[CK24] NÚI HÁT

Tác giả: Cẩm Vân
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#NNTD_Soundio_Chualanh

Chủ đề: Lặng Yên Lắng Nghe

Thể loại: Truyện Ngắn

Bài thi: Núi Hát

Tác giả: Cẩm Vân

 

Ý tưởng và ý nghĩa câu chuyện:

Chuyện kể về một tình yêu ngày chiến. Trong mưa bom bão đạn, tình yêu ấy kiên cường như sức trai, thuần khiết như tâm hồn cô gái trẻ. Giữa núi rừng hùng vĩ điểm xuyến sắc trắng thơ mộng của hoa Mơ Năng, trong đạn thét bom gào lại vang lên giai khúc bổng trầm rạo rực những nốt tình… Chỉ tiếc là, những khoảng khắc đẹp thường rất mong manh, đôi trai gái với câu chuyện tình có thật ngỡ thần thoại ấy đến cuối đường lại không thể cùng chung bước. Phút giây sinh tử khốc liệt chia cắt lứa đôi, họ cam lòng đem ngọn lửa tình yêu đốt rực thêm màu cờ Tổ Quốc,  nguyện đem thân mạng chữa lành cho gấm vóc non sông.

Ngày về, đất nước vẹn nguyên, người nhớ người xa, lặng nghe núi rừng hát lên từng lời ai oán

 

Bài viết dự thi:

Sớm tinh mơ, tại một trạm quân y miền Trường Sơn.

  • Đồng chí ấy tỉnh lại rồi?

Cô y tá trẻ reo lên, hai ba vị bác sĩ vội vàng đi vào bên chiếc giường đặc biệt. Đặc biệt ở đây có cả hai nghĩa, chiếc giường thực chất là một tấm gỗ dày và chắc, nếu mà bề mặt nhẵn nhụi hơn một chút thì tốt quá, đằng này khi nằm lên vụn gỗ chi chít châm vào người. Cũng may mà tháng này trời lạnh, trên giường được đặt bốn tấm vải tuýt si len là hai năm thưởng Tết của anh trạm trưởng, lớp dằm gỗ yên vị ở tấm vải cuối. Bệnh nhân nằm trên mỗi lần vệ sinh cần hai người phụ dịch chuyển, bởi chỉ cần lật người qua một tí là lọt  xuống đất ngay.

Bệnh nhân là một anh lính còn rất trẻ, nếu đúng với thẻ binh thì năm nay mới xém hai mươi mốt tuổi, ở tiểu đoàn 599B, nhiệm vụ là thăm dò mở đường. Anh lính da bánh mật, vóc người săn chắc nhưng khuôn mặt rất hiền. Năm ngày trước anh được mấy thanh niên dân tộc Bru đưa vào với ba vết đạn ở đùi, một vết ở mạn sườn, một chiếc xương sườn bị gãy, vết thương bị nhiễm trùng kèm triệu chứng của sốt rét ác tính. Có anh kia nói được lơ lớ tiếng Việt kể lại rằng, anh bị thương khá nghiêm trọng được trai làng phát hiện và đưa về trong một buổi đi săn. Ở trong làng hơn một tuần thì Mỹ cho máy bay càn quét phá đồi, đánh vào bản, hầm chỗ anh ấy nằm bị sập, có mấy anh lính cụ Hồ chỉ họ đưa anh ấy đến đây.

  • Y Sa! Y Sa đâu?
  • Anh nói Y Sa nào?

Cô y tá ngớ người trước câu hỏi của anh bệnh binh, một vị bác sĩ đứng tuổi lên tiếng:

  • Trường hợp tiêu biểu của sốt rét ác tính thôi cháu ạ, người bệnh có thể không tiếp nhận thực tại, hoặc tiếp nhận một cách lệch lạc.
  • Ơ… thế có gây ảnh hưởng gì về sau không ạ.
  • Không đâu cháu. Cứ tiếp tục tiêm truyền và cho uống thuốc theo đơn, khi nào cậu ấy cắt hẳn cơn sốt thì sẽ tỉnh táo hơn thôi. À mà nhớ gửi thư về đơn vị xin cấp một ít thuốc khuynh-ni (quinnie) nữa nhé.

