CHỜ NGƯỜI NƠI ẤY

Sáng tác: Lan Ngọc - Những Ngón Tay Đan

- Cô giáo em mặc quần loe túi bổ, trong túi bổ có một ổ chuột chù...

Có tiếng trẻ con ở ngoài cổng, bà cụ trong nhà chợt như giật mình đưa mắt nhìn nhanh ra bên ngoài. Dưới cái nắng của buổi chiều tháng bảy, mấy đứa trẻ nhà bên đọc to câu thơ con cóc rồi cười khúc khích với nhau. Bà Hoan yếu ớt vịn vào tường mà đứng dậy, bước ra thềm.

- Gà ơi, vào bà bảo.

Nghe tiếng gọi, Gà vâng rõ to rồi chạy nhanh vào, bỏ lại đám bạn phía sau.

- Bà cần mua gì ạ? Bố cháu bảo bà muốn ăn rau gì cứ nói để cháu về hái cho.

Con bé lễ phép nói nhưng bà Hoan chỉ lắc đầu. Hồi trẻ bà cụ không có lấy chồng, cứ ở vậy đến tận bây giờ, lý do vì sao thì cả làng đều biết. Nhà bé Gà ở bên cạnh, thấy bà cụ sống một mình thì hay cho đồ, khi thì bó rau, khi thì quả mướp, nhiều hôm nhà mổ gà cũng thấy bé Gà theo lời bố bưng sang cho bà bát. 

Bà Hoan mới ngoài sáu mươi tuổi nhưng không được khỏe như người ta, cứ ốm đau suốt, nhiều khi tiền lương hưu còn không đủ tiền thuốc men, cũng may nhờ có hàng xóm giúp đỡ. Vì yếu nên nhiều hôm bà có nhờ bé Gà ra chợ đình mua cho bó rau hay mấy quả trứng.

- Câu lúc nãy cháu nghe ở đâu?

Bà nắm lấy tay con bé, giọng run run như đang kìm nén cảm xúc. Bé Gà tròn mắt nhìn bà rồi hồn nhiên trả lời:

- Hôm trước cháu thấy bố ngồi chơi với chú Ba nói thế.

- Còn có ai nữa không?

Bé Gà nhìn bà cụ lắc đầu. Bà Hoan rơi vào im lặng rồi đưa mắt nhìn lên con búp bê để trên nóc tủ mấy chục năm qua nhưng vẫn có bàn tay ai cẩn thận lau nó mỗi ngày. Thấy bà cứ mãi im lặng, bé Gà hỏi nhỏ nhưng hồi lâu sau mới thấy bà đáp lại, ánh mắt vẫn nhìn về phía con búp bê.

- Gà ra chơi với bạn đi.

A
📷: Sưu Tầm 

Con bé ngoan ngoãn vâng lời rồi chạy ra ngoài chơi với đám bạn. Bà Hoan chầm chậm bước tới cái tủ quần áo cao hơn đầu mình, kéo cái ghế bên cạnh lại rồi cố sức đứng lên nó để lấy con búp bê cũ xuống. Vì sức khỏe vốn yếu nên vừa lấy được con búp bê xuống bà cụ đã không ngừng thở vì mệt.

Chừng như đã đỡ mệt, bà Hoan bước đến bên cái giường kê trong góc nhà, tay vẫn cầm con búp bê với vẻ nâng niu lắm. Con búp bê chỉ cao chừng ba mươi phân, trông nó giống như một đứa bé mới sinh. 

Đây là con búp bê mà bà được tặng mấy chục năm về trước, nó không giống với những con búp bê xinh xắn bây giờ. Ngày ấy, trong làng còn có thú vui là nhà nào cũng cố câu cóp sắm lấy con búp bê để trong nhà. Thứ đồ này không phải để chơi mà là một thứ đồ trang trí, như mấy lọ hoa bây giờ. Và nó thường được gia chủ đặt trên những nơi như nóc tủ chỉ để những lúc ngồi buồn thì ngắm.

