GIÓ TRONG CHUÔNG

Sáng tác: Lolong - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Truyennganhaytaydan2023

Huyền bị u não. Linh gọi bảo vậy. Ấy mà Trang cứ tưởng bạn nó chỉ bị bệnh thường thôi, kiểu đau đầu, chóng mặt như mọi lần, lên bệnh viện truyền dịch là khỏe.

Quen biết từ cấp Hai đến giờ, cũng gần mười năm, câu mà Trang hay nghe Huyền hỏi nhất chính là “Mắt tui hôm nay có sưng không?”

Bởi nghe đâu uống thuốc nhiều thì mắt sẽ sưng to, mí mắt phồng lên nuốt lấy con ngươi như món ốc nhồi thịt. Không chỉ vậy mặt còn béo phì ra, lông tay rậm rạp. Huyền bảo đó là do tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc viên, thuốc bột, thuốc nước, thuốc tiêm, cả thuốc bôi nữa, Trang chẳng rõ là thuốc chữa bệnh gì, nhưng có chữ “thuốc” gắn ở phía đầu thì y như rằng sẽ dính lấy Huyền như loài kí sinh. Dù đôi lúc nhìn thấy thuốc đã ghét, buồn nôn, Huyền cũng không thể xa rời chúng được.

Thuốc, từ lúc nào đã biến thành cơm cá, thành máu thịt của Huyền, để chân tay Huyền có thể đến trường, vui đùa cùng chúng bạn. Hay sâu xa hơn, thuốc là nguồn dinh dưỡng bù đắp cho dòng sữa mẹ luôn luôn thiếu vắng thuở còn nằm nôi. Thuốc, không khác gì người thân của Huyền, đến nỗi những đứa bạn như Trang từ ngạc nhiên, thương cảm dần coi đó là một chuyện bình thường, Huyền có xây xẩm hay lỡ bị ngất cũng là đương nhiên.

Thế rồi, Cá tháng Tư vừa qua được vài ngày thì Huyền lại bị ngất, lần ngất thứ bao nhiêu chắc chỉ có ông trời mới tỏ. Sau đó, bác sĩ ở Chợ Rẫy nói rằng trong đầu Huyền có khối u ác tính.

Chắc… sẽ ch.ết thôi.

Đó là suy nghĩ đầu tiên của Trang khi nó nghe Linh báo về bệnh của Huyền. Một nhận định tàn nhẫn, lạnh lùng, vừa hiện ra đã khiến Trang run sợ. Tiếng chuông gió ngoài sân vọng vào, thình lình, trầm đục. Âm thanh gì nghe như oán trách. Trang vội báo cho mẹ, khi đó mẹ đang ngồi may rèm cho khách.

Mẹ, con Huyền bị u não, chuyển vô Chợ Rẫy rồi.”

Mẹ Trang biết Huyền, vì ở chung xóm nên Trang và Huyền thường đi học cùng nhau.

Tội chưa.” Mẹ thở dài. “Bị não, chắc không sống nổi rồi.”

Nghe thế, Trang thấy nhẹ nhõm ra. Đấy. Đâu phải chỉ mình nó nghĩ vậy. Ung thư, u não… bao đời nay là bạn của Tử Thần, là bệnh nhà giàu, bệnh vào người thì kiểu gì cũng ch.ết.

Thế mới thấy, phàm cái gì dư ra cũng là nợ. Nhà dư miếng đất thì thể nào anh em chú bác cũng đánh nhau tranh giành. Đến cái mụn nhỏ xíu trên mặt cũng không chịu được, phải nặn. Ấy mà miệng người lúc nào cũng cầu mong dư dả. Dư để làm gì? Cuối cùng cũng phải cắt bỏ thôi.

D
📷: Sưu Tầm 

***

Bệnh tình của Huyền được cập nhật liên tục trên facebook, zalo, và được chia sẻ với số lượt chóng mặt. Từ quen đến lạ, chỉ cần có mạng, ai cũng biết được Huyền bây giờ đang nằm viện ở đâu, khi nào phẫu thuật, kết quả thế nào.

Ngược đời làm sao, Trang gần nhà Huyền nhất, thế nhưng tin về Huyền nó luôn biết sau cùng. Thời đại này, không online sẽ thành tối cổ. Trang nằm trên giường, đọc được tin Huyền đã xuất viện, bài đăng lên cách đây ba hôm, nó cười gằn, vừa bực bội vừa thấy ghen tị.

Mẹ à. Con Huyền về nhà rồi. Nghe nói phẫu thuật thành công.”

Trang lại báo cho mẹ. Mỗi lần cảm xúc trở nên lệch lạc là nó sẽ tìm kiếm ai đó, hỏi để kiểm chứng. Mẹ đang nấu ăn. Tiếng cá chiên được thả vào chảo kêu “xèo” thật to mới đến tiếng mẹ. “Về rồi à? Thôi thì, còn sống là tốt.”

Chưa đâu ạ. Con Linh nói đến cuối tháng Huyền phải nhập viện lại, mổ lắp cái gì đó. Bình luận bên dưới toàn than khóc với niệm Nam mô không.”

Như trò hề. Trang nghĩ vậy nhưng nó không nói ra. Cảm xúc trong lòng ngày một đen tối. Biết vậy Trang đã không đọc hết mấy trăm bình luận kia. Mà giả có biết, chắc nó vẫn đọc, xem người ta tỏ lòng thương cảm qua mặt chữ thế nào.

Bởi đổi lại là Trang, Trang không muốn giống như Huyền đâu, nhưng lỡ chẳng may Trang có chuyện gì thì đến khi mộ phần xanh cỏ bạn bè Trang có lẽ mới hay. Đời mà. Cũng đều nhắm mắt xuôi tay, nhưng có người được giật tít trên mạng, có người tan biến như cát bụi ngoài đường, ch.ết mà vẫn đau.

Ngoài bếp, mùi cá chiên đã được thay bằng mùi hành phi. Gió gợn nhẹ, vừa đủ đưa sự thơm lừng ở bếp ra sân. Chuông gió trước nