CHẠM ĐẾN BẦU TRỜI

Sáng tác: Nghệ Thương - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật

#NNTD_truyenngan_40
Chủ đề: Giấc mơ mong đợi.

Con bé Bông bốn tuổi rưỡi được mẹ Cẩm mua cho một cái xe đạp ba bánh màu xanh dương. Trên thân xe có những đường vân trắng, uốn nối tiếp nhau cong cong như sóng. Giỏ xe dán hình mấy nàng Pony bé nhỏ, bên ngoài viền kim tuyến lấp la lấp lánh. Bông thích lắm, luôn vuốt ve cái xe, gọi yêu xe là "nàng chiến mã". Trong lũ trẻ con cả xóm, Bông nhỏ nhất, cũng là đứa duy nhất đang tập đi xe đạp. Bởi vậy, cứ nghe tiếng lọc cọc, lạo xạo nghiến qua đường, qua đá nằng nặng là mọi người biết Bông với nàng chiến mã lại bắt đầu hành trình vi vu (khám) phá xóm làng. 

Đôi khi, người ta lại nghe thấy tiếng "rầm", đó là xe tông vào tường; "Á hự", con Bông hét lên khi ngã oạch xuống đất; "Mày đi kiểu gì đấy Bông?", mẹ Cẩm quát lên; "Đỡ con nó dậy đã", bố Kiên dịu dàng khuyên. Mẹ Cẩm lừ mắt, bố Kiên nín thinh, quay vào nhà với chảo đồ ăn rán dở. Bọn trẻ con lớn tuổi hơn đứng cười hô hố: "Bông hôn đất! Bông hôn đất!". 

Miệng Bông méo xệch, hai đầu gối dưới cái váy loe xoe lúc nào cũng dán mấy miếng ơ-gâu chồng chéo. Cẳng tay, cẳng chân nó xước xát, đầy vết bầm tím, vết này chưa kịp biến mất thì vết kia đã mọc lên. Nhưng con bé chỉ vừa khóc vừa đứng dậy, phủi bụi cho chiếc xe và tiếp tục ngồi lên lọc cọc đạp. Nghị lực của Bông khiến con đường hơi lởm chởm đá chịu mòn đi một chút. Chỉ một chút thôi. Nhưng thế đã đủ để bọn trẻ con khâm phục và đặt cho Bông cái tên: Kỷ lục Ghi-nét (Guinness) hôn đất nhiều nhất.

Đã có lần tôi thấy tội nghiệp Bông. Hôm đó là một ngày thứ Bảy xanh mát, về chiều, mặt trời dần chuyển sang màu cam sáng nhòa nhòa, vài đám mây lững thững vắt ngang vầng thái dương tròn trịa. Trời giở tối, màu sắc mọi vật đều thẫm đi. Tôi đạp xe đến thăm Bông. Nhà tôi cách nhà cháu Bông hai xóm liền kề. Chẳng hiểu thế nào mà hai dì cháu tông thẳng vào nhau ở một khúc cua tròn và hẹp. Tôi thì không sao, nhưng Bông lại ngã lăn kềnh ra đất. Nó mếu máo bảo tôi: 

- Con bị người ta tông ở đây tới ba lần rồi. 

Tôi bế Bông lên bằng một tay, tay kia dắt xe đạp của con bé. Nó ôm cổ tôi, hôn má và thì thầm bảo con nhớ dì lắm, dì có mang quà cho con không. Tôi cắn má nó: 

- Sư bố cô! Chỉ thế là nhanh.

Nhận mấy cái kẹo mút trong túi áo tôi, Bông reo lên hớn hở: 
 
- Con yêu dì lắm! Dì ơi, trời tối nhỉ dì? 

- Mùa đông nên trời nhanh tối. 

Một lúc sau, con bé lại hỏi: 

- Dì ơi, sao bầu trời bé vậy dì? Có một khoảng xíu xíu à. Lúc đi học con thấy trời to lắm cơ.

Bông đưa ngón trỏ và ngón cái sát vào nhau, hướng lên vòm trời cao, một bên mắt nó híp lại. Tôi ngẩng lên nhìn trời với nó. Bỗng tôi thấy lạ quá. Hồi tôi còn bé, bầu trời không xa xôi như thế. Lúc nào khoảng xanh thăm thẳm cũng như ở ngay trước mũi, mây sà thấp, tưởng đâu chồng dăm cái ghế là có thể leo lên nệm trời, chìm vào giấc mơ thần tiên kỳ diệu. 