Bàn tay già nua của bà Hoan gỡ chiếc khăn tay được buộc ở cổ con búp bê ra. Chiếc khăn này cũng là được tặng cùng hồi với con búp bê, vì để lâu nên nó đã bị bạc màu rất nhiều rồi. Bà cụ chạm nhẹ những ngón tay lên dòng chữ "Phạm Thị Hoan" được thêu bằng chỉ đỏ nhưng đã bạc màu theo thời gian ở mép chiếc khăn. Bà cứ ngồi nhìn chiếc khăn thật lâu mà không biết bên ngoài trời đã dần nhuộm sắc tím của buổi chiều.

A
📷: Sưu Tầm 

Thời gian trở về mấy chục năm trước, khi ấy bà Hoan còn là giáo viên, mà ngày ấy làm giáo viên cũng là khấm khá hơn so với những người quanh năm làm ruộng trong làng. Hồi đó bà cụ cũng là người xinh nhất vùng, ngày nào cũng có người đến nhưng bà chưa gật đầu ai. Hồi ông Tộp, bố bà còn sống cứ nói mãi câu này:

- Mày cũng đến tuổi lấy chồng rồi lấy ai thì lấy luôn đi chứ ngày nào cũng có người đến nhà thế này tốn nước của tao quá.

Ngày nào cũng có người đến chơi rồi ngỏ ý muốn lấy bà Hoan mà có người đến chơi chẳng lẽ lại không mời người ta được cốc nước lọc? Chính vì thế nên hôm nào nhà cũng phải nấu nước. Cứ mỗi lần nghe ông Tộp nói thế bà chỉ lắc đầu nhìn bố cười, có khi lại nói:

- Thế thì bố treo biển cấm đến đi.

- Ô hay cái con này, đến hay không do mày chứ tao treo biển mà được à?

Trai trong làng, rồi làng bên đến nhà nói chung cũng nhiều mà không thấy bà Hoan chịu lấy ai nên người ta bảo bà kiêu. Mà với một người xinh nhất vùng của năm đó thì kiêu một chút cũng là chuyện thường tình.

Bà Hoan cũng có mấy người bạn chơi chung từ nhỏ, trong đó có một người tên Thái là bà thân hơn cả. Mọi người hay gán ghép hai người với nhau mà ông Tộp cũng nhiều lần bảo con gái lấy quách ông Thái đi. Ừ, lấy thì cũng được, quen biết từ nhỏ lại gần bố gần mẹ, người ta chẳng bảo là "Có con mà gả chồng xa như beo bắt lợn nó tha lên rừng/ Có con mà gả chồng gần nửa đêm đánh đuốc đem phần cho cha" còn gì. 

Biết là thế nhưng ông Thái cứ câm như hến, trong khi đó bà lại là người được khen là xinh nhất vùng chẳng lẽ lại bảo với người ta rằng hay tao với mày lấy nhau đi à? Trâu đi tìm cọc thì có chứ ai đời cọc lại đi tìm trâu.

Ông Thái thì cũng có ý với bà nhưng lại nghĩ bao nhiêu người có của ăn của để đến tán không được thì một thằng nông dân như ông chắc gì đã lấy được người ta. Cũng vì thế mà hai người cứ mãi im lặng, mấy người bạn cũng dựng vợ gả chồng đến phân nửa rồi.

Một buổi chiều đầu thu bà Hoan đang dạy học thì ông Thái đứng ở ngoài cửa nhìn vào, tay cầm chùm nhãn vừa hái ở đâu. Bà Hoan đang dạy nên không biết mà vẫn cầm một đoạn cây làm thước chỉ lên cái bảng con con đặt trên cái ghế gỗ.

- Các con đọc theo cô chỉ nhé.

- Cô giáo em là...

- Cô giáo em mặc quần loe túi bổ, trong túi bổ có một ổ chuột chù. Nào, đọc to lên.

