TRÔI

Sáng tác: Thảo Quyên - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Tay_Đan_Mùa_Về
Chủ đề: Tiếng thời gian

---
Thằng nhỏ tỉnh bơ khi đứng dưới cái nắng dữ tợn của mười hai giờ trưa, miệng mở ra rồi đóng vào, muốn nói nhưng lại thôi. Nó không biết mình hy vọng điều gì ở chốn đất Mũi xa lắc xa lơ này. Chẳng lẽ hồi đó má đẻ nó, nuôi được một đoạn xong chán, rồi bắt xe lên Đồng Tháp quăng đại cho ai lượm thì lượm, dễ gì rảnh vậy, thằng nhỏ chắc cú. Nó nghĩ tới đó, đánh tiếng thở dài não nề. Nó nghĩ bụng, giờ lên xe đi tiếp hay đứng chờ người đàn bà bỗng đâu chạy đến lúc nó xuống xe mua ly nước mía. Mắt bà dại đi, nhìn nó như gặp ma. Bà la lên, hốt hoảng:
“Ông nội mẹ ơi, giống quá. Mày ở xứ nào xuống đây? Có họ hàng gì dưới đây không?”
Nó thót tim, có gì đó giãy giụa từ sâu bên trong, chưa kịp lên tiếng đã bị đánh gãy bằng câu nói tiếp theo của người đàn bà xa lạ:
Mày đứng đây chờ tao, tao về kêu nó ra, thiệt tình giống rặc khuôn.”

Bà bỏ lại một câu nói thiếu đầu mất đuôi rồi gấp gáp đi về phía xa. Dường như bà không cần biết thằng nhỏ có tình nguyện chờ với lý do kỳ cục của bà không, cũng như nó vẫn đứng chờ dẫu không biết đang chờ điều gì và có đáng để chờ không. Thôi, nó buộc đời mình vào chiếc xe tải này, vốn dĩ là để tìm kiếm những thứ ơ hờ, nhợt nhạt, tình cờ tới nỗi chẳng ai tin thế này mà. Chờ tiếp chứ biết làm sao giờ, có còn hơn không, thằng nhỏ kiếm cho mình một cái cớ hoàn hảo.

Nó đưa mắt về phía dòng sông đang bị cái nắng nuốt trọn. Chẳng ai đi giày vò chính mình dưới cơn nắng gắt gao giữa trưa, ghe xuồng vội vã tìm chỗ trú, cây cỏ ven sông cũng e ấp cuộn lá, cúi đầu. Bến sông vắng lặng, chỉ còn lác đác những cánh lục bình trôi lẻ loi, ngơ ngác chẳng biết đi đâu, về đâu.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm


***
Xe hàng của ông chủ ghé hết tỉnh này đến tỉnh khác, hết nông thôn rồi đến thành thị. Ở mỗi nơi đi qua, nó đều cố gắng để lại chút dấu tích, bâng quơ kê khai tên tuổi, sắp tới đi đâu, hồi nhỏ được lượm ở đâu… dù chẳng ai hỏi đến. Có khi ở sạp hàng ngoài chợ, khi ở tiệm tạp hóa ven đường hay bàn cờ tướng của các cụ cựu chiến binh, không thì góc cà phê bệt có mấy dì mấy thím tám chuyện sau buổi chợ chiều… miễn nơi nào có khả năng truyền tin, có chỗ để chen vào thì nó đều không bỏ qua. Lỡ có ai cũng vô tình ghé đây hỏi thăm về nó thì sao? Người ta sẽ bảo rằng có thằng nhỏ đen đen, cao chừng này, độ mười chín hai chục tuổi, hồi xưa bị bỏ dưới gốc mít… Bấy nhiêu là đủ để gieo vào lòng “ai đó” và cả nó niềm hy vọng nhỏ nhoi. Đúng vậy, nhỏ đến mức phải đỏ mắt mà tìm suốt mười mấy năm nay.

Xuôi dọc những chuyến đi, đôi mắt nó dò tìm chưa giây nào ngừng nghỉ. Biết đâu qua khúc cua này có người kêu lên “Có ai thấy thằng con tui bỏ dưới gốc cây ven bờ hồ thị trấn ở miệt Tháp Mười hồi mười lăm năm trước không?”. Hay tự dưng ghé quán dừng chân lại nghe người ta xì xào, bàn tán về một gia đình nghèo tới nỗi năm đó buộc lòng bỏ bớt đi một miệng ăn. Sao lời ra tiếng vào nào lọt tới tai thằng nhỏ cũng làm nó dấy lên sợi dây liên kết mỏng dính trong lòng. Lời ra tiếng vào nào cũng buộc nó phải đem hết vốn liếng ra, ráng làm sao móc nối mấy sợi dây rời rạc, cho thấy câu chuyện trong miệng người ta đều có liên quan tới đời mình. Ông chủ xe hay chửi nó khờ, già cái đầu còn không chịu nhìn thẳng đời mà sống, cứ ngó nghiêng xiêu vẹo cho khổ cái thân.