D
📷: Sưu Tầm 

Hôm nay, bầu trời mênh mông bị ép ngạt giữa những căn nhà tầng san sát nhau. Không còn mảnh đất dày um tùm cỏ, châu chấu nhảy tanh tách, bươm bướm rợp vườn. Không còn lá hoa rực rỡ, dưới ánh chiều tà chớp tắt, những màu xám bê tông cứng rắn lại càng thêm lạnh lùng. Chỉ chốc lát thôi, nắng sẽ không tài nào len được vào nữa. Đường tối thui như bôi mực. Nếu không có đèn thì giơ tay chẳng rõ năm ngón, còn mặt trăng thì bị che khuất mất rồi. 

Tôi thở dài bảo Bông: 

- Vì các căn nhà ăn mất bầu trời rồi con ạ

Bông ngây thơ không hiểu, nó khúc khích cười. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp nó. Tội nghiệp những lần ngã bầm hết hai chân vì đường xóm hẹp quá. Không có chỗ đâu để nó thoải mái đạp xe. Tội nghiệp tuổi thơ của nó bị vây trong tầng nhà thấm đẫm ủ rũ, chẳng bao giờ biết đến cảm giác một vùng cỏ xòa người ngưa ngứa, hăng hăng. Lũ châu chấu, cào cào cứ như tiến vào thời kỳ tuyệt diệt hết cả, bới từng thớ đất ngậm sỏi lên cũng không thấy được một lần.

Tôi bế Bông đi ngang một nhà đang dọn bữa. Bông chỉ vào ti vi nhà ấy, kêu lên: 

- Con vịt vàng. Con vịt vàng kìa dì ơi! 

- Ừ, nào dì mua cho Bông một con nhé. 

Bông hài lòng thơm tôi thêm cái nữa. Tôi còn mải nhìn vào trong. Người mẹ trẻ đang dỗ con ăn bằng cách bật ti vi. Đứa trẻ cứ ngơ ngẩn trông lên màn hình sáng, chẳng bận tâm mẹ nói gì, thỉnh thoảng há miệng ngậm thìa cơm, nhai, nuốt. Cái bóng của một căn nhà bỗng đổ sụp xuống đầu hai dì cháu, choán lấy một khoảng âm u giữa bốn bề chật chội. Chợt tôi sờ sợ, tiếc nuối, bẩn thẩn đâu đâu. Tôi xoa nhúm tóc bé tí trên đầu cháu mình, nhớ lại ngày xưa được mẹ dắt rong quanh xóm để ăn cơm. Đám trẻ thơ túm tụm khoe ai ăn nhanh nhất, giỏi nhất, nhốn nháo ầm ĩ mãi đến khi lên đèn. Trăng mọc, chúng tôi lại thách nhau thi đạp xe. Cả một vùng xôn xao nói cười. 

Bao nhiêu năm thỉnh thoảng tôi lại lấy những kỷ niệm ra mà coi ngắm. Lòng vui vui buồn buồn. Con bé Bông sung sướng hơn dì nó, nhưng cũng khổ hơn dì nó. Cuộc sống nó tiện nghi hơn, mà cũng bớt tươi mát, vui khỏe hơn. Tôi vuốt ve cháu, thương nó quá, cố dằn lòng tội nghiệp lại. 

Trẻ con lớn nhanh như thổi. Hôm nay gặp nó, nó đã khác hôm qua. Tuần sau bế nó, nó đã khác tuần trước. Đặc biệt con bé Bông, càng lớn nó lại càng khôn lạ lùng. Nó có nhiều câu hỏi bất tận, và cũng có những thói hỏi bất tận rất trẻ con, nhiều khi đến bố mẹ nó cũng không đỡ nổi. 

Ví dụ, một hôm Bông (đã lớp Hai, tóc không buộc củ tỏi nữa mà tết bím rất điệu, chuyển sang đi xe đạp hai bánh) kéo tôi vào phòng, lôi ra chiếc xe ba bánh hồi bốn tuổi. Con bé thì thầm rất trang trọng như đang hé lộ một bí mật nào đó: 

- Cái xe nó biết co nhỏ lại đó dì! Hồi trước nó cao bằng cả người con, mà giờ nó cao có nửa con thôi à. 

Vừa lúc ấy thì mẹ Cẩm bước vào. Chị cười ruồi với con: 

- Bông, mẹ đã bảo rồi. Con lớn lên chứ không phải cái xe bé đi. 

- Thế tại sao con lại lớn lên ạ? 

- Tại xương con phát triển, con cao lên. 

- Tại sao xương con lại phát triển? 

- Vì xương ai cũng phát triển hết. Anh Tít, chị Mỡ nhà bác Hân này,... các anh chị lên lớp Ba đấy, đứa nào chả cao lên. Con thấy không?

Bông đảo mắt, nó nói:

- Nhưng con thấy cụ Mừng có cao lên đâu ạ, càng ngày cụ càng còng đi ấy chứ. 

- Vì cụ lớn tuổi rồi nên cụ mới thấp dần đi, còn con là trẻ con, con đang trong độ tuổi phát triển. 

