nó, đôi mắt Diệp bỗng đỏ hoe. Năm đó Diệp thích nhất là mặc áo dài đặc biệt là chiếc áo thêu hoa này. Đây cũng là lời hứa của mẹ cô trước khi mất mà bà chưa làm được cho cô. Ai có ngờ đâu, bà đột ngột ra đi như thế....

- Gấu chó đáng ghét. Ai mượn anh chứ.

Diệp ôm lấy Phong vừa đấm nhẹ vào người hắn. Phong ôn tồn ôm vai cô thủ thỉ:

- Anh chỉ còn em là người thân thôi. Giữa chúng ta không chỉ có tình yêu đâu.

Diệp vẫn tấm tức khóc. Cô khóc như trút hết những ấm ức và đau khổ trong mấy năm qua. Diệp mơ hồ như trở về trong vòng tay mẹ. Cảm giác bình yên đã lâu cô chưa có lại được một lần.
 Ánh năng chiều mùa đông chiếu xiên qua màn lâ của những tàn cây trong nghĩa trang. Phong và Diệp đứng lặng lẽ bên nấm mồ nhỏ bé của mẹ Diệp. Cỏ trên mộ được cắt tỉa gọn gàng vì Phong vẫn tới lui. Hai người lang thang đến gần tối mới chịu trở về nhà. Hoàng hôn vương những vụn nắng trên thôn xóm, trên tóc và trên vai Diệp. Phong ngỡ như cô trẻ lại, lại vô tư như ngày mười tám, hai mươi. 

- Hay là mình cưới nhau đi

Diệp khẽ kề tai Phong nói nhỏ. Phong gật đầu:

- Được, nhưng bây giờ hơi gấp. Để hai thằng quỷ kia về với anh chuẩn bị tươm tất hơn. Sang Giêng mình làm lễ được không?

- Ừm, em đều nghe anh cả.

Diệp sung sướng tựa đầu vào vai Phong nói.

Ảnh: Sưu tầm
    📸: internet

       *** 
 Trời đã tối nhá nhem. Phong và Diệp vừa về đến nhà đã thấy trong sân có thêm một chiếc xe máy. Đông ngồi cạnh Nam đang phê thuốc lào trên đống hành lý. Phong vừa xuống xe đã chạy lại đấm nhẹ vào vai Đông hỏi:

- Hai thằng quỷ này, không về nhà mày sang đây làm gì? Không có cơm nuôi chúng mày đâu đấy

- Hết cách, lụt Phong ạ. Chắc ăn bám mày qua Tết. Mà Diệp cũng không về nhà..

Đông vừa vừa nói đến đây thì Nam nửa say nửa tỉnh vả vào mồm nó đánh bốp rồi lè nhè chửi:

- Mẹ thằng ngu,  im tao ngủ coi.

Đông vừa nghe như nhớ ra điều gì chợt im lặng rồi mấp máy:

- Tao,... tao xin lỗi.

Diệp đôi mắt buồn buồn nhưng lại cười được ngay. Cô nói: 

- Ở đây còn mày với thằng Nam có nhà mà về thôi. Nhưng mà không được ăn không ở không nhá. Phải góp ăn, đóng tiền còn làm lao công miễn phí cho bọn tao. Quên không nói cho chúng mày biết tao với Phong giờ là một.

Diệp nói khiến Đông mắt chữ a mồm chữ o. Phong định ra chợ mua thêm đồ thì phát hiện quãng đường qua đồng chiêm trũng đã lụt. Mấy cái xóm nhỏ như những ốc đảo tách biệt với nhau. Ánh đèn dần lên, Diệp đứng bên cạnh hắn nhìn cánh đồng loang loáng nước. Họ nhớ về những mùa hạ đã xa, những mùa thơ ngây trong trẻo của một thời thanh xuân. Diệp tựa đầu lên vai Phong.  Hắn choàng tay ôm cô nghe lấy cái lạnh đang về nhuộm thẫm thêm màu còn nước. Đồng xa tháng Chạp còn nhiều người tát gầu sòng.

