[CK02] CHUYỆN XUNG QUANH AO

Tác giả: Chung Tiến Lực - Viết Để Chữa Lành
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#NNTD_Soundio_Chualanh

Chủ đề: Lặng yên lắng nghe

Thể loại: Truyện ngắn

Tác giả: Chung Tiến Lực.

Tóm tắt nội dung:

Cuộc sống đa dạng và phong phú trong ao với những loài vật cho thấy vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống muôn màu muôn vẻ nói chung. Tưởng như đơn lẻ nhưng không, vạn vật đều có mối liên hệ như mặc định góp phần duy trì vĩnh hằng hệ sinh thái.

 CHUYỆN XUNG QUANH AO

Sinh sống trên mặt nước ao này nên tôi biết hết tâm tính của những cư dân xung quanh ao. Sau vài giờ miệt mài kéo sợi chăng tơ đan lưới bắt ruồi muỗi và côn trùng khác, tôi đã có một mạng tơ nhện óng ả được giăng từ các cành cây, cọc cắm bên bờ ao. Nói thì đơn giản, nhưng bí quyết mang tính gia truyền để có một mạng nhện chăng thật không đơn giản. Lợi dụng những cơn gió nồm Nam mát rượi, tôi tung thả sợi tơ nhờ ông gió mang đi neo bám vào cành cây, đầu cọc. Từ những điểm tựa ấy, như nghệ sỹ tung hứng tôi hết tung thả rồi lại kéo, cuốn; cứ thế cuốn rồi lại tung làm từ nửa đêm đến sáng mới có một mạng chăng hình đa giác lồi lồng lộng trên mặt ao. Hạnh phúc, nghỉ ngơi để thanh thản hưởng thành quả lao động với hơi thở nhẹ nhõm và dễ chịu. Nói về tài nghệ chăng tơ đan lưới của tôi mấy bạn nhỏ đi câu cá vẫn đọc mấy câu thơ:

“Nhện kia chăng lưới bắt ruồi
Thấy tằm kéo kén vừa cười vừa chê
Chị sao chậm gớm chậm ghê
Làm có cái kén rê rê cả ngày
Trông em thoắt cái xong ngay
Chỉ trong giây lát đã đầy mạng chăng”.

Thiết kế: Anh Thư_Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư_Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

Thế rồi. Đêm đêm nằm ngắm trăng sao. Ngày ngày, nằm duỗi chân thảnh thơi, nhàn tản trên lưới như nằm trên võng êm ru quan sát thế giới xung quanh ao với bao điều kỳ thú. Những ngày sắp có mưa, do áp suất khí quyển thay đổi tha hồ thích khi nhìn cá nổi trên mặt nước đớp khí. Nhìn cá Trôi miệng gọn, cá Mè miệng trễ như chiếc gầu sòng uể oải ngáp, tôi lại nhớ câu thơ của Nhà thơ Thạch Quỳ: “Cá mè ăn nổi/cá chép ăn chìm/con tép lim dim/trong chùm rễ cỏ/con cua áo đỏ/cắt cỏ trên bờ…”

Vui vẻ và chơi ngông nhất ở đây có lẽ là Gọng Vó. Gọng Vó mình dài nhỏ màu tro đen. Hai chân trước ngắn tũn như hai cánh tay dùng để bắt, tóm và vơ con mồi vào miệng. Bốn chân sau rất dài đứng trên mặt nước giống như chiếc vó tôm, nên chăng vì thế mà có tên Gọng Vó. Bí quyết đi được trên mặt nước là lợi dụng nước có sức căng bề mặt. Mặt khác, mình Gọng Vó rất dài, nhỏ và nhẹ, nên giảm được trọng lượng trên đơn vị diện tích mặt nước. Gọng Vó trượt nhanh trên mặt nước để di chuyển và bắt mồi. Thức ăn của Gọng Vó là côn trùng, ruồi muỗi không may sa xuống nước… Gọng Vó trượt trên mặt nước như vũ nữ múa trên sân băng, nhanh vun vút. Gọng Vó hay chuyện và hào phóng lắm. Từ ngày kết bạn, Gọng Vó hay kể cho tôi nghe về những chuyến viễn thám trên khắp mặt ao. Nhìn Gọng Vó trượt nhanh trên mặt nước tôi lại nghĩ đến những chiếc thủy phi cơ. Phải chăng khi thiết kế thủy phi cơ, các kỹ sư đã lấy cảm hứng, mô phỏng từ bước chân của Gọng Vó trượt trên mặt nước?

