TRÍCH DẪN HAY HÀNG TUẦN SỐ 44

1.
Bạn đừng vì bản thân trao đi những điều tốt nhất cho người bạn thương, đến khi bạn cần, họ lại không thể bên cạnh bạn, thì đừng thất vọng, vì mình từng nhớ mẹ nói rằng:
“Điều tốt đẹp trao đi, không phải chỉ mong người đó sẽ đem lại, mà là dù ở khắp nẻo đường gần xa, cũng sẽ có những bàn tay sẵn lòng che chở cho con!”
Nên đôi khi, mình nhớ lại những điều trước đây, mình lại nhẹ nhõm đôi phần, không phải là vì cứ thương là phải thể hiện hết mình để họ nhìn thấy, mà vì mình muốn, cảm xúc mình được trọn vẹn trong từng phút giây và mình thật dũng cảm, khi dám sống thật, đương đầu với tình cảm mới chớm nở
Bạn sẽ nghĩ, an ủi hay quan tâm, dù ít hay nhiều, chỉ là vài câu nói, nếu đặt tâm vào thì thật ý nghĩa, nếu là anh hùng ngang qua thì sáo rỗng vô cùng, chung quy là lời nghe lúc ấy, để lọt vào lòng làm gì, để rồi vui buồn đan xen rối rắm.
Nên bây giờ mình ít mở lời hơn, không phải vì vô tâm, mình nghĩ rằng, hãy bớt lại tiếng nói, để trái tim cảm nhận chân thành của đối phương, nếu thật sự có, tự khắc lời nói sẽ mở ra, mọi thứ sẽ xoay về đúng nơi nó cần về.
[Mọi thứ sẽ xoay về đúng nơi nó cần về - Hạ Tây]
2.
Tôi nhớ mãi câu nói mẹ tôi vẫn hay bảo rằng là: “Tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính mình”, câu nói ấy cứ văng vẳng bên tai mỗi khi một vài mối quan hệ xung quanh của tôi không còn đi theo chiều hướng tích cực nữa, có lẽ mà bởi vì thế, lâu dần tôi lại biến sự tha thứ ấy như một lẽ thường tình, và trở thành một điều gì đó để hài lòng người khác, rồi vô tình hay cố ý tôi đã quên mất rằng tha thứ không phải là hành động chỉ dành cho người khác, mà còn là dành cho chính mình.
Tôi có thể nói với một ai đó rằng “Tôi ổn, tôi đã bỏ qua rồi”, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần, thế nhưng việc tha thứ cho bản thân lại không hề đơn giản như thế. Giống như việc bạn cố gắng lau sạch một tấm gương bám đầy bụi, chỉ để nhận ra rằng, điều bạn nhìn thấy vẫn luôn là hình ảnh của chính mình — không hoàn hảo, không dễ chấp nhận, và thực tế là nó trần trụi, xấu xí, méo mó biết bao.
[Hi vọng bạn có thể tha thứ cho chính mình trước khi tha thứ cho người khác - Yên Đan]

3.
Sống chậm lại không có nghĩa là tôi từ bỏ mọi việc không làm. Cuộc sống vốn là chuỗi ngày lao động cơm - áo - gạo - tiền vất vả ngược xuôi làm sao có thể dừng lại được. Chỉ là tôi học cách tận hưởng niềm vui lao động, không còn mang tâm thế bắt buộc cứng nhắc như trước đây mà tôi học cách yêu ngay cả những thất vọng khi kết quả chẳng được như ý muốn cho dù đã cố gắng hết sức mình. Tôi biết dành thời gian cho tâm hồn thả trôi theo dòng sông ký ức mênh mông, nơi đâu cũng là bến bờ yên ả trước sóng gió cuộc đời luôn trực chờ kéo về nhấn chìm tôi vào trong tuyệt vọng bất cứ lúc nào. Tôi không còn mang tâm thế nhanh vội đón chào ngày mới mà bình tĩnh hơn chờ đợi những điều tuyệt vời sẽ đến.
Một ngày có 1440 phút, tôi thật chẳng tham lam khi dành ra một phút cho riêng mình để trở về khoảng lặng bình yên thảnh thơi nghe nhạc thưởng trà, hương thơm của lạc quan - tình yêu - hạnh phúc - nỗ lực kiên trì nhẹ nhàng lan toả khắp không gian ướp đậm tâm hồn tôi mỗi ngày trưởng thành thêm nhiều sức sống.
[Cuộc sống ơi, dạo này có ổn không? - Ly Ty]
4.
Ta vẫn thường nghe mọi người rỉ tai nhau, hay khuyên nhủ một cô gái trong cuộc hôn nhân đổ nát rằng: “hãy tự thương lấy mình.”
Thế mà khi ta chưa kịp nhận được sự động viên của mọi người, ta đã vội chùn bước, ta đã vội tự chê trách mình không tốt, buồn phiền vì mọi người không bên cạnh, mà lại chẳng biết rằng ta phải làm điều ấy với chính mình trước. Chỉ có ta mới hiểu mình, hiểu được những việc mình làm, hiểu rõ những dự định, những mong muốn mà bản thân muốn thực hiện. Nên ta phải tự cổ vũ, động viên chính mình.
[Mình không cổ vũ mình thì ai sẽ làm điều đó - Chang]

5.
Mỗi chúng ta, như một đóa hoa riêng biệt giữa khu vườn đời, mang trong mình một câu chuyện “ngày xưa” không lẫn vào đâu được. Đó là những buổi trưa hè trốn ngủ, rủ nhau ra đồng thả diều, cánh diều chao liệng trên nền trời xanh thẳm, mang theo cả ước mơ con trẻ bay cao, bay xa. Ngày xưa còn là những trang vở học trò thơm mùi giấy mới, là những rung động đầu đời e ấp, là những kỷ niệm về mái trường, bạn bè, thầy cô, nơi chắp cánh cho ta bước vào đời.
“Ngày xưa” không chỉ là những thước phim quay chậm về tuổi thơ, mà còn là cả một bức tranh rộng lớn, vẽ nên bởi gia đình, xã hội, thời đại ta sinh ra và lớn lên. Một đứa trẻ lớn lên ở miền quê nghèo khó, “ngày xưa” sẽ mang màu sắc của ruộng đồng, lam lũ, của những bữa cơm đạm bạc, của tình làng nghĩa xóm ấm áp. Một người trải qua những năm tháng chiến tranh, “ngày xưa” sẽ nhuốm màu khói lửa, đau thương, nhưng cũng đầy ắp tinh thần kiên cường, bất khuất. Chính những gam màu khác biệt ấy đã tạo nên sự đa dạng, phong phú cho bản hòa ca “ngày xưa” của mỗi người.
[Ai cũng có ngày xưa - Hoa Hạ]
Add new comment