- Chẳng lẽ bao lâu nay thầy không tiếp nhận em chỉ là vì cô ấy sao? Cô ấy là ai? Thầy có bao nhiêu tài hoa không lẽ định chôn mình ở cái thôn nghèo này sao?

Phong và Diệp giật mình quay lại. Lam đứng dưới trăng, mắt đẫm lệ. Khi Diệp vừa quay lại Lam bỗng như thét lên:

- Là chị, chị đang trả thù mẹ con tôi đúng không? Không có chị nhất định thầy Phong sẽ yêu tôi. Không, tôi phải rạch nát bản mặt ngây thơ của chị.

Nói rồi Lam nhặt một mảnh đá sắc nhọn dưới đất lao về phía Diệp. Diệp chỉ ú ớ lắp bắp:

- Chị... chị...

Chứ không kịp làm ra phản ứng gì. Lam là đứa em cùng cha khác mẹ của Diệp. Nhìn số tuổi của cô cũng biết cô ra đời từ khi cha mẹ Diệp còn ăn ở với nhau. Diệp vừa căm hận vừa đồng cảm với mẹ Lam. Riêng với Lam, cô luôn thấy mình nợ cô bé một mái ấm có đủ cha mẹ. Vì vậy nên cô chẳng những không bao giờ nghĩ đến trả thù mà luôn muốn bù đắp cho Lam. Tuy nhiên Diệp không phản ứng không có nghĩa là Phong cũng vậy. Hắn đã chụp được mảnh đá trong tay Lam khi nó cách mặt Diệp chừng gang tay. Máu từ tay Phong chảy xuống thành những giọt đỏ li ti trên mặt đất. Lam thấy vậy như hoá điên. Cô lao đến muốn cào cấu Diệp:

- Vì cái gì? Chị có gì tốt hơn tôi, anh bỏ tôi ra.

Bốp, tiếng bốp giòn vang trong tối mùa đông lạnh giá. Phong thẳng tay dáng cho Lam một cái tát khiến cô sững người. Giọng hắn trở nên lạnh lùng hơn bao giờ hết: 

- Nếu không phải em là em của Diệp chắc anh không chỉ nhẹ nhàng như thế. Về hỏi người cha khốn nạn của em xem ông ta có xứng đáng làm cha không? Em có bao giờ nghĩ đến mẹ con em đã cướp đi của cô ấy những gì không? Nhắc cho em nhớ, anh và Diệp vốn là của nhau. Kể cả Diệp không trở lại em cũng không có cơ hội đâu. 

Lam đứng chết trân không trả lời. Cô từ từ buông rơi viên đá rồi chìm dần vào đêm tối. Một lúc sau khi cô đã đi khuất vào cánh cổng bên cạnh, thanh âm của Lam mới vọng ra:

- Em xin lỗi, đáng lẽ em không nên xen vào cuộc sống của chị Diệp, cũng không nên xen vào giữa hai người làm chị bỏ đi. Càng không có mặt mũi nào nhìn chị nữa

- Về nhà thôi.

Phong khẽ kéo tay Diệp đang thất thần trong nước mắt. Diệp bấy giờ mới nhận ra tay hắn đang chảy máu vội vàng lau nước mắt lấy băng gạc xử lý vết thương cho Phong. Ngồi dưới ánh đèn măng xông hiu hắt, Diệp áp bàn tay mới băng bó của Phong lên mặt mình thổi khẽ như muốn dùng hơi ấm của mình làm dịu vết thương. Cô nhìn Phong nói khẽ:

- Chúng ta như vậy có quá đáng với Lam không?

- Gấu nâu ngu ngốc. Em nói xem,  nó có cha, có mẹ, em có cái gì nào? Anh làm vậy cho nó tỉnh ra. Hoặc là biết ơn nhận người chị gái này. Hoặc không nữa thì cắt đứt cho khỏi nợ. Anh cũng không chấp nhận học trò của anh không lo học suốt ngày tơ tưởng đến thầy.