Cô y tá trẻ khẽ vâng, mọi người xem xét hỏi han một hồi cũng ra ngoài, chỉ còn anh chiến sĩ nằm đó nhìn đăm chiêu, lúc mê lúc tỉnh đều gọi cái tên Y Sa không rõ nguyên do.

Ngày nối ngày trôi qua, cho đến một khi.

  • Anh Đạt, có người gửi anh cái này.
  • Ai vậy?                                             
  • Một người đàn ông tự xưng là Y Sang.
  • Y Sang?... Anh của Y Sa? Phải rồi! Y Sa! Y Sa đâu?

Anh chàng bật hẳn dậy, quên luôn mình vẫn đang mang trọng thương.

  • Aisssss…
  • Anh này, bình tĩnh.

Khó khăn lắm mới đỡ anh chàng kia nằm lại xuống giường, cố kìm tiếng thở dài, cô đưa cho anh chiếc túi thêu nhỏ đủ màu sặc sỡ. Mở chiếc túi ra, bên trong là chiếc khăn thêu hình hoa Mơ Nang, còn có cái tên Huỳnh Đạt. Chưa hết, có một tờ giấy ghi bốn chữ, nét chữ xiêu vẹo được viết bằng than củi: “Y Sa lay chòng roi”

Dòng chữ như tiếng sét giữa trời quang, đưa anh về miền kí ức vừa gần vừa xa. Gần vì nó mới trong khoảng thời gian gần đây thôi, xa vì nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Thiết kế: Anh Thư_Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư_Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

 

“Chiều ấy, một tiểu đội sáu người bất ngờ gặp giặc đang đi do thám, sáu khẩu tiểu liên không địch lại mười mấy cây M-14, chúng tôi quyết tử. Tôi nghe rõ từng tiếng “pực.pực” của đạn ghim vào thịt, trong vô thức tôi ngã xuống ngất đi. Lúc tỉnh dậy chẳng biết là bao giờ, chỉ thấy nắng chói lóa và mấy cái xác trương phồng của đồng đội. Tôi cố lết lại gần đó nhưng không thể nào nhấc mình lên dù một chút. Bứt đại một nắm cỏ cho vào mồm để đỡ cơn đói khác, vị đắng, chát và cát lạo xạo bên trong. Tôi lần nữa vô thức ngất đi.

Lúc tỉnh dậy đã thấy mình nhẹ hơn, mở mắt thấy nhiều người xúm lại nhìn mình, mình mẩy sạch sẽ nhưng chỗ mấy vết thương bị đắp thứ gì đen đen xanh xanh trông khiếp lắm, nhưng mà để yên vì nó cảm giác mát mát và dịu hẳn chỗ đau.

Ra là tôi đang ở nhà rông của đồng bào Bru Vân Kiều, trai làng lúc đi săn tình cờ thấy mấy anh lính hi sinh, họ đào mấy cái hố nông chôn người xuống, lúc khiêng tôi lên họ thấy mình tôi nóng ran mới biết tôi còn sống. Thế là thay vì cho tôi xuống lỗ, họ đưa tôi về làng.

Y Sa là con gái của trưởng thôn, hơn tôi một tuổi. Lúc bộ đội cụ Hồ vào bản dạy chữ nàng là số ít người biết chữ và tiếng Việt ở đây, giờ nàng là cô giáo dạy cho bọn trẻ, có khi đêm về trai tráng trong làng cũng theo học. Y Sa xinh đẹp, tươi tắn như đóa hoa của bản làng.

