CƠ HỘI LÀM BỐ

Sáng tác: Kha Nguyên - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật

Đêm đầu hè oi bức. Bóng đêm nối trời và đất làm một. Trăng non nhỏ bé, chẳng thể chiếu ánh sáng vào khung cửa bỏ ngỏ nơi tầng hai của căn nhà màu xanh lá mạ. Ánh trăng yếu ớt liếm láp bức tường cũ kỹ, vẩn vơ cùng chị gió ngắm nhìn một thân hình đơn bạc, trên chiếc giường ọp ẹp gần cửa sổ.

Reeng. Reeng. Chuông điện thoại réo rắt kéo tỉnh cơ thể rũ rượi trên giường. Bàn tay khô đét, đen nhẻm mò mẫm ấn nút tắt.

Hai giây sau. Tiếng chuông kiên trì kêu vang.

Cảnh cáu kỉnh ngồi bật dậy, một tay vò mái tóc rối, một tay chộp điện thoại. Chữ “Mẹ thằng cu” rõ ràng trên màn hình điện thoại khiến gã liếc nhìn chiếc đồng hồ quả lắc cổ lỗ sĩ trên tường. Giọng gã khản đặc như rất lâu rồi không uống nước: “Biết mấy giờ đêm rồi không hả?”

Đối phương im lặng, chỉ có tiếng hít thở nặng nhọc.

Gã khịt mũi, thò hai chân xuống sàn. Cơn lạnh từ lòng bàn chân giúp đầu óc gã tỉnh táo hơn. Gã gắt gỏng hỏi: “Không phải tôi đã nói công việc gần đây gặp trục trặc, tiền trợ cấp nuôi hai đứa chậm hai ba tháng hay sao? Cô nuôi hai đứa mấy năm rồi, thiếu vài đồng của thằng này là không sống được chắc? Qua tháng sau sẽ chuyển tiền cho cô…”

Em muốn gửi hai đứa qua nhà anh một thời gian.” Tiếng phụ nữ cắt ngang lời hắn.

Thông báo bất ngờ khiến gã nghẹn lời, sặc nước bọt và ho sù sụ. Ngón tay gã quét đúng nút loa ngoài. Giọng nói mệt mỏi kèm theo tiếng thở khò khè vang lên thật rõ ràng trong phòng ngủ mờ tối.

Em sắp đi xa, không thể chăm sóc con. Ông bà ngoại cũng lớn tuổi rồi, em sợ hai đứa nghịch khiến ông bà mệt thêm. Anh chăm sóc con thay em nhé.”

Cảnh sốt ruột hỏi: “Cô đi đâu?”

Ly hôn năm năm trời, vợ cũ chưa từng nhờ cậy gã chăm con một lần nào. Kể cả khi đứa nhỏ nằm viện, vợ cũ cũng ôm theo đứa lớn lếch thếch vào bệnh viện để tiện chăm sóc. Gã chẳng thể quên cái hình ảnh nhếch nhác của hai mẹ con nằm co ro trên chiếu chiếu cói nơi sàn phòng bệnh lạnh lẽo.

Vợ cũ của gã thương con và quật cường như vậy, cô ta nỡ vứt hai đứa con thơ cho gã chồng vô tích sự này ư?

Đáp lại sự chất vấn là tiếng cười nhỏ và nhẹ như gió thoảng. Vợ cũ nói: “Mình này, em chưa từng hối hận vì nhận lời để mình đưa mẹ mang trầu cau qua hỏi cưới em. Cảm ơn mình! Lời này em đã muốn nói từ ngày chúng ta ra tòa. Nếu không lấy mình, em sẽ không có cu Hiếu và cu Thuận. Em rất thương tụi nhỏ. Vậy nên, những ngày sắp tới, mình trông con giúp em, được không? Đây là lần cuối em làm phiền mình.”

Đêm đầu hè nóng nực, căn phòng ngủ cũ kỹ không lắp điều hòa, chỉ có chiếc quạt trần già nua quay tròn, ỉu xìu và buồn tẻ trên trần. Chẳng có gió mát nhưng sao lưng gã lạnh toát, tóc gáy dựng đứng hết thế này?

Bao lâu rồi gã mới nghe tiếng gọi mình thân thương?

Từ khi gã đổ đốn ngoại tình? Hay từ khi gã rượu chè bê tha vì thất nghiệp? Có lẽ là trước cả khi vợ chồng gã ra tòa ly hôn.