Phong dùng cánh tay còn lại cốc nhẹ vào đầu cô nói. Diệp nhẹ nhàng tựa vào trong lòng hắn khẽ trả lời:

- Biết rồi.

Lúc này tiếng Nam vọng vào:

- Thế chúng mày định cho bọn tao ngủ kiểu gì. Có mỗi cái phòng có giường thì để đồ hết rồi.

- Mà nhớ trò trải lá chuối ngày bé không? Bây giờ lại như thế. Nhưng mà chỉ có hai cái chăn thôi.

Phong đáp vọng ra. Tiếng Đông len vào ngay:

- Không ngờ ở thành phố về mày lại cho tao sống lại thuở đói nghèo. Thôi mày với Diệp nằm chung. Hồi bé chúng mày vậy suốt huống gì bây giờ đã thế này còn ngại gì.

Phong không trả lời nữa. Cả bốn người lấy mấy tấm gỗ kê trên chồng gạch để cách với nền nhà đất rồi trải lá chuối khô lên trên. Vườn vốn nhiều chuối lại thêm vùng này lắm năm rét ác nên Phong thường tích trữ. Căn nhà ngang nhà Phong vẫn như cũ, trông huơ trống hoác và có vài khe nứt trên tường. Trời càng về khuya càng lạnh nên cả đám vấn khăn đội mũ mà đi ngủ. Phong nằm giữa Diệp và hai thằng bạn. Hắn bỗng thấy mắt cay cay. Diệp rất tinh ý quay sang hỏi:

- Anh sao thế, vết thương còn đau à?

Hôm nay, Diệp cuộn tóc vào trong một chiếc mũ len trắng tinh và chiếc khăn vàng. Phong thấy cô có nét giống bà Mai, mẹ Phong, hồi hắn còn bé. Hắn ôm lấy Diệp nói khẽ:

- Anh nhớ mẹ, nhớ hồi bé mẹ hay kiểm tra xem đám nhóc tụi mình đã ngủ chưa.

Diệp nghe vậy mắt cũng đỏ hoe. Cô cũng nhớ mẹ cô mỗi mùa xuân à ơi theo cánh võng. Phút hoài niệm sâu lắng này về sau thành chuyện cười của Đông và Nam mãi. Chúng chê Phong và Diệp già đầu vẫn như trẻ con.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

         ***
 Hôm nay đã là ngày Tất niên. Đông vẫn cưỡi con xe máy cà tàng lượn khắp nơi mua cho đủ nguyên liệu. Mấy cây đào trồng từ hồi mẹ Phong còn sống đã trổ hoa, năm nay rét nên nụ hoa nở thưa và chưa bung hết. Cụi tre ngà của hắn kêu lóc cóc theo từng cơn gió bấc. Trước sân, Nam được phân công nên dựng một cây nêu cao lêng khênh có treo chuông gió rung rinh từ hai hôm trước. Phong tận dụng một khoảnh vườn trống trước nhà gieo thêm những cây cúc đủ màu. Quanh vườn có rào tre thưa. Hắn nuôi một đàn gà trong khu vườn nhỏ ấy. Đàn gà nằm phơi nắng dưới bụi cúc nở hoa. Con nào con nấy hiền khô, béo ú vì thức ăn lúc nào cũng thừa mứa. Con gà trống đầu đàn đã già lắm chứng tỏ nó đã sống qua không biết bao nhiêu thế hệ. Chúng có một dãy chuồng tre được làm rất tỉ mỉ công phu. Thỉnh thoảng con gà già lại gáy vang lên kèm theo đó là lũ gà trống con, cháu cũng cất tiếng như được bắt nhịp. 

- Êi, làm con cúng Tất niên nha mày.

Nam nhanh tay bắt được một con gà. Phong bỗng gắt lên như  có ai nắm chân hắn mà kéo:

- Thả xuống, thả ngay nó xuống. Đàn gà này bố mẹ tao để lại, tao chỉ thi thoảng lấy trứng thôi. Gà tao mua nhà bác Năm trả tiền rồi. Mày sang bắt. Đứa nào đụng vào gà tao, tao cho ra đường ở đó. 