Trong khi mấy đứa trẻ con nghểnh cổ nhìn lên bảng cố đọc thật to thì bên ngoài có tiếng người nói còn to hơn thế. Mấy đứa trẻ nhìn ra ngoài rồi cười vang sau câu nói của ông Thái. Bà Hoan nhìn ra ngoài lườm người ta một cái nhưng môi vẫn không nén được nụ cười.

Sau khi bảo lớp giữ trật tự, bà Hoan bước nhanh ra ngoài, véo vào tay ông Thái một cái.

- Đến đây làm gì?

Ông Thái không trả lời mà bóc quả nhãn đưa cho bạn, hỏi ăn không. Bà Hoan cầm quả nhãn đưa lên miệng hỏi ông lấy ở đâu.

- Nhà thằng Hách đấy, vặt được chùm nhãn mà bố nó rượt cho tí chết.

A
📷: Sưu Tầm 

Bà nhìn ông mà không nén được cười. Thấy mồ hôi lấm tấm trên trán ông Thái, bà liền đưa tay lên lau rồi lại bóc nhãn ăn. Ngỡ ông đến chỉ để cho mấy quả nhãn, bà định quay vào thì ông gọi lại.

- Chắc mấy hôm nữa tao sẽ đi xa.

Tin đó như sét đánh ngang tai khiến bà Hoan giật mình quay lại hỏi ông định đi đâu. Ông nhìn bà mà đáp buồn là chưa biết, năm nay mất mùa mà sống ở làng khó khăn quá ông định đi nơi khác xem có làm ăn được gì không.

- Kiêu như mày, biết bao giờ mới lấy chồng nhưng nếu lúc tao về mà mày chưa lấy ai thì có chịu lấy tao không? Dù gì thì tao cũng chả biết lấy ai.

Ông quay đi, hai tai đỏ ửng, câu nói cuối của ông như viện cớ. Đang yên đang lành ông đòi đi chỗ khác khiến bà không hiểu sao lại cáu nên khi nghe ông nói vậy thì càng bực.

- Tao thèm vào lấy loại mày. Mày thích thì đi đi, tao lấy thằng Cử trên xóm Sậu cho mày xem.

-... Ừ.

Ông ừ buồn nhưng cũng không nói gì thêm. Sau đó bà tức giận bỏ vào trong định dạy tiếp thì ông đưa nốt cho bà chùm nhãn trong tay với con búp bê còn mới, được buộc một chiếc khăn tay vào cổ. Nhìn con búp bê trong tay, bà ngẩng lên lườm ông một cái rồi bỏ vào trong. Mấy đứa trẻ thấy cô giáo có nhãn thì nhao nhao lên xin nhưng bà không cho, chỉ bảo muốn ăn chiều đến nhà cô mà trèo còn cái này thì cô không cho được.

Hôm đó ông Thái đứng ở ngoài nhìn bà mãi cho đến khi lớp tan. Bà Hoan biết nhưng bơ đi, lúc về cũng không thèm nhìn ông lấy một cái.

Ngày hôm sau thì ông đi sớm, lúc bà sang nhà chỉ thấy bố mẹ ông nói là đi rồi. Bà lầm lũi đi về rồi chạy vào buồng khóc như mưa, bố mẹ nói hết nước hết cái cũng không được.

Ông Thái đi được mấy hôm thì trong làng ai cũng đồn là bà Hoan có người thương rồi, nghe đâu có người còn nói bà sẽ đợi người ta về. Sau lần đó thì người đến nhà bà cũng ít dần rồi cũng không thấy ai đến nữa. Ông Tộp thì bảo con cứ kiêu, sợ không gả chồng được nhưng thấy con gái buồn thì cũng không dám nói chỉ nói nhỏ với vợ. Bà Hoan thì như thể chả quan tâm đến điều đó, bà còn nói càng tốt, đỡ mất công nấu nước.