Được không mình?” Vợ cũ hạ giọng cầu xin. Giọng cô ta thì thào đến hèn mọn.

Gã hoảng hốt gạt đống da gà trên tay, xẵng giọng hỏi.

Rốt cuộc cô đi đâu hả? Chính cô đòi nuôi cả hai đứa rồi giờ quẳng cho tôi là sao?”

“...Em sắp đi xa…”

Đi xa là đi đâu hả?”

“Mình thương con cả phần em nhé mình… Thật ra, hai con vẫn luôn mong có bố… ở bên đấy mình…”

Điện thoại im bặt sau tiếng thều thào khác thường. Gã nhìn chằm chằm màn hình điện thoại, xác định điện thoại vẫn kết nối. Gã gọi tên vợ cũ. Không có hồi âm.

Gã cáu kỉnh ném điện thoại xuống giường. Điện thoại nảy lên, rơi đánh cộp xuống sàn. Âm thanh khô khốc làm gã giật mình. Gã vội vàng nhặt điện thoại, bấm lại số của vợ cũ.

Ơ? Sao danh sách cuộc gọi đến không có tên cô ta? Mình quệt tay ấn xóa rồi hả?” Gã lèm bèm bực bội. Điện thoại đột ngột đổ chuông làm gã giật nảy người. Gã gầm gừ ngay khi điện thoại được kết nối: “Này, cô thôi ngay cái trò đùa này đi nhé. Đêm hôm có để tôi ngủ không hả? Đã nói là thư thư rồi tôi chuyển tiền…”

Xin chào, anh có phải là anh Cảnh, chồng của chị Toan không?” Lên tiếng là giọng đàn ông lạ.

Gã chưng hửng, nhìn lại màn hình điện thoại. Không phải là chữ “Mẹ thằng cu”.

Vào hồi hai mươi ba giờ đêm nay, chị Toan gặp tai nạn trên đường… Bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi rất tiếc. Anh nén bi thương. Mong anh sớm đến bệnh viện để xác nhận người thân…”

“Tai nạn cái con khỉ! Cô ta vừa gọi điện cho tôi cách đây vài phút.” Cảnh gầm vào điện thoại.

Điện thoại của chị Toan đã hết pin trước tai nạn. Chúng tôi mới sạc pin để lấy số điện thoại của anh…”

Cộp. Điện thoại rơi xuống sàn.

Gã ngẩng phắt đầu nhìn đồng hồ treo trên tường. Ánh trăng rót vào phòng ánh sáng mờ nhạt, đọng ở kim ngắn đồng hồ. Một giờ sáng.

Giọng thều thào mang theo cầu khẩn của vợ cũ nương theo gió, quẩn quanh khắp phòng: “Em sắp đi xa… Mình thương con cả phần em nhé mình…”

Ảnh: Sưu tầm
    📸Ảnh: Sưu tầm

************

Cảnh gấp gáp đến bệnh viện. Gã muốn đấm vào mặt người bày ra trò đùa vô duyên này. Kết quả thì sao? Gã hoảng hốt, sợ hãi và phát điên trước sự thật.

Vợ cũ gặp tai nạn giao thông. Thật sự đã chết. Chết với cơ thể không toàn vẹn.

Gã và vợ cũ cưới nhau cách đây tròn mười năm. Khi đứa con lớn lên bốn tuổi, hai người chính thức ly hôn. Vợ cũ kiên quyết nuôi hai đứa con trai. Gã cười thầm khinh bỉ, để xem cô ta trụ được mấy ngày. Lương công nhân quét rác ba cọc ba đồng, sao đủ sức nuôi hai đứa trẻ ăn học?

Vậy mà vợ cũ lo toan chu toàn cho hai thằng con của gã đã năm năm trời. Chẳng đứa nào thiếu ăn, cũng chẳng đứa nào thất học. Chỉ có thằng bố vô trách nhiệm là gã vẫn lay lắt đổi việc liên tục. Gã vẫn nghĩ cô ta sẽ chăm hai thằng con đến khi tụi nó trưởng thành.

Kết quả thì…

Gã hoang mang và rối loạn vì vợ cũ chết nhưng gã chẳng thể khóc khi vẫn còn hai đứa trẻ đợi gã chở che.