- Vậy độ tuổi phát triển là bao nhiêu ạ? 

- Cho đến khoảng 18 tuổi mới ngừng cao được. 

- Thế sao chị Bin mới 15 tuổi mà cô Nga suốt ngày bảo mãi chị chẳng cao thêm tẹo nào? Hôm qua mẹ còn nói với cô Nga là sợ chị Bin không lớn nữa mà. 

Mẹ Cẩm dần mất kiên nhẫn. Chị bực mình quát con: 

- Con lấy đâu lắm sự thế! Nói chung là con sẽ ngày một lớn lên.

- Hứ! Vậy tại sao con lại lớn lên? 

Mẹ Cẩm nghẹn lời. Chị đóng cửa cái rầm, mắng Bông là "con tiểu yêu". Ngày xưa mẹ hay mắng chị như vậy mỗi khi chị làm gì phật ý mẹ, giờ chị lại mắng Bông. Tôi cười đau cả ruột vì những câu hỏi vặn rất lòng vòng của cháu gái mình. Bông nhún vai, ra vẻ đĩnh đạc như người lớn: 

- Dì thấy chưa, mẹ con chẳng nói được. Con đã bảo cái xe nhỏ đi là nhỏ đi mà! Con hỏi dì này, dì có biết tại sao cái xe lại nhỏ đi không?

Lũ trẻ con. Có một câu mà nó hỏi hết người này đến người kia. Nhận được câu trả lời nhưng không vừa ý nó, nó cự cãi cho bằng được, đủ mọi thứ lí trấu không biết đào từ đâu ra. 

Tôi bảo Bông: 

- Dì không biết. Vậy Bông biết tại sao không?

Con bé nghĩ ngợi. Nó lấy ra cái kính như kính cận, đeo lên rồi lắc lư giống một học giả: 

- Hiện tại thì Bông chưa biết. Dì để con suy nghĩ thêm vài lát nhé. 

Vài lát của Bông là mấy ngày hai dì cháu không gặp nhau. Vừa thấy tôi đến, con bé đã hớn hở chạy ra đón: 

- Con biết rồi dì ạ! Dì vào đây con nói cho nghe

Tôi ngồi ngoan ngoãn giả vờ làm học sinh. Bông đeo cái kính hôm nọ lên, tay cầm đũa chỉ vào xe ba bánh, ra vẻ cô giáo: 

- Dựa theo kết quả nghiên cứu, tiến sĩ Bông đã cho ra một kết luận như sau. Cái xe này giống như cụ Mừng, nó có tuổi rồi nên dần già đi, bởi thế mà nó thu nhỏ lại. Từ nay Bông sẽ chăm sóc nó cẩn thận, không để nó đi lại nhiều, giữ sức khỏe, tiếp tục đèo nhiều thế hệ sau nữa. 

Cháu tôi còn nói bô boa một hồi. Tôi vỗ tay bôm bốp để cổ vũ cho kết quả nghiên cứu đầu tiên của cháu. Thế mà vài ngày sau gặp lại, Bông nhìn tôi hết sức nghiêm trọng:

- Con nghĩ là mình cần thay đổi kết luận. Áo con mới mua tuần trước mà tuần này đã chật rồi! Cô giáo ở trường đo con cao lên 2 xen-ti-mét lận. 

Bông chốt lại hớn hở: 

- Vậy là do con lớn lên. 

Tôi lại gật gù đồng ý với cháu. Suy cho cùng, chỉ có người lớn mới quan tâm đến sự thật, với trẻ con thì sự thật là điều bọn nó quan tâm và tin tưởng. Tôi xoa đầu cháu, thấy mặt con bé hiện lên những suy tư rất trầm ngâm. Như một người trưởng thành. Thậm chí là hơn một người trưởng thành. Bông có một gương mặt tìm tòi. Lúc nào nó cũng ở trong tư thế tò mò, nó hay hỏi và hay học. Nó sẽ "cãi" người khác cho đến khi nào họ thuyết phục được nó mới thôi. Điều ấy khiến nó trở thành đứa không bao giờ biết bỏ cuộc. 

Tôi thấy tự hào về con bé quá. Tôi tưởng tượng đến ngày nó lớn lên, vai nở ra, mặt thon thon vẫn vấn vương đôi nét bầu bĩnh, hai con mắt sáng long lanh và tinh nghịch. Nó sẽ là một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, được nhiều người yêu mến vì ham tìm hiểu. Nó học xong cấp Hai, rời cấp Ba, lên Đại học, tốt nghiệp, đi làm… 

Tôi bỗng dừng khựng lại. Tự dưng trong đầu óc trải đời của mình, tôi nghĩ đến cảnh con bé ở trong lớp học, giữa muôn vàn khuôn mặt, hoàn cảnh khác nhau, nó hỏi cô tại sao bài của nó với bạn giống nhau mà cô cho điểm bạn cao hơn nó? Vì bạn đi học thêm. Nó bước ra đời, nó hỏi người ta sao kẻ chẳng có tài cán, chuyên môn gì lại ung dung ăn trên ngồi trốc? Vì người ta giàu, nhà người ta hơn nhà nó. 