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Nói đến Gọng vó, tôi lại nghĩ đến Tôm. Tôm trong ao hay kiếm ăn vào buổi xế chiều. Chả vậy mà có câu thành ngữ: “Tôm đi chạng vạng cá đi rạng đông”. Tôm ra dáng một võ sỹ với hai tay cầm giáo cán dài và mặc bộ áo giáp sắt oai vệ nhiều góc cạnh. Tấn công, phòng thủ, Tôm đều tinh thông các động tác võ thuật nhà nghề. Nhưng ấn tượng nhất là ngón võ “Lùi”. Tôm có đuôi xòe như mái chèo, khi gặp đối thủ mạnh, lập tức co gập cơ bụng, Tôm bật nhảy lùi về phía sau như tên bắn, đặc biệt lợi hại. Con tôm cũng giống như con tằm trên cạn, vòng đời có nhiều lần lột xác. Khi di chuyển trong nước Tôm có thể bò bằng chân, bơi bằng cách khua các chân. Tuy vậy Tôm cũng có điểm yếu chết người, ấy là tham ăn. Tôm ham ăn lắm, mấy bạn nhỏ trong xóm khi làm bài tập ở nhà xong thường mang vó màn cùng mồi nhử bằng cám gạo rang thơm lừng thả xuống xung quanh ao. Thế nào bữa tối ấy trên mâm cơm gia đình cũng có đĩa Tôm rang mặn đỏ au, nhìn bắt mắt. Tôm trứng rang mặn là món ăn đặc sản của vùng chiêm trũng.

Khi tôi kể cho Gọng Vó nghe về đời sống nhà tôm. Gọng Vó có sự so sánh khá thú vị:

- Em thấy họ nhà Chuồn Chuồn Ngô cũng có mấy lần lột xác trong đời chị Nhện ạ. Những chú Chuồn Chuồn Ngô đầu to gồ ghề ương bướng. Mình nó khoang đen khoang vàng với bốn cánh mỏng. Nhìn Chuồn Chuồn Ngô đang bay y như chiếc Boeing 707. Hùng dũng, hào nhoáng, điệu đà thế, có biết đâu là chú ta lột xác từ con Cồng Cộng vốn sống ở dưới nước. Ngày trước mỗi lần thấy Chuồn Chuồn Ngô quệt đuôi xuống nước em cứ tưởng hắn rửa đuôi sau mỗi lần đi vệ sinh. Thì ra không phải thế. Quệt đuôi nhúng nước là những lần Chuồn Chuồn Ngô đẻ trứng chị ạ. Rồi trứng Chuồn Chuồn Ngô sẽ nở ra con Cồng Cộng.

Tôi thêm vào:

- Ừ, cái chuyện đẻ con ở dưới ao thì có nhiều câu chuyện hay lắm.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Họ nhà Ếch ộp đấy. Trứng ếch khi nở ra, là những con nòng nọc có chân nhưng lại có đuôi dài như cá và sống ở dưới nước. Lớn lên, con nòng nọc tự rụng đuôi và nhảy lên bờ. Về chuyện nòng nọc đứt đuôi thành ếch mà ngày xa xưa có vụ kiện đòi con giữa cá trê và cóc. May nhờ có ông Chạch vốn xử kiện nhiều nên có kinh nghiệm đã đoán định sự ngay gian mà xử êm ru vụ kiện. Đến nay, cá trê vẫn cái đầu bị bẹp sống chui lủi giấu mình sát bùn. Nhưng phải công nhận cái nhà ông Chạch tinh thông, am hiểu mọi việc nên xử án phân minh tâm phục khẩu phục.