Nam vội vàng thả con gà trống vào vườn. Nó không có vẻ gì là sợ hãi mà ung dung đến bên con gà trống già nằm phơi nắng rồi gáy một tràng như trêu ngươi người vừa bắt nó. Vừa lúc đó, tiếng xe máy dừng ngay trước cổng. Đông quẳng bộp bịch giấy xuống cạnh Phong rồi nói:

- Có nó mới là Tết, tao lùng mãi mới được. Thuốc pháo đấy, đứa nào cuộn thì cuộn. Không thì để anh.

- Má thằng ngu. Mày quăng quật thế có ngày nó nổ cho sạm mặt.

Phong càu nhàu nói. Thế rồi ai vào việc ấy. Diệp bày biện lại đống bánh mứt và mâm ngũ quả. Có lúc cô lại phụ Phong rửa lá để hắn gói bánh chưng. Phong và Đông mỗi thằng một cái chiếu cạp điều. Phong gói bánh còn Đông hì hục bên nong pháo với đủ loại giấy màu. Nam đang đắp một cái bếp trên sân đất để nấu nướng ngoài trời. Diệp nói vọng ra:

- Thằng Đông già đầu mà chỉ mê chơi mấy trò mạo hiểm vậy khó lấy vợ lắm

- Nhưng chúng mày phải công nhận, không có thằng Đông “liều” này Tết mất vui phải không? À, sảng khoái.

Đông vừa uống một ngụm rượu lại mang một trong số những quả pháo hắn vừa cuộn xong đốt một tiếng đoành rõ to. Đời hắn chỉ có rượu và pháo là vui vẻ nhất.
 Chẳng mấy chốc mà đã đến đêm. Khắp nơi vang tiếng lầm rầm khấn vái trước giao thừa. Mùi hương trầm bay trong đêm mùa đông. Phong đánh guitar cho Diệp hát. Riêng Đông vẫn loay hoay bên những dây pháo đủ màu treo trước cổng nhà. 

- Đốt thử bây ơi, tao mót quá rồi.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

 Chuông nhà thờ vừa điểm thì Đông vừa nói vừa đốt một quả pháo. Rồi cả bốn người cùng nâng ly trên chiếc chõng trước sân trong tiếng pháo nổ vang. Qua hàng dậu thưa, mẹ con Lam và cha Diệp cũng đang ăn cơm giao thừa. Bốn đôi mắt nhìn nhau nhưng không ai nói gì. Diệp khoác tay Phong ngồi bình thản. Cha cô và Lam hơi cúi mặt  như có phần ái ngại và xấu hổ. Pháo vẫn nổ,  tiếng ca hát, ăn uống chúc tụng vẫn vang lên khắp nơi. Ông Hoàng, cha Diệp, lúc này mới đứng sát bờ giậu nói khẽ:

- Ba xin lỗi con.

- Chị, chị luôn là người chị tốt nhất của em

Lam cũng nói theo. Diệp lảo đảo đứng dậy cười toe toét. Cô nói với Phong:

- Em say rồi, dìu em đi. Mà tiện tui nói nè. Ra Giêng tui cưới, ai dự thì dự nghen.

Rồi cô tựa vai Phong đi vào trong nhà. Cô đã chọn tha thứ cho lòng nhẹ bớt. Chỉ thấy bà Thanh, mẹ Lam gọi con gái vào rít lên:

- Hạnh phúc mà không biết giành lấy thì rồi nó vụt mất nghe con

- Chị em con đâu có sống như chị em mẹ được. Con nợ chị Diệp, nợ bá Trúc quá nhiều mẹ à.

Lam cười chua chát và có phần oán trách. Thì ra bà Thanh vốn là dì ruột Diệp. Bà ta và mẹ cô, bà Trúc là hai chị em.
                T.D🌿
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: THÁNG CỦ MẬT

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.