DÁN NHÃN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
#Tay_Dan_Chuyenminhchuyennguoi
***
“Bán vé số hả?”
“Nay bán được nhiều ít, đưa đây mua ủng hộ cho mấy tờ?”
Đó là câu tôi được hỏi nhiều nhất. Mỗi khi di chuyển từ khu trọ đến điểm nào đó ở Sài Gòn. Tôi không giận. Phần đã quen với “nhãn mác” người lạ gán cho người khuyết tật. Đặc biệt với đối tượng khuyết tật vận động, sử dụng xe lăn, như tôi. Tếu hơn, họ còn dán tặng một nghề không cần vốn – “ngửa nón ở chân cầu”. Ban đầu, tôi còn giải thích này kia. Sau lười. Kệ. Đưa chuyện đẩy theo con nước.
Thật ra, không thể trách họ. Đa số, những người không khuyết tật sẽ thấy người khuyết tật có chút tội tội và... thật đáng thương. Hình ảnh kẹp nạng, chống gậy dò đường, xe lắc, hoặc cao cấp hơn lái xe lăn điện mưu sinh. Hiện diện trên các tuyến đường, ở các ngã 3, ngã 4 đông đúc. Tranh thủ những giây dừng ngắn ngủi đèn giao thông. Chìa ra từng tấm vé, gói cả niềm mong "ai đó đổi đời". Biết đâu hên, ngày đó được thêm chút tiền bo của khách.
Thú thật, tôi chưa từng suy nghĩ bản thân chọn nghề bán dạo. Tôi không chê tiền. Càng không chê công việc chân chính, lao động bằng chính sức mình. Trong tôi, luôn nhen lên thứ tham vọng to bự. Ở đó, chúng tôi – cộng đồng bé nhỏ sẽ có được một tương lai khác hơn. Nhưng thật chạnh lòng. Vì biết, rất khó thay đổi suy nghĩ của mọi người xung quanh dành cho người khuyết tật và cả suy nghĩ của người trong cuộc. Bạn bè đồng cảnh mà tôi quen biết, đa phần đều chọn công việc bán vé số. Số còn lại, sống ở những vùng sâu, vùng xa, đường xá gồ ghề không tiếp cận, chỉ có thể ở nhà.
Quan niệm người khuyết tật là gánh nặng. Nên các bạn không có nhiều lựa chọn cho mình. Dạo trước, có người bạn rủ tôi lên Đồng Nai bán vé số. Bạn nói, “trên này bán được lắm. Chịu khó mời là ngày kiếm được mấy trăm ngàn”. Tôi ừ hử cho qua chuyện, bởi tôi biết, đằng sau công việc ấy là rất nhiều rủi ro. Tôi không dám cược với bản thân. Sâu xa hơn tôi vốn không cam tâm. Tôi luôn tự hỏi, lẽ nào người khuyết tật sinh ra chỉ để bán vé số dạo thôi ư?
Không hẳn.
Bằng chứng là mấy năm gần đây, các sản phẩm thủ công, như: tranh thêu chữ thập, hoa giấy, móc len – những sản phẩm góp mặt trên thị trường thu hẹp, có phần đóng góp công sức của những đôi tay khiếm khuyết. Nhưng, đa số đầu ra không ổn định hoặc khách mua chỉ vì "thương cảm". Vốn cạn, sản phẩm tồn. Người khuyết tật rơi vào vòng luẩn quẩn gánh nặng cho gia đình.
Tháng 7 năm 2016, tôi may mắn là một trong những bạn bạn khuyết tật khu vực miền Nam, tham dự Đại hội tại Hà Nội. Trong chương trình, có phần nêu kiến nghị giải pháp tiếp cận đối với người khuyết tật, bao gồm: Giáo dục, y tế và các công trình công cộng. Đây là cơ hội để tiếng nói người khuyết tật được các Bộ, Ban ngành lắng nghe, phúc đáp cũng như ghi nhận. "Người khuyết tật đứng trước thách thức học vấn. Đại đa số những người ở dạng tật nhẹ, có nhiều hơn cơ hội cắp sách đến trường. Còn lại, cánh cửa tri thức quá hẹp cho những ước mơ. Giải pháp tôi đề xuất: nên có những chương trình học hệ đào tạo từ xa, nguồn lực từ các giáo viên bộ môn hoặc những người có kiến thức sẵn sàng muốn cho đi..." - đó là nội dung tôi trình bày trong hội trường Phủ Chủ Tịch.
Khi được đặt câu hỏi ngược lại: “Phương án tài chính ở đâu, để hỗ trợ thiết bị cho người khuyết tật khi ngân sách còn nhiều hạn chế?”, tôi đã không ngần ngại vẽ ra phương án, rằng “Các doanh nghiệp hiện nay luôn muốn chung tay theo mô hình ‘doanh nghiệp với xã hội’, ta nên tận dụng điều này để vận động các doanh nghiệp ủng hộ thiết bị như: máy tính bàn, máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh. Theo tôi biết, vào dịp cuối năm, một số doanh nghiệp thường có kế hoạch thanh lý những thiết bị văn phòng đã qua sử dụng".
Bên cạnh đó, tôi còn đề xuất, “Các bộ ban ngành cũng nên gửi công văn về địa phương - nơi triển khai dự án tiếp cận, để họ có hướng chung tay, hỗ trợ những hộ gia đình có con em khuyết tật. Ngoài ra, gửi thư ngỏ đến ngành cung cấp dịch vụ cung cấp mạng internet, kết nối họ đồng hành bằng cách giảm/miễn hoặc ủng hộ theo cách của họ...”
Đại hội khép lại với ghi nhận cùng lời hứa “cân nhắc”.
Tôi trở về nhà mang theo nhiều kỳ vọng. Dù biết, để thực thi một dự án không phải cứ nhấc tay ký là xong. Nhưng mỗi ngày, đối diện với sự rời đi của những người bạn kém may mắn, là thêm một lần tôi vơi đi một chút mong chờ. Dù vậy, tôi vẫn tiếp tục nuôi hi vọng. Và lẽ dĩ nhiên tôi biết, mình còn phải chấp nhận hiện thực, mỗi lần ra ngoài, sẽ có vài ánh mắt lạ cảm thương, cùng câu hỏi: “Vé số còn không, đưa đây mua giúp...”.
Én Nhỏ
👉Link bài viết trên Group TayDdan: DÁN NHÃN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Add new comment