Gã làm mọi thủ tục với bệnh viện và bên cảnh sát. Về pháp luật, gã không còn là người nhà của nạn nhân nhưng gã đâu thể bắt ông bà đang ngất lên ngất xuống lo chuyện ma chay đứa con gái xấu số.

Nếu gã không lỡ dại ngoại tình, không thối nát rượu chè, không lỡ tay đánh vợ thì gã vẫn còn là thằng con rể ngoan của hai cụ. Tiếc là… Ừ, chẳng bao giờ chữ “tiếc” xoay ngược được thời gian.

Cảnh vội vàng xua sạch các suy nghĩ tiếc nuối trong đầu. Gã làm xong mọi thủ tục rồi nhanh chóng đến nhà vợ cũ.

Công việc của vợ cũ là làm ca đêm, cô ta luôn về nhà khi hai đứa con thức giấc vào buổi sáng. Bây giờ nhiệm vụ đấy thuộc về gã.

Gã lóng ngóng mở ổ khóa cửa. Trong đầu vặn xoắn trăm nghìn câu trả lời để đối phó với hai đứa bé trong nhà về mẹ của chúng.

Đứng đợi bên kia cửa là hai thằng con trai.

Thằng lớn hỏi: “Sao bố lại có chìa khóa nhà ạ? Mẹ con đâu rồi bố?”

Thằng bé nấp vào sau lưng thằng lớn, nhìn gã đầy hiếu kỳ.

Hai thằng con đẻ, chẳng thằng nào có nụ cười tươi vui thì thấy bố đến nhà. Gã sống xa con quá lâu, gã phải nói gì để tụi nó hiểu chuyện đây? Lỡ đâu, tụi nó không về sống với gã thì sao? Trong sự bất an bủa vây mọi dây thần kinh, gã mở đầu bằng câu nói khô khốc:

Mẹ bị tai nạn xe máy… chết rồi.”

Hai cặp mắt trẻ thơ trân trân nhìn gã. Đáy mắt chúng là sự bất mãn về trò đùa ngu ngốc.

Gã hóp bụng, dìm cơn đau nơi dạ dày. Gã nói ra lời thoại đã tập đến trăm lần suốt chặng đường từ bệnh viện đến đây:

Từ giờ, hai đứa ở với bố. Bố… sẽ nuôi tụi mày.”

Thằng lớn trả lời với giọng sũng ướt: “Bố uống say sẽ đánh mẹ và con. Mẹ không muốn con đau nên sẽ không chết đâu. Bố đang nói dối tụi con, đúng không?”

Thằng bé mếu máo nói: “Mẹ mất rồi, bố sẽ chỉ đánh anh và con. Con không ở với bố đâu. Con muốn mẹ cơ.”

Thằng lớn đột ngột chộp lấy tay em trai, hét lên: “Mẹ chết rồi. Bố sẽ đòi nuôi chúng ta đấy. Anh em mình không thoát được đâu.”

Thằng bé òa khóc, cố giật tay khỏi anh trai. Trong tiếng khóc nức nở của hai đứa trẻ, gã nghe rõ giọng nói sợ hãi của con trai út: “Bố nói dối! Anh nói dối! Mẹ nói sẽ kiếm tiền để anh em mình cùng học đại học. Mẹ không nói dối chúng ta đâu. Mẹ không mang chúng ta cho bố đâu.”

Cảnh chết sững. Những lời ghét bỏ như trăm nghìn cái tát đánh vào mặt khiến gã nhớ lại quãng thời gian trước khi ly hôn. Gã không những thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ cũ, mà gã còn đóng khung hình tượng người bố bạo lực trong ký ức trẻ thơ của hai đứa con. Khi đó, con gã mới ba bốn tuổi.

Gã trong mắt con, thật tồi tàn.

Giọt nước mắt vỡ vụn nơi khóe mắt gã.

Gã khóc. Khóc vì vợ cũ mất. Khóc vì hai đứa con đẻ ghét gã, sợ gã.

📸: Sưu tầm
   📸Ảnh: Sưu tầm

*****************

Tang lễ kết thúc, Cảnh dọn đến sống với hai đứa con.