Mọi người cứ đồn với nhau là bà Hoan đợi ông Thái về nhưng nhiều người cũng không chắc vì bà đẹp thế cơ mà, dù muộn một chút nhưng lấy ai chả được. Một vài năm đầu không ai để ý nhưng mấy năm cứ thế trôi qua bà Hoan vẫn không chịu lấy ai khiến bố mẹ cứ sốt xình xịch lên. Lúc đầu bố mẹ cũng chỉ nói với nhau nhưng lâu dần cũng lựa lời khuyên con gái. Những lần đầu bà đều kiếm đại lí do là không ưng ai, sau rồi cứ im lặng suốt. Mọi người nói mãi không được cũng đành thôi.

A
📷: Sưu Tầm 

Rồi mấy chục năm cứ thế trôi qua nhanh như một cơn gió, con cái của mấy người bạn lấy chồng sinh con cả rồi mà vẫn chưa thấy ông Thái về. Có người khuyên bà gật đầu đồng ý lấy người đàn ông góa vợ trong làng cho tuổi già đỡ đơn côi. Con cháu của người đàn ông đó có đến nhà hỏi nhưng bà vẫn nhất quyết lắc đầu.

Bà Hoan nghỉ dạy học rất lâu rồi, biết cô giáo ở một mình nên có mấy lứa học trò vẫn rủ nhau đến chơi với cô cho đỡ buồn. Vì trước đây từng dạy học nên bà cũng có chút lương hưu sống qua ngày. Học trò cũ biết rằng cho tiền cô sẽ không lấy nên lúc thì cho cái này khi thì đem cho cô cái kia. Mấy năm đầu cuộc sống cũng không khó khăn gì nhưng dạo gần đây sức khỏe bà yếu dần, tiền lương hưu gần như dùng để mua thuốc hết.

Cạnh nhà bà có một người học trò cũ tên Cường, là bố của bé Gà. Cường có vài lần đề nghị bà sang ở chung cho vui nhưng bà sợ phiền nên không chịu. Mẹ Cường cũng quý bà lắm nên bảo con rằng nhà có cái gì thì cho cô với. Mới đầu bà Hoan cũng không nhận nhưng Cường nói mãi bà nể quá cũng không nỡ từ chối.

Sức khỏe bà Hoan vốn đã không được tốt lại mắc thêm nhiều bệnh nên có những thời gian cứ nằm lì trên giường suốt, nhiều lần cố cũng nhưng dậy được. Yếu là thế nhưng ngày nào bà cũng cố gượng dậy, lau chùi con búp bê thật sạch. Ốm yếu không lấy nó được xuống thì ai đến chơi bà lại nhờ lấy hộ xuống, sau thì lúc nào con búp bê cũng được đặt trên đầu giường, gần chỗ bà nằm.

Biết cô giáo yếu, Cường có vài lần đưa bà đi viện nhưng người ta bảo bà yếu như này thì có chữa cũng chả được bao lâu nữa. Cường định chữa, bà Hoan biết nên khuyên anh cứ kệ, đừng cố níu kéo sinh mạng bà làm gì, sống chết có số rồi. Bà nói hết nước hết cái anh cũng đành nghe mà đưa cô về nhà chăm rồi nói con gái thường xuyên sang chơi với bà, có thế nào thì gọi bố vì bà Hoan không muốn sang ở cùng.

Những hôm chị em bé Gà sang chơi bà cũng đỡ buồn hơn, lâu lâu lại sai Gà đi giặt giùm cái khăn tay được buộc trên cổ con búp bê.

A
📷: Sưu Tầm 

Ra Tết thì sức khỏe bà Hoan càng yếu, con búp bê đặt trên đầu giường mấy hôm rồi bà vẫn chưa chạm tới. Thế nhưng bà vẫn nhờ Gà lau hộ mình, khi thì bảo mấy đứa trẻ đến chơi làm giúp. Ốm yếu suốt, gần đây lại mắc bệnh hay quên nhưng bà Hoan vẫn không khi nào quên chuyện lau lại con búp bê. Có hôm bà nhờ người lau đến cả chục lần, bà sợ không lau, bụi bẩn sẽ bám đầy lên thứ đồ mà bà nâng niu suốt bao nhiêu năm ấy.

