CHUYỆN NGHỀ TIỄN ĐƯA
#Tay_đan_chuyenminhchuyennguoi
Lục tìm lại những mảng ký ức của một thuở xa xôi, có đôi lần nhớ, có ít chỗ quên. Tôi thấy mình lớn lên cùng những giọt mồ hôi mặn đắng đổ xuống gương mặt ngăm ngăm thấm mùi mưa, đẫm vị nắng của nội. Cuộc đời nội gắn liền với những chuyến xích lô ngược xuôi giữa dòng đời mưu sinh và trên cả hành trình tiễn đưa người đã khuất về miền mây trắng bạt ngàn.
Bây giờ, nhắc đến “ông Công” hay “ông Tổng” chắc chỉ còn ít người biết. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng quê tôi, cứ hễ trong xóm có ma chay có tang thương, “ông Công/ ông Tổng” sẽ xuất hiện. Đó là người đàn ông có bộ râu đen dài, đôi mắt kẻ sắc lẹm, khoác lên mình lớp trang phục sặc sỡ như một diễn viên hát bội. Nhiệm vụ của “ông Công/ ông Tổng” là đọc tế văn trước lúc di quan, cúng kiếng trên đường đưa tang và khi hạ huyệt.
Tôi không rõ nội tôi chọn công việc này từ lúc nào, chỉ nhớ khi ai đó trong xóm báo tin có chuyện chẳng lành là nội lại lục đục vào ngăn tủ đứng, kéo ra những thứ cần thiết gồm chiếc mũ được làm kỳ công đính hạt sáng lấp lánh, đôi hài dài gần tới gối, bộ râu giả đen và rậm như của Quan Vũ - vị tướng tài nổi tiếng thời Tam Quốc, cùng bộ quần áo họa tiết rồng bay kết hạt kim sa rực rỡ. Ngày đó, đám con nít hiếu kỳ và tò mò những chuyến đưa tang đông kín người. Tôi thường đi theo chúng để xem nội hóa thân thành “ông Tổng”.
Trong lễ tang, tôi thấy nội thắp nhang đèn, khấn vái rồi ngân nga những lời tiễn biệt cuối cùng với thanh giọng to, dõng dạc, bi thương mà có vần có điệu lôi cuốn. Những lần đi coi đưa đám, tôi chỉ chú ý mỗi mình nội, tôi nhìn cách nội đi đứng, quỳ lạy, xem nét mặt lúc nhăn lại lúc dãn ra theo từng câu cú nội ngâm trong bài văn tế. Hình ảnh nội trong tôi lúc ấy thật quyền uy. Và giữa không gian đặc quánh hương nhan, đèn khói, tôi thấy người ta khóc nhưng nào có hiểu hết nỗi đau mất mát của họ để mà lòng mình cũng buồn theo.
Ngày ba của đứa bạn sát vách nhà ra đi trong một cơn tai biến, nội túc trực ở đó giúp gia quyến của bạn lo tang lễ, hậu sự. Lúc di quan tiễn đưa người ba thân thương của bạn về miền đất mẹ, nghe nội ngâm những lời biệt ly vĩnh hằng với âm vực khàn trầm, đôi lúc giọng nội run run như có một tiếng nấc nghẹn trong tận đáy lòng. Tôi cảm nhận được nỗi buồn vây quanh. Nhưng một “ông Tổng” thì ko được khóc, phải quyết liệt, phải dứt khoát, phải uy nghiêm mới hợp với nét mặt đỏ hồng đầy quyền lực, mới điều khiển được đội âm công hoàn thành công việc. Nhìn sang gia đình bạn, tôi thấy mẹ bạn gào khóc trên tay đang ôm em bé hai tháng tuổi nhỏ dại, ba anh em của bạn ngồi xung quanh người mẹ mà hồn phách lạc về nơi đâu. Tang thương quá lớn với một gia đình nhỏ. Giây phút đó, nước mắt tôi tuôn rơi khi biết rằng nỗi bi ai này quá lớn, cuộc đưa tiễn này quá sức chịu đựng của một con người.
Nội theo nghề đưa tiễn chẳng phải vì miếng cơm manh áo mà vì tình làng nghĩa xóm. Bởi hồi đó, thuê người ở nơi khác khi có đám vừa khó vừa tốn kém nếu không ai chịu làm công việc này. Nội nhận trách nhiệm coi như giúp người khi cần, giúp bớt đi một nỗi lo trong lúc tang gia bối rối. Mỗi lần xong việc, gia chủ thường biếu nội vài gói trà hay dăm bao thuốc. Thuốc lá nội ko hút nên trà xanh cứ thế có sẵn trên bàn để nội húp hà sau những chuyến xích lô nhọc nhằn giữa phố.
Cuộc đời nội sống và chứng kiến sự ra đi của những người bạn hàng xóm thâm tình một thời trong vô vàn tiếc thương không thể cất thành lời. Hết bà Tám bán chuối, ông Năm bán thuốc…đến bà Bảy bán chè. Bà Bảy bán chè mất đúng vào những tháng ngày dịch Covid ập đến vì bệnh tật. Khoảng thời gian đó, dù con cháu có lo cho sức khỏe của nội đến mấy, có khuyên nội ở nhà tránh dịch đến bao nhiêu lần, nội vẫn không nghe. Nội thôi nhận làm “ông Tổng” nhưng lặng lẽ mua hương đèn âm thầm đi viếng bà Bảy. Cái tình của nội với những người bạn già của mình cứ nối dài theo số tuổi của nội. Chừng nào nội còn sống, nghĩa tình ấy cứ mãi chảy tràn quanh xóm nhỏ không ngưng.
Nội trông quyền uy trước những lần tiễn biệt linh hồn người đã khuất về thế giới bên kia nhiều thế nào chăng nữa, nhưng trước quy luật bất biến của thời gian, nội đã như ngọn đèn phập phồng trước gió, leo lét cháy. Đám con nít giờ đây chẳng cần biết “ông Công/ ông Tổng” của xóm của làng của thời xa xưa. Dịch vụ gì lúc này cũng có, chỉ cần một cuộc điện thoại là mọi chuyện sẽ được cung cấp chu toàn. Phải chăng, ân tình, lễ nghĩa, chuyện nghề chuyện đời của xóm làng xưa kia sẽ sớm vụt mất trong mớ tiện nghi, hiện đại của đời sống đủ đầy hôm nay?
Đặng Nhung
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: CHUYỆN NGHỀ TIỄN ĐƯA
Add new comment