Bố mẹ vợ cũ đệ đơn lên tòa, tranh chấp quyền nuôi cháu ngoại. Gã quỳ xuống van xin hai cụ, nhận lại là tiếng nhiếc móc của bố vợ, tiếng khóc tang thương của mẹ vợ. Hai cụ không rút đơn kiện nhưng cũng chẳng ngăn cấm gã đến sống trong ngôi nhà cũ kỹ của cô con gái xấu số. Gã hiểu suy nghĩ của hai cụ. Ngôi nhà chất chứa bao bóng hình người mẹ đã khuất, gã chẳng nỡ ép đám trẻ chuyển đến sống với gã.

Trước đây, gã sống một mình, chi tiêu không tốn kém, chu cấp nuôi con cũng buổi đực buổi cái, vậy nên gã không nặng gánh tiền bạc. Vợ cũ mất hai tháng, chi tiêu của ba bố con trở thành gánh nặng đè xuống vai gã.

Cảnh chẳng thể phủ nhận sự thật, vợ cũ là đàn bà nhưng lại giỏi hơn đàn ông là gã gấp trăm lần. Cô ta chưa từng than thở hối hận vì phải nuôi con một mình.

Nghĩ đến vợ cũ là gã vực dậy tinh thần, đứng nghe quản lý mắng chửi với tâm trạng bớt u uất hơn. Nhân viên văn phòng bị quản lý trút giận là chuyện thường ngày ở huyện. Gã không thể mất công việc này.

Mỗi ngày, gã sẽ làm việc hết công suất, đi chợ mua thức ăn khi tan làm, chạy vội về nhà nấu cơm tối rồi dạy học cho hai con. Tất tưởi như nợ đuổi đến lưng. Khi gã tự mình trải nghiệm mọi công việc của một người phụ nữ đèo bòng con cái, gã mới biết cực đến mức nào. Cực đến mức muốn tìm ai đó thể than thở, để dựa dẫm nhưng gã chẳng có ai. Vợ cũ mất rồi. Gã tìm ai mà bộc bạch đây?

Cảnh về nhà với cơ thể kiệt quệ. Chào gã là thằng bé, nó chạy đến xách cặp táp, nhỏ giọng chào hắn.

Gã sướng rơn. Cái mặt đen nhẻm vì phơi nắng cười tít lại. Hai tháng cố gắng hàn gắn tình cảm bố con đã thành công bước đầu. Ít nhất thằng bé đã chủ động đến gần nói chuyện với gã. Gã chẳng thể quên cái cảm giác đau thắt tim khi gã muốn ôm thằng bé vào ngày vợ cũ mất, nó đã gào khóc đến suýt nghẹn thở vì sợ hãi. Ám ảnh người bố bạo lực vẫn chưa phai nhạt trong ký ức của nó.

Anh con đâu rồi?” Gã đặt túi thức ăn lên kệ bếp, thuận miệng hỏi.

Anh ở trong phòng làm bài tập ạ.”

Thằng bé vụng trộm nhìn về phía cầu thang rồi lại lén lút nhìn gã. Gã khù khờ đến mấy cũng nhận ra điểm khác thường. Gã hỏi: “Con giấu bố chuyện gì hả? Có thật là anh trai đang học bài không?”

Nó lắc đầu rồi lại gật đầu, lắp bắp nói: “Anh trai bảo anh… mệt, muốn ngủ, không ăn cơm.”

Vẻ chột dạ của thằng bé quá lộ liễu. Cảnh chạy vào phòng ngủ tìm thằng lớn.

Giữa căn phòng đơn sơ, trên chiếc giường là cơ thể co ro trong chiếc chăn mỏng. Gã bước tới, kéo chăn phủ trên người thằng lớn.

Trời nóng thế này, con đắp chăn làm gì?”

Thằng lớn cong như con tôm luộc, mặt đỏ bừng, mướt mồ hôi, trên bắp chân trái là vết bỏng to như bàn tay người lớn. Vết bỏng đã rộp nước, xung quanh vết bỏng đỏ quạch đáng sợ.

Tại sao lại bị bỏng thế này? Con đã ngâm chân vào nước mát chưa?”

Thằng lớn sốt, đầu óc mơ hồ, không trả lời được câu hỏi. thằng bé thấy anh nghẹo đầu mê man liền sợ hãi òa khóc. Nó nức nở kể lại mọi chuyện.