Giờ đã thành ra như thế rồi nên hằng ngày bà cũng đành nhờ cậy vào hàng xóm cả. Hết xuân rồi đến hạ, cái nắng gắt của tháng năm chiếu vào sân nhà một cách lặng lẽ mà rời đi cũng lặng lẽ như thế, qua rằm tháng bảy năm nay thì bà không trụ được nữa. Buổi chiều hôm đó Cường sang thì lặng người thấy con gái ngồi cạnh giường bà. Con bé vừa mếu máo vừa đọc câu thơ con cóc mà một năm trước bà nghe thấy con bé nói ngoài cổng.

- Cô giáo em... hức... mặc quần loe túi… bổ… trong túi b...

Đến tận lúc chết bà vẫn muốn được nghe lại câu hát năm nào có người từng trêu bà. Tang lễ diễn ra trong cái im lặng của bà con lối xóm, ai cũng tiếc cho cái tuổi xuân của bà bỏ ra lặng lẽ đợi một người.

Mấy hôm sau thì thấy có bóng một người đàn ông chừng ngoài sáu mươi tuổi đứng trước cổng nhà bà Hoan. Người đó đứng thật lâu dưới cái nắng của buổi trưa mãi cho đến khi Cường bế đứa con gái thứ hai tên Vịt ra ngoài. Thấy có bóng người lạ, Cường hơi ngờ ngợ nhưng cũng lại hỏi:

- Chú tìm ai?

- À, chú tìm một người tên Phạm Thị Hoan, không biết...

Đối phương chưa nói hết câu, Cường đã cau có hỏi:

- Chú là Thái?

Người kia hơi sững lại rồi cũng gật đầu nhận mình là Thái. Cường nhìn ông Thái mà tức giận gắt lên.

- Cô đợi chú bao nhiêu năm chú không về, giờ cô mất rồi chú còn về làm gì nữa???

Ông Thái lặng người, đôi môi khẽ run run như muốn nói gì. Bao nhiêu năm qua Cường vẫn thường được nghe bà Hoan kể về một người đàn ông tên Thái, người ta nói sẽ về mà lại bắt bà chờ suốt bao nhiêu năm, giờ bà đi rồi ông còn về thì có ích gì? Trong lòng bà, ông vẫn luôn là người tốt nhất, nhưng nếu tốt, thì có để bà chờ lâu thế không?

Cường lườm người đàn ông kia một cái rồi định bế con vào nhà.

- Cậu gì ơi,... cậu chỉ cho tôi mộ bà ấy ở đâu... có được không?

A
📷: Sưu Tầm 

Cường không thèm quay lại nhìn mà tức giận nói chú thích thì tự đi mà tìm. Vào đến nhà, thấy cái bóng người khắc khổ đứng dưới cái nắng cố tìm một người để hỏi thăm đường ra mộ bà Hoan, Cường lại không nén được mà vớ lấy chìa khóa xe đưa ông đi.

Sau năm phút đi xe máy, hai người cũng đến được mộ bà Hoan. Cường vẫn cau có nói ông xuống xe rồi nổ máy định về. Đi được nửa đường anh lại quay lại đứng đợi ông Thái.

Giữa cánh đồng còn xanh màu lúa, có bóng dáng người đàn ông quỳ bên ngôi mộ còn mới, đôi vai khắc khổ khiến người ta bất giác thấy tội dưới ánh nắng của đầu giờ chiều. Ông cứ quỳ như vậy thật lâu, như dằn vặt trước người đã khuất mà mặc cho nước mắt lăn trên đôi má. Trong từng cơn gió đồng dìu dịu thổi qua như vọng lại tiếng nói của ai, tiếng nói chất chứa đầy những tội lỗi.

- Tôi đã về rồi. 

    Lan Ngọc 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.