Tôi mê mẩn cái đôi bàn tay trắng nõn nhẹ nhàng chấm thuốc bôi lên vết thương cho tôi, đôi bàn tay nuột nà ấy thế nào mà bửa củi, lặt hạt ngô thoăn thoắt được nhỉ. Tôi say đôi mắt bồ câu đen tuyền, hàng mi rợp dài cong vút, dịu dàng nhìn tôi và nhoẻn môi cười, nụ cười hiền hơn tất cả nụ cười của những người con gái mà tôi từng thấy.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Y Sa thông thạo tiếng Việt, nhờ thế mà tôi được nghe kể nhiều về bản sắc của buôn làng. Đến lượt tôi, tôi nói Y Sa nghe về tinh thần kháng chiến, kể về những buổi đi do thám tình hình, những lần bắn tỉa lính Mỹ và ra-đa dò đường, những lúc nấp mình trước sự rà soát của quân giặc đầy căng thẳng.

Chúng tôi thân nhau từng lúc nào, từ trước khi gặp Y Sa tôi chưa từng nghe nhịp tìm mình đập mạnh đến như thế. Đêm, trong ánh lửa bập bùng, Y Sa ngồi vuốt khẽ tóc tôi, cất cao giọng hát trong trẻo, tôi nghe từng thanh âm nhẹ nhàng nhưng dứt khoát vút bay lên, dịu ngọt nhưng tự do và hào sảng.

Nàng ra đi đã tới gần chòm núi
Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ
Anh cứ Oát hoài
Trên các chòi lúa rẫy
Anh có biết không?
Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh
Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người
Kèn Amam không thổi không
hát nhớ một người
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.

Tôi thấy lòng mình rạo rực, và rồi quên mọi đớn đau chìm vào giấc mộng nồng say. Trong mộng, tôi lành vết thương và trở về đơn vị, cho đến một ngày tôi quay lại bản làng, giương lá cờ đỏ sao vàng cắm giữa nhà rông. Tôi thấy mình mặc áo và quấn khố bằng vỏ cây a mưng, cài lên tóc Y Sa bông hoa Mơ Năng trắng muốt và gọi nàng hai tiếng “P’rò Poong”*

Mọi thứ sẽ đẹp biết bao nếu sáng hôm ấy không đì đoàng tiếng súng, không ầm ầm tiếng bom và tiếng người gào thét thảm thương. Tôi được khiêng xuống hầm, có tiếng đất đá trượt xuống, tiếng răng rắc của cây gỗ gãy rạp, lạ một điều là tôi không thấy khó thở, có hai vòng tay rất ấm ôm chầm lấy tôi. Khi tôi tỉnh lại thì đã quá lâu, và tôi không còn trở về làng được nữa…”

Anh lính điếng người từ khi nhận được chiếc khăn. Hồi sau, anh ôm mặt bật khóc, khóc như chưa từng được khóc…

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

 

Sau tận nửa năm trị thương anh lính mới hồi phục hẳn, vội vã trở lại đơn vị, không có dịp về chốn cũ tìm người xưa, mà lòng cũng chẳng tha thiết trở về nữa.

Có điều trái đất hình tròn, vẫn còn nợ duyên ắt còn hội ngộ…

Anh lính ngày ấy giờ là một cán bộ y tế, tuổi cũng đã tứ tuần. Do hồi bị thương và trị liệu anh tranh thủ học hỏi luôn, sau về bồi dưỡng thêm lấy được bằng trung cấp dược. Anh tình nguyện công tác ở vùng dân tộc thiểu số, anh thương người dân tộc và bảo rằng núi rừng đem đến cho anh cảm giác bình yên.

Cũng đến một ngày, anh về tuyên truyền phòng chống dịch tay chân miệng ở một bản nhỏ của người Bru Vân Kiều. Chợt nhận ra mọi thứ quá đỗi quen thuộc tựa hồ xem lại thước phim của mình ngày trẻ. Người chiến sĩ và dân làng năm ấy cũng nhận ra nhau, những cái ôm thắm thiết để nước mắt đẫm vai nhau rửa trôi những buồn đau năm ấy.