Khi sống với mẹ, hai anh em luôn phụ giúp mẹ nấu cơm để mẹ đỡ vất vả. Bây giờ sống với bố, thằng lớn cũng tự giác đặt nồi cơm, nhặt rau nấu canh để giảm bớt công việc cho bố. Hôm nay thằng lớn nấu canh như ngày thường. Nhưng khi nó bê bát canh nóng đến bàn ăn thì thằng em đột ngột chạy ùa vào bếp làm anh trai giật mình. Bát canh đổ xuống bắp chân thằng lớn. Thằng lớn sợ bố mắng nên nhịn đau, cùng em trai thu dọn nước canh lênh láng trên sàn cùng các mảnh bát vỡ.

Cảnh cấp tốc đưa thằng lớn đến bệnh viện. Gã không yên tâm để thằng bé ở nhà một mình nên mang đi cùng luôn.

Bệnh viện buổi tối vắng người, thằng lớn nhanh chóng được xử lý vết bỏng. Sau khi hạ sốt, thằng lớn đã có thể cười vui vẻ, đùa giỡn cùng em trai.

Khám xong, ba bố con ngồi trên dãy ghế chờ dọc hành lang bệnh viện. Gã nói: “Bố rất vui vì hai đứa biết phụ giúp việc nhà nhưng chuyện nấu nướng rất nguy hiểm với trẻ con. Từ giờ, hai đứa không được vào bếp nấu nướng khi bố không ở nhà, nhớ chưa?”

Thằng bé nép vào anh trai, im lặng nhìn xuống sàn hành lang.

Thằng lớn nhìn thẳng vào gã và hỏi: “Có phải bố sắp vứt bỏ anh em con không?”

Gã sửng sốt, không tin vào tai mình.

Đôi mắt mở to của gã làm ánh sáng trong mắt thằng lớn tắt dần, giọng nói ngày càng nhỏ: “Anh em con vô dụng, không giúp ích được gì nên bố sẽ trả con cho ông bà ngoại, phải không?”

Cảnh chộp lấy vai con trai, lắc mạnh, nôn nóng hỏi: “Có phải ai nói linh tinh gì với con không? Bố làm sao vứt bỏ hai đứa được?”

Mặt thằng lớn nhăn lại vì đau. Viền mắt nó ướt nước, giọng nói ướt sũng sự oán trách: “Không phải bố không nuôi anh em con vì thấy tụi con phiền phức ạ?”

Là… mẹ con nói như vậy à?”

“Không phải ạ. Mẹ chưa từng kể xấu về bố.” Thằng lớn lắc đầu, gạt bàn tay của bố, nhấn mạnh từng chữ. “Bố không đến thăm khi tụi con ốm, bố không đưa tụi con đi chơi, bố không biết con và em học trường nào. Bố bỏ mặc tụi con cho mẹ nuôi thì chắc chắn sẽ có ngày bố ném tụi con cho ông bà ngoại thôi.”

“Anh trai nói nếu bọn con có ích thì bố sẽ không vứt bỏ.” Thằng bé thò đầu ra từ sau lưng thằng lớn, tiếp lời anh trai.

Lời nói vừa dứt, hai đứa trẻ ngỡ ngàng nhìn nước mắt lăn dài trên gương mặt tái mét của Cảnh.

Gã ngồi trên ghế, bên cạnh hai đứa con ruột, rơi nước mắt trong hối hận muộn màng. Gia đình tan vỡ, vợ chồng hai ngả, quãng thời gian dài không có bố bên cạnh, sự thật này đã rạch lên tâm hồn hai đứa trẻ những vết thương chồng chéo.

Câu nói “Bố không bao giờ vứt bỏ hai đứa” chẳng thốt thành lời. Bởi vì, gã đã buông bỏ trách nhiệm làm cha trong suốt năm năm qua.

Lời gã nói không đáng một xu.

Ánh đèn ngà rọi xuống mặt hắn, buồn bã, thê lương.

 Ảnh: Sưu tầm
   📸Ảnh: Sưu tầm

***********

Cảnh đứng trước cửa nhà, hít vào thở ra, cố gắng hất văng tiếng quát mắng của quản lý ra khỏi đầu.

Công ty không thừa tiền nuôi kẻ vô dụng! Cậu bị đuổi việc.”

Gã không bất tài nhưng gã chưa biết nịnh hót. Lần này, sự nhịn nhục không giúp gã giữ được công việc. Quản lý chính thức đuổi việc gã.