Nhớ có mấy lần, thằng nhỏ nghệt mặt ra khi lần mò theo sợi dây nào đó, cuối cùng mới hóa ra không có miếng nào dính dấp tới nó. Đợt đó chọc ông chủ bực mình, cảm thấy bất công thay nó. Ông chửi thề một tiếng, lớn giọng nói:
Bà già mày muốn tìm mày thì tìm từ đời nào rồi. Có mày giả ngu không biết mới đi tìm người bỏ mày như bỏ bịch rác xuống sông rồi phủi tay, nhẹ lòng.”
Ông chủ có gia đình đủ đầy, êm ấm. Ông không hiểu được đâu. Giờ con không tìm, thêm mấy chục năm nữa có khi tiếng ba tiếng má còn chưa kịp kêu thì cái thân này đã bị vùi dưới đất.

Bị ông chủ nói tới chừng đó, thằng nhỏ giận không thèm để ý. Nó nhắc bụng dạ phải tin là má bỏ mình vì nghèo, chắc nghèo dữ lắm, không bỏ không được. Ừ, chắc trăm phần trăm! Nghĩ, ở miệt xa xôi nào đó, thời gian có mài mòn hình bóng đứa con trai này trong lòng ba má không? Cuộc đời phiêu bạt cùng hiện thực phũ phàng nào làm nó chùn bước. Bởi lẽ tồn tại như một sự lãng quên, không có sự mắc nối nào với cuộc đời này còn đáng sợ hơn cái chết.

Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Hồng Nhật - 📸: Sưu tầm


***
Nó thoát khỏi dòng suy nghĩ cuồn cuộn khi người đàn bà xa lạ quay trở lại. Theo sau bà là một người phụ nữ với nét mặt nhăn nhó, đang luôn miệng trách cứ vì bị kéo đi vô căn cớ. Tuy gắt gỏng nhưng cũng không làm mất đi vẻ sang trọng trong từng bước đi của người phụ nữ đó, một bộ dạng của kẻ lắm tiền, sống trong nhung lụa từ lâu. Đến gần hơn một khoảng, thằng nhỏ cứng người vì phảng phất nhận ra nét quen thuộc trên gương mặt được tu dưỡng đến độ không nhìn ra tuổi kia. Nó nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ, dù chỉ thoáng qua thật nhanh nhưng nó vẫn bắt kịp một tia hoảng sợ từ vẻ mặt của bà.

Nó đưa ánh nhìn đến người đàn bà xa lạ, mong mỏi tìm một lời xác nhận về ba từ “giống rặc khuôn” mà bà đã nói trong lần đầu chạm mặt khi nãy.

Người đàn bà đưa tay kéo người phụ nữ đến trước mặt nó, nói:
Tao mới gặp nó hồi nãy. Mày coi phải thằng Tí không? Nó giống mày y đúc, tuổi cũng chừng đó.”
Người phụ nữ đanh mặt, giọng bốp chát:
Tí nào? Chồng tui với hai đứa con gái còn sống sờ sờ chờ tui ở nhà, Tí gì ở đây nữa? Tui nói quài, chị bớt lo chuyện tào lao đi chị Hai.”
Thằng Minh nó chết, mày tái hôn với thằng cha già đáng tuổi ba mày thì tao với má đã mắt nhắm mắt mở rồi. Hà cớ gì mày giấu má giấu tao, đem thằng con mày đứt ruột đẻ ra đi quăng bờ quăng bụi hả Liên? Giờ nó đừng sờ sờ trước mặt mày, mày còn không chịu nhận nó hả quân ác ôn.” - Người đàn bà hét lên, mặt đỏ bừng, nức nở.
Tui không có đứa con trai nào hết. Nó chết theo thằng cha nó rồi. Giờ chị thấy tui sống yên ổn quá nên chị chướng mắt hả chị Hai? Ổng chết lâu rồi, chị với má tha cho tui đi.”

Dứt lời, người phụ nữ giẫm guốc, quay lưng bỏ lại hai dáng người chật vật phía sau. Đối mặt với người đàn bà xa lạ, mơ hồ có quan hệ ruột thịt với nó, thằng nhỏ lặng thinh để tiêu hóa mớ thông tin chớp nhoáng như lạ như quen vừa lướt qua đời. Nhiều lần nó mường tượng về khung cảnh gia đình đoàn tụ, có nụ cười cũng có đầy nước mắt. Mà hỡi ôi, khung cảnh vừa rồi lại quá đỗi xa lạ với những gì nó có thể nghĩ đến. Hình như có thứ gì đó đã bị mất, vừa có lại được và thoáng chốc lại vụt xa, mãi mãi.