Người cựu chiến binh vẫn không quên hỏi thăm người tình năm ấy, một người thiếu nữ kéo bàn tay anh từ phía sau.

  • P’Đây của Y Sa.

Anh sững người, giọng nói đó, đôi mắt đó giống Y Sa như đúc. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng này có phần sắc sảo hơn, còn Y Sa trông hơi đầy đặn mà có một nét duyên rất lạ. Cô bé này có lẽ nào…

  • Y Hoa à, sao cháu lại nói thế.- Một bà cụ hỏi, tạm cắt ngang dòng suy nghĩ thực tại của anh.
  • Boong Sa thêu tên anh trên khăn, ngày ấy boong Sa muốn rước anh làm P’Đây.

“Ngày ấy… ừ đúng rồi. Ngày ấy bọn họ từng thề non hẹn biển với nhau mà. Giờ Y Sa có gia đình ấm êm là mình cũng hạnh phúc lắm rồi. Có điều chắc nàng cũng vẫn còn nhớ anh, nên mới kể cho con gái nàng nghe về anh rõ ràng như thế…” Anh lính miên man suy nghĩ, anh mắt thoáng đượm buồn, khóe môi cong lên tạo hình nụ cười nhưng rõ ràng có phần chua xót.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm

Anh hỏi nhà của Y Sa, thế mà cô bé lại dẫn anh đến trước ngôi mộ tua tủa những mầm cỏ xanh, trên mộ là một đóa Mơ Năng không biết ai để nhưng còn rất mới.

  • Y Sa và mẹ chết rồi, lúc xới hầm lên thấy hai người đỡ cho anh. Hôm ấy ở làng nhiều người phải chết lắm. Mọi người ghét thằng giặc lắm, mọi người thương đóa hoa của bản mà đi đánh thằng giặc rồi.
  • Y Hoa là em Út của nhà Y Sa, lúc mẹ mất con bé mới hơn một tuổi, do tục ở đây trưởng làng nếu nhà đủ nếp đủ tẻ mà sinh thêm được con sẽ mang con ban cho nhà khác chưa con, gọi là lấy lộc cho dòng dõi con cháu đầy đàn. Con bé gọi cả hai bên là ba mẹ nhưng ở nhà ba mẹ nuôi, nên cậu ngày ấy ở đây không gặp.

Anh lính sững người như chết lặng, đôi mắt của cả ba người đều ầng ậng nước. Bà cụ cất tiếng nói, chất giọng như hòa vào với núi rừng:

  • Y Sa vẫn còn ở đây, tiếng hát hòa vào tiếng núi rừng, tiếng nói chảy làm suối, đôi mắt làm ánh sao trên kia, nụ cười nở trên hoa Mơ Năng không mất đi được.

Anh ôm cụ bà thật lâu, rồi im lặng bước đi, hai bóng người một già một trẻ lặng im nhìn theo. Không gian vô thanh, chỉ nghe tiếng núi hát từng câu.

Nàng ra đi đã tới gần chòm núi
Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ
Anh cứ Oát hoài
Trên các chòi lúa rẫy
Anh có biết không?
Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh
Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người
Kèn Amam không thổi không
hát một người
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh
 

Hoa Mơ Năng trắng cả vùng đồi, cánh hoa im rơi theo từng lời núi hát.

 

*Chú Thích:

Hoa Mơ Năng: cách đồng bào Bru Vân Kiều gọi hoa Trẩu, một loài hoa dại màu trắng, rất thơm và nở quanh năm ở miền rừng Trường Sơn.

“Y sa lay chòng roi” : Cố ý để sai chính tả, người dân tộc thiểu số thời kì này còn chưa thông thạo tiếng Việt.

Tiếng dân tộc trong bài:

P’rò Poong: vợ

P’Đây: chồng

Boong: Anh/chị

P’rò Pôn: Em vợ

P’Đây Boong: Anh rể

   Cẩm Vân

 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.