Phận làm công chẳng thể kiện lên sếp tổng. Uất ức cũng chẳng thể chửi đổng một tiếng. Gã đi uống rượu để giải tỏa uất ức trước khi về nhà.

Vơi nửa chai, gã khật khưỡng đi về với túi thức ăn nhanh. Tối nay ăn sang một tí, ngày mai gã sẽ tìm được công việc mới, lương cao hơn, sếp thấu tình đạt lý hơn. Cái hy vọng xây lên từ chất cồn vỡ nát khi thằng lớn xới cơm cho gã.

Gã đập mạnh đôi đũa xuống bàn, cáu kỉnh mắng: “Tại sao con lại xới một muôi cơm?”

Thằng lớn ngơ ngác nhìn gã.

Một lần cơm cúng, hai lần cơm ăn. Bát cơm xới một lần chỉ dành cho người chết. Mẹ dạy dỗ thế nào vậy hả?”

Lời gã vừa dứt, ba bố con nhìn nhau. Gã cắn lưỡi vì lỡ lời.

Thằng lớn lí nhí nói xin lỗi, chuyển bát cơm một muôi đến trước mặt mình. Nó xới bát cơm mới cho gã.

Vừa kết thúc bữa cơm, trong khi gã vẫn chưa tìm được cơ hội xin lỗi con trai thì đèn phòng khách vụt tắt, gã hoảng hốt đứng bật dậy khiến chiếc ghế gỗ ngã chổng kềnh. Mắt gã trừng lớn, nhìn chằm chằm ánh lửa từ hai ngọn nến thắp song song.

Thằng lớn cẩn thận bê chiếc bánh lớn bằng cái đĩa, bên trên rải vài cánh hoa hồng cùng hai ngọn nến trắng cắm song song đi ra từ bếp. Nó nói: “Chúng con chúc bố sinh nhật vui vẻ!

Thằng bé vỗ tay bép bép, líu lo khoe: “Anh làm bánh gato bằng nồi cơm điện đấy ạ.”

Hai đứa cười tít mắt nhìn gã đầy mong đợi.

Hai ngọn lửa leo lắt trên cây nến trắng kích thích thần kinh gã. Gã đập tay xuống bàn, gầm thét: “Bọn mày trù tao chết sớm, đúng không hả? Hết xới cơm một muôi lại đốt nến trắng cắm song song cúng người sống. Ai dạy chúng mày mất dạy thế hả?”

Gã gạt mâm cơm. Bát đũa rơi vỡ loảng xoảng. Nước canh thừa đọng thành vũng, chảy đến ngón chân thằng bé. Nó rụt chân, nấc lên trong sợ hãi: “Tụi con chỉ muốn chúc mừng sinh nhật bố thôi… Tụi con không có trù…”

Và nó òa khóc: “Mẹ ơi, con muốn mẹ…”

Thằng lớn nhìn gã đăm đăm. Ngọn nến lập lòe trong bóng tối, soi rõ gương mặt đầm đìa nước mắt của nó. Đôi mắt ngây thơ bị nước vấy bẩn, trở nên xám xịt, tối tăm.

Cảnh giật mình tỉnh táo, tự vả lên mặt mình hai cái thật mạnh. Tiếng tát tai vang lên thanh thúy giữa phòng khách mờ tối. Gã tự trừng phạt bản thân cũng chẳng quay ngược lại thời gian, rút lại lời đã nói.

Sao gã ngu ngốc như vậy? Con gã được vợ cũ nuôi dạy tốt, sao lại có tâm địa ác độc như tưởng tượng của gã được?

Có người bố nào nghĩ con cái trù bố chết như gã không? Gã thật khốn nạn!

Ngày sinh nhật, gã mất việc, gã trút giận lên đầu lũ trẻ, rạch nhát dao tổn thương lên trái tim hai đứa con. Gã thật tồi tệ!

Gã bước tới, vươn tay: "Bố xin lỗi…”

Thằng lớn hoảng sợ rụt người, chiếc bánh sinh nhật rơi bẹp xuống sàn. Nó hét lên: “Bố đừng đánh con!”

Ngọn nến leo lắt phụt tắt. Bóng tối che khuất biểu cảm chết lặng trên mặt gã. Con gã nghĩ gã đánh nó ư? Sự thật như nhát dao đâm sâu vào tim gã.

Tiếng thút thít của thằng bé như tiếng động vật nhỏ bị thương, tủi thân và cô độc. Sinh nhật gã kết thúc trong sự hiu hắt.

📸: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm

Gã mang theo ân hận vào giấc ngủ chập chờn.

Đêm cuối hè nóng nực, không chút gió. Trăng rằm đêm nay tươi sáng, liếm một đường dài từ cửa sổ vào nửa căn phòng ngủ. Bác quạt trần sắp về hưu ẽo uột quay tròn, tiếng kim đồng hồ tích tắc buồn tẻ như gõ vào đầu gã những nhát búa đau nhức. Gã vùng dậy với hơi thở hổn hển. Gã lại mơ thấy cuộc gọi điện cuối cùng của vợ cũ.

Cô ta nói: “Mình thương con cả phần em nhé mình…”

Trong giấc mơ, gã cố gắng gào ra tiếng “ừ, tôi sẽ làm”, gào khản cổ cũng chẳng phát thành tiếng. Gã tức, gã hận vì bất lực.

Gã vuốt khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, vô thức đảo mắt sang vị trí bên cạnh. Không có! Giường trống không. Hai thằng con trai vốn nằm ngủ bên cạnh đã biến mất.

Tụi nó rủ nhau đi vệ sinh à?” Gã ngóng cổ về cửa phòng vệ sinh. Mọi thứ tối đen. Ánh sáng duy nhất là ánh trăng lẳng lơ đang nhảy múa trong phòng.

Gã hoảng hốt bật dậy, mở đèn khắp nhà, gào tên con.

Đáp lại gã là sự tĩnh mịch cô liêu.

Gã chạy ra đường, tìm người như kẻ điên. Mọi góc tối có thể nấp, mọi nẻo đường có thể đi, gã chẳng dám bỏ qua. Đến khi cơn gió chớm thu ném mạnh vào mặt gã một chút hanh lạnh, gã mới sực tỉnh, mướt mải mồ hôi chạy về phòng ngủ, tìm điện thoại gọi cho ông bà ngoại.

Không thấy hai đứa nó? Anh chăm cháu tôi cái kiểu gì vậy hả? Tại sao cháu tôi biến mất hả? Có phải anh lại đánh bọn nó không?”

Câu hỏi là lời khẳng định về một quá khứ vũ phu của gã. Cảnh lảo đảo tựa vào tường, bộ não quét lại hình ảnh thằng lớn sợ hãi không cho gã chạm vào người. Điện thoại trên tay vẫn không ngừng vang ra tiếng gầm gừ tức giận của bố vợ cũ. Gã khổ sở nói từng chữ với chiếc điện thoại.

Là lỗi của con. Con sẽ tìm được chúng.”

Ngón tay gã quét danh bạ, run rẩy đến mức ấn đúng cái tên “Mẹ thằng cu”. Sét chém qua người, gã chợt nhớ ra đã đôi ba lần thằng nhỏ đòi gã dẫn ra thăm mộ mẹ. Tro cốt của vợ cũ được chôn ở nghĩa trang gần nhà. Đi bộ không tới hai mươi phút.

Có lẽ…

📸: Sưu tầm
   📸Ảnh: Sưu tầm

Đêm cuối hè, nghĩa trang lạnh lẽo, gió hắt hiu buồn bã xiên qua tán lá cây hoa đại. Cảnh tìm thấy hai đứa con bên ngôi mộ mới màu đỏ. Thằng bé nằm bò nửa người bên mộ mẹ, tỉ tê nói chuyện:

Mẹ về với con đi. Con nhớ mẹ lắm.” Giọng nói khổ sở kéo dài day dứt tim người nghe.

Thằng lớn đứng bên mộ, gắt lên: “Mẹ mất rồi, không nghe thấy đâu.”

Mẹ không về thì ai đưa anh em mình rời khỏi bố hả anh? Tại sao ông bà ngoại lâu đến đón chúng ta vậy anh? Anh còn nhớ các vết sẹo trên lưng mẹ không? Mẹ nói mẹ bị ngã nhưng anh bảo là bố lấy thắt lưng đánh mẹ. Anh ơi, em sợ lắm. Em không muốn bị đánh đâu.”

“Im miệng! Mày ồn quá!”

Thằng bé òa khóc tức tưởi: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…”

Thằng lớn đá mạnh đám cỏ dưới chân. Nó quay người, vai run rẩy. Gió tóm lấy giọng nó ném lên không trung: “Mẹ mất rồi… không nghe thấy đâu…”

Phịch. Cảnh ngã xuống trong tư thế quỳ. Đầu gối gã đâm vào viên sỏi nhọn, cơn đau không thấm bằng nỗi đau trong tim. Gã khóc, giọng khàn khàn: “Bố xin lỗi…”

Thằng bé nhảy phắt lên, chạy vọt đến bên anh trai. Thằng lớn đẩy em ra sau lưng, cảnh giác nhìn thân hình đang lê quỳ dần về ngôi mộ màu đỏ.

Cảnh quỳ trước mộ vợ cũ. Nụ cười của cô trên bia đá khiến gã đau thắt ngực. Gã bệu bạo nói: “Mình ơi, tôi xin lỗi mình. Mình cho tôi cơ hội chuộc lỗi mà tôi không biết trân trọng. Là tôi có lỗi với mình, có lỗi với con. Mình thương tôi, thương con thì mình đồng ý cho tôi thêm cơ hội được làm tròn trách nhiệm của người cha, nghe mình.”

Nghĩa trang tĩnh mịch, không ai đáp lời gã.

Gã nhìn hai đứa con thơ qua làn nước mắt. Tụi nó nhìn gã, cảnh giác và sợ hãi. Gã biết, cơ hội chuộc lỗi, sửa lại sai lầm trong quá khứ, hoàn chỉnh những trách nhiệm chưa thực hiện là gã phải dùng hành động để chứng minh. Hành vi tối nay đã vắt cạn lòng tin của hai đứa bé mất rồi.

Cảnh liên tục dập đầu trước mộ vợ. Trán gã găm những viên sỏi nhọn hoắt, máu rớm ra trộn lẫn đất bẩn. Đất và cỏ lem nhem trên mặt, trộn với nước mắt khiến gã bẩn thỉu và thảm hại.

Tiếng dập đầu dồn dập làm thằng lớn hoảng sợ chạy đến kéo tay, ngăn cản hành vi tự trừng phạt của gã. Gã quỳ trên đất, ngẩng đầu nhìn thằng lớn qua nước mắt. Cơ thể nó khựng lại vài giây, bặm môi đánh vật với suy nghĩ trong đầu rồi chật vật nói: “Đầu bố chảy máu rồi. Bố đừng… lạy mẹ nữa. Mẹ biết sẽ buồn đấy.”

Lời nói già trước tuổi làm gã sửng sốt. Gã cứ như thằng ngốc, đứng dậy theo đà kéo của con trai. Gã nhớ lại lời thều thào trong cuộc điện thoại cuối cùng của vợ: “Thật ra, hai con vẫn luôn mong có bố ở bên…”

Thằng lớn lùi lại vài bước, tay chân lúng túng không biết để đâu. Thằng bé chạy đến, nép sau lưng anh, thập thò khuôn mặt nghi hoặc nhìn bố.

Gã đứng yên tại chỗ, nhìn hai đứa con chỉ cao tới vai mình. Gã chùi nước mắt rồi khụy một gối xuống để tầm mắt ba bố con bằng nhau. Giọng gã chân thật pha lẫn cầu khẩn:

Trước đây, bố đánh mẹ là bố sai. Bố hứa sẽ không bao giờ đánh các con, không bao giờ vứt bỏ các con. Vậy nên, các con đừng bỏ bố, được không?”

Gã đưa tay ra phía trước. Bàn tay đầy vết chai không giống dân văn phòng. Mắt gã ầng ậng nước. Giọng gã bắt đầu run rẩy bất an:

Chúng ta cùng sống với nhau, được không con? Bố sẽ thương hai đứa cả phần của mẹ.”

Qua làn nước mờ, gã thấy thằng lớn rụt rè vươn tay ra. Một niềm tin, một cuộc đời mới được đặt vào lòng bàn tay gã.

Gã khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên mặt. Gã nghe thấy giọng mình mang theo hạnh phúc:

Về nhà, con dạy bố làm bánh gato nhé.”

Đêm cuối hè, nghĩa trang hiu quạnh có cơn gió chớm thu vươn bàn tay hanh mát và dịu dàng ve vuốt thân hình ba bố con Cảnh.

Hết.
Kha Nguyên

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.