Cô gì ơi…Khoan đã cô ơi…m..á…M..á ơi…”
Thằng nhỏ kêu với theo, giọng khản đặc, nhỏ dần rồi im bặt. Chới với. Nó không nuốt xuống kịp tiếng má được cất lên sau mười lăm năm mòn mỏi.
Bước chân người phụ nữ khựng lại, hai tay bà khẽ siết thành nắm đấm. Nó thấy người bà phập phồng theo từng nhịp thở mạnh.
“Con có phải con của m..á… không?”
Người phụ nữ bước đi thật nhanh sau câu hỏi xót xa của thằng nhỏ. Không chần chừ, bà đi như chạy trốn, đi như phủi bỏ tất cả thuộc về nó.

Khó lòng hình dung cảm xúc hiện tại của nó. Lênh đênh. Trống rỗng. Buồn hay vui lại biến thành chuyện mà nó không tài nào điều khiển được. Tay chân nó như thừa thãi, cứng đờ.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

Bác Hai bước lại chắn trước mặt thằng nhỏ. Bà xoa nhẹ đầu nó, nhìn sâu vào mắt nó như thể đang hồi tưởng lại bao nhiêu năm qua. Bà thương xót nói:
Ba bây mất sau một vụ tai nạn trên sông. Hôm đó ghe chở cả nhà ba người nhưng người ta chỉ vớt được xác ba bây thôi, không tìm thấy bây và mẹ. Bẵng đi cỡ ba tháng thì mẹ bây về nhà dọn đồ đạc theo chồng mới. Tao với bà nội khóc lóc, van xin cỡ nào thì mẹ bây cũng khăng khăng là bây chết theo ba rồi. Mười mấy năm trôi qua, dù đánh tiếng tìm cháu không có miếng tin tức nào nhưng tao với bà nội bây vẫn chờ bây về.”
Bà nói đoạn rồi dừng, ngó xem phản ứng của nó. Không biết thằng nhỏ có nghe được gì không, nó đứng im như tượng, không hó hé một lời. Bà thở dài xót cháu, nói tiếp:
Dù sao cũng máu mủ ruột rà, mẹ bây có cái khó của nó. Tao trách là trách nó nhẫn tâm đem bây bỏ nơi xứ người. Đêm nào tao với bà nội cũng khấn ba bây phù hộ, mở đường cho bây tìm về nhà, Tí ơi… Còn Bác Hai, còn bà nội thương bây. Bây đừng gấp, chớ cần ép mình nhận ruột thịt với ai hết. Nhà mình vẫn ở yên đó, giang tay chờ bây về.”
Bác Hai nói rồi cúi gập người, cầm vạt áo bà ba chấm đi mấy giọt nước rơm rớm nơi khóe mắt.

“Nhà, bác, bà nội, ba”, hàng loạt danh từ vang bên tai nó, xa lạ nhưng lại rất đỗi thân quen. Nó có nhà, nó có người thân.
Nhà, bà nội, ba… Nhà, bà nội, ba…”
Nó lẩm bẩm trong miệng, lắng tai nghe từng từ được chính miệng mình lặp đi lặp lại. Từng tiếng gọi thân thương vang lên như tiếng gọi của thời gian, kéo nó lướt qua mười lăm năm côi cút, lướt qua mười lăm năm thả số phận trôi lơ lửng theo những tin đồn, những “hình như” ở đầu môi của ai đó.

Bỗng, thằng nhỏ mở miệng thì thào, ngập ngừng:
Dì…bác Hai, con đi thăm…b..à nội, thăm… b..a.. được không? Mình… về… n..h..à… nói chuyện được không?”

Người đàn bà bất ngờ trước lời đề nghị của nó. Bà ậm ờ, gật đầu rồi kéo tay nó đi. Hai bóng người chồng lên nhau trong cái nắng gay gắt của buổi ban trưa, như thể đang minh chứng một sự liên kết không hề tình cờ. Dù rằng vừa có ai đó đã chối bỏ sự hiện hiện của nó trên cõi đời, nhưng đôi phút nữa thôi, nó sẽ tự tay nắm được sợi dây móc nối giữa nó và cuộc đời này, đúng không?

Bến sông vắng lặng, có đám lục bình đang níu lấy nhau, kéo nhau neo chặt thân vào bờ.

    Thảo Quyên
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: TRÔI

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.