 Ếch ộp, đầu múp nhọn tam giác cân, thể hình săn chắc gọn như mũi tên, có dáng dấp thể thao với cơ bắp đùi, tay vạm vỡ. Ếch ộp nổi tiếng với những cú nhảy cao và nhảy xa. Hai mắt đen tròn và lồi nên rất tinh nhanh. Toàn thân Ếch trơn nhẫy như thoa dầu bóng. Nhanh mạnh là vậy nhưng chết vì tiếng kêu cho nên có câu: “Ếch chết tại miệng”. Do kêu nên Ếch vô tình mách: “Tôi ở bụi này”. Dùng bông hoa mướp có màu vàng rực quyến rũ tung ra, thế là Ếch vội vã lao vào vồ mồi nên bị dính lưỡi câu, á họng.

***

Mới sáng sớm tinh mơ, ông mặt trời còn đang ngủ nướng trong chiếc chăn trắng xốp, Gọng vó đã rung rung võng đánh thức:

- Chị Nhện, chị Nhện ơi dậy chưa?

Tôi hỏi với xuống:

- Có việc gì mà Gọng Vó nay đến chơi sớm thế?

- Tội nghiệp nhà cá Chuối. Chiều qua đám con lít nhít, bé tẹo nhà ấy bơ vơ, hoảng loạn vì không thấy mẹ. Khổ thân tụi nó, chắc cá Chuối mẹ bị dính cước của mấy cậu bé đi câu rồi chị ạ.

- Chiều qua không có ai câu ở đây. Bọn trẻ con trong xóm phải đi bẻ đỗ đen ở ngoài bãi sông Cái.
Em yên tâm, cá Chuối mẹ không sao đâu. Đó là một cách kiếm mồi nuôi con thơ rất đặc biệt, riêng có của họ nhà cá Chuối. Khi thức ăn dự trữ cạn kiệt, cá Chuối mẹ bật tung thân mình lên vạt cỏ nằm im giả chết cho đàn kiến bu đến bám đầy lên mình.  Rồi cá Chuối mẹ quật đuôi bật tung trở lại xuống ao. Lũ con bất ngờ có một bữa ăn ngon thỏa thuê, giàu chất đạm.

- Ồ, thì ra… Vậy mà khi nhìn đàn con nhà ấy sớn sác tìm mẹ, em lại xót xa nghĩ thế.

- Ừ, trong dân gian có câu: “Cá chuối đắm đuối vì con”.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Và em biết không, xung quanh ao này việc nuôi con và chăm con nhà nào cũng chăm lo hết mình vì con. Khi dẫn đàn con đi kiếm ăn. Đàn Rồng Rồng (tên gọi đàn cá chuối sơ sinh) đùa nghịch, nhào lộn rồi bơi lội như mắc cửi, cá Chuối mẹ lừ lừ bám phía sau như chiếc tàu ngầm nguyên tử với hai hàm răng khỏe và sắc nhọn. Khi tấn công kẻ phá đám cá Chuối mẹ lao vun vút như quả ngư lôi đầy uy lực. Không chỉ cá Chuối chăm lo cho con kỹ lưỡng, chu đáo mà còn nhiều loài cá nữa nuôi và chăm con cũng hết mình. Này nhé, nhà cá Rô Phi. Dẫn đàn con đi kiếm ăn khi gặp hiểm nguy cá Rô Phi mẹ vội há rộng khoang miệng cho đàn con chui vào lánh nạn. Thật đáng kính nể phải không em? Trong khi đó cá Rô Đầu vuông vì ham nghịch nước mà rơi vào bẫy. Biết cá Rô Đầu vuông cứ thấy mưa rào là ngoi lên bờ ngo ngoe rạch nước, mấy bà trong xóm lấy chiếc lọ gốm vùi xuống mép bờ ao, dùng mo cau khô lợp lên trên. Mưa rào được mo cau cộng hưởng âm thanh nghe lộp bộp dẫn dụ cá Rô đầu vuông ngoi lên bờ và rơi ngay vào miệng lọ. Đúng là “to đầu mà dại”. Một chiếc bẫy đơn giản mà vô cùng hiệu quả.

Cuộc sống xung quanh ao sôi động như một thế giới nhỏ. Ao là chiếc gương soi, thu vào đây là cả bầu trời lồng lộng đầy mây. Lòng ao có cuộc sống đa tầng, đa dạng và phong phú. Những hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên cắt nghĩa cuộc sống này thật tươi đẹp và ý nghĩa biết bao nhiêu. Ấy chính là sự cân bằng trong đời sống chung, sự tồn tại vì nhau và dâng hiến. Khúc xạ một đại dương vô cùng thú vị từ chiếc ao này. Sau này khi học Triết học, nghe thầy Chào mào rao giảng tôi càng thấm thía: “Trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung”.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

*** 

Giữa trưa mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Trên mặt ao, nước nóng giẫy, các loài tôm cua cá… thảy đều lặn xuống tầng đáy ao để tránh nóng. Gọng vó đáp phi thuyền xuống mặt nước nơi có bóng râm là tán cây vối bên cạnh cầu ao. Từ mặt nước Gọng vó hỏi với lên:

- Chị Nhện ơi chị có ngủ trưa không đấy? Em không chơi lướt sóng được vì nước trên mặt ao nóng bỏng!

- Ừ, hôm nay trời nắng quá. Nhưng bù lại có gió mát, nằm trên đây đua võng thích thú lắm.
 
Thế rồi có bao nhiêu câu hỏi, đáp về cuộc sống xung quanh ao lại được dịp hai chị em tám chuyện.

- Chị ơi trong nước có không khí không? Tại sao cá tôm cua lặn sâu dưới đáy ao mà không bị ngạt? Gọng vó hỏi.

- Có chứ em. Có một số chất khí hòa tan trong nước. Cá tôm cua… lọc khí qua mang để hấp thụ.

- Khi hình thành trái đất, nước có trước hay không khí có trước?

- Nước và không khí, cả hai đều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống muôn loài. Có thể nói, có nước mới có cuộc sống. Còn nước có trước hay không khí có trước thì phải hỏi chim Bói cá, một “Triết gia đầm lầy”

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

- Em ngại chim Bói cá lắm, suốt ngày lặng lẽ đứng trên cọc ao rụt cổ cúi đầu ngẫm nghĩ những gì mà lâu thế. Nhưng em cũng thích ngắm chim Bói cá trong bộ áo bông Tàu chống nóng, sáng màu. Chạy dọc sống áo màu xanh dương, hai bên cánh xanh ngọc, bụng cam nâu, mỏ đen dài, cổ vai có đốm cam trắng, chân lại đỏ như son.

- Em đừng ngại, đúng là chim Bói cá ít quảng giao, nhưng đó chỉ là cá tính trầm lặng. Chim Bói cá là loài chim không hót nhưng khi bay phát ra âm thanh sang sảng đặc trưng để nhận biết loài và cũng là âm thanh hoạch định chủ quyền “Lãnh hải”. Chim Bói cá săn mồi giỏi lắm. Nhìn bác ấy đăm chiêu thế thôi nhưng tinh nhanh lắm. Phát hiện một chú cá mương nào đớp nước là phi ngay xuống bắt mồi. Nhưng nhìn chim Bói cá nhử mồi mới thấy thật là diệu nghệ. Bay tại chỗ trên mặt ao, chim Bói cá xanh biếc bông gòng treo như chiếc máy bay trực thăng đang bay tại chỗ để lính thủy quân lục chiến đổ bộ, in cái bóng chấp chới dẫn dụ đàn cá mương háu ăn. Thả một bãi phân xuống, đàn cá mương xúm xít lại, và bất thình lình phóng xuống như một mũi lao mỏ kẹp cứng một chú cá mương dại dột rồi bay đậu trên cọc ao. Cứ tung hất, tung hất xoay sao cho đầu con cá quay vào miệng mới đớp nuốt vào bụng. Chim Bói cá cũng thuộc diện ăn khảnh, không ăn cá đã chết.

Chim Bói cá luôn chọn những vị trí hiểm yếu để làm tổ, đẻ trứng. Tổ chim Bói cá làm ở bờ ao có vách thẳng đứng để chống chuột đột nhập. Nhìn hai vợ chồng chim Bói cá đào khoét đất cần mẫn không khác gì người lính công binh đang mải miết thi công những công trình ngầm. Phát huy chiếc mỏ to, dài, nhọn chắc khỏe làm công cụ đào đất. Hàng ngày hai vợ chồng thay nhau dùng mỏ bổ, dùng chân cào đất ra ngoài để tạo dựng một hang hầm kiên cố rồi tha rác về lót ổ, nằm cữ.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Sống lặng lẽ, không ba hoa như chim Sáo đen. Chim Bói cá rất quyết liệt và dũng cảm trong chiến đấu với kẻ thù bảo vệ tổ ấm. Đang đứng rình mồi nhưng vẫn cảnh giác canh chừng chiếc  tổ, nơi đang có ba quả trứng màu trắng ngà êm ái, bình yên nằm trong nệm ổ. Một con rắn Hoa cỏ lợi dụng mép bờ ao cỏ gà rậm rạp, luồn trườn về phía tổ chim Bói cá. Nói rắn Hoa cỏ không có nọc độc là không chính xác. Chất độc nằm trong tuyến nước miếng ở khoang miệng được tích lũy khi ăn những đối thủ hay các con vật khác có chứa độc tố. Sự kỳ dị này nói nên sự khác biệt với loài rắn có nọc độc. Khi bắt mồi, hàm răng nhọn hoắt gây sát thương và chất độc ngấm vào vết cắn làm con mồi tê liệt và đuối sức. Phần thân phía đầu rắn Hoa cỏ màu nâu nhạt, cổ rực rỡ nhất với các ánh màu đỏ, vàng chanh, nâu sẫm, xám đen. Phần thân phía đuôi đan xen vàng, đen và một chút ánh đỏ. Trên lưng màu ô liu bụng màu trắng đục hoặc xám. Rắn Hoa cỏ nguy hiểm vì tính tình bất ổn, hành động khó đoán. Vòm miệng nhỏ hơn con mồi, nhưng cơ, xương hàm có thể giãn hết cỡ để từ từ nuốt trôi con mồi.

Với thân hình dài ngoằng, con rắn Hoa cỏ bám mép bờ ao rồi từ từ thả đầu xuống tổ chim Bói cá, tính trộm trứng. Nhanh như cắt, chim Bói cá bay vút lên không chiếm lĩnh độ cao làm tăng uy lực thế tiến công. Nhằm thẳng lưng con rắn, nó lao vào như một phát đạn bắn. Chiếc mỏ to nhọn và gia tốc trọng trường; cú đánh bất ngờ từ trên cao làm con rắn đau quằn quại, hoảng loạn rơi ngay xuống nước. Do cùng họ với rắn Nước, lại có đám bèo tấm ngụy trang nên con rắn Hoa cỏ lủi nhanh vào bụi tre gai trốn thoát mũi dùi lợi hại của chim Bói cá.

…Đấy. Xung quanh ao có bao nhiêu điều lạ!

 Cuộc sống của các cư dân tại đây đa dạng và phong phú lắm lắm. Nói rồi chị Nhện ngâm nga:

Xung quanh ao có bao nhiêu điều lạ
Nơi đầu tiên ta khám phá thiên nhiên
Nơi tơ nhện chăng dây trên mặt nước
Gọng vó trượt băng từng bước thật êm.”


    Chung Tiến Lực 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.