Tự dưng tôi thấy nghèn nghẹn. Liệu cháu tôi có mang gương mặt tìm tòi ấy nhìn tất thảy mọi người, rồi quay về khóc với một dấu hỏi tan nát? Tôi ôm chầm lấy nó vì thương xót. Con bé ngọ nguậy trong tay tôi. Nó vẫn còn bé bỏng, mà tôi đã thấy cái bóng của một ngôi nhà lừng lững đang từ từ phủ lên tương lai nó. 

D
📷: Sưu Tầm 

***

Trời ngả chiều. Bông dắt xe đạp ra để đi chơi trước lúc mẹ bắt về ăn cơm. Nó nghêu ngao hát. Tôi đi theo bên cạnh nghe nó hát. Con đường hẹp vẫn đầy những căn nhà dựng đứng hai bên, còn Bông đã vững tay lái hơn. Đột nhiên bánh xe cán qua một vùng sỏi, nó ngã oạch xuống: "Á hự!" 

Bông đứng dậy, giai điệu bài hát vẫn thế nhưng lời lại thay đổi: 

- Ố la la… tại sao Bông ngã? Tại vì viên sỏi! Ồ! Tại vì Bông không nhìn đường… í a…  Bông đạp xe đi chơi… đi chơi… 

Nó thong thả leo lên xe, vẫn hát nghêu ngao và đạp tiếp. Những vết bầm chân mờ dần theo tháng năm, nhưng không hết hoàn toàn. Bông vẫn vấp ngã, vẫn đứng dậy, vẫn đạp xe từ ngày này qua ngày khác. Cũng như việc nó hỏi. Nó hỏi một cách ngang bướng lạ thường, nhưng cũng tiếp thu rất mau. Đạp xe là giấc mơ của nó. Hỏi cũng là giấc mơ ấy. Con bé trong sáng như sương. Chợt lòng tôi nhẹ nhõm khó tả. Tôi cúi xuống xoa đầu con bé. Nó ngẩng lên nhìn tôi cười thật tươi. Nụ cười của nó gợi về vùng cỏ non trong ký ức thơ ấu, có chuồn chuồn xanh, con bướm trắng, lũ châu chấu muôn đời lấp ló nơi bụi cỏ ru hè.

Sau lưng tôi, trước mặt tôi, cái bóng của những căn nhà dần mờ đi, rồi trở nên nhẹ bẫng. 

Bông đã đạp xe ra xa, đến khoảng đất không còn bóng nhà che lấp. Bầu trời xanh nở như cánh hoa trên đỉnh đầu nó, dìu dịu, thăm thẳm tầng không. Hương gió mát ngọt ngào. Một đàn chim liệng ngang, khuất dần về phía những tán cây xanh thẫm. Buổi chiều mơ hồ nắng chầm chậm ngả xuống mặt đất. Bông đưa tay lên với, sung sướng nói với tôi: 

Dì, dì ơi! Con sắp chạm đến bầu trời rồi! 

Vẳng nghe có tiếng chó sủa xa xa. Chim kêu lích rích. Hẳn người ta đã đi làm về. Họ lách mình giữa những con ngõ hẹp chật chội, bụi vẩn bên vai áo ướt mồ hôi, cát sỏi lộm cộm dưới chân. Rồi họ chen vào những dãy nhà bê tông bề thế mà ngột ngạt. Tôi không biết được. Trước mắt tôi, tất cả đang thấm đẫm một màu sắc huyền ảo. Tôi nhìn mọi thứ bằng đôi mắt kẻ đang mơ.

Tôi bế Bông lên, hai chúng tôi cùng xòe tay rướn lên cao, khua nắm giữa trống trải. Tôi lại thấy mình đã chạm vào thứ gì lành lạnh man mát. Sắc thiên thanh đỏ ối nằm ngay trong lòng bàn tay, đầy ắp, lạ lùng. Bóng hai chúng tôi kéo dài ra, hắt lên tường nhà cao ngất ngưởng. Cái bóng cũng đang giơ tay thật cao. Tôi hôn lấy Bông, vui sướng bảo cháu: 

- Phải Bông ơi. Dì cháu mình chạm đến bầu trời rồi, Bông nhỉ?

   Nghệ Thương

👉Link bài viết trên Group Tay Đan: CHẠM ĐẾN BẦU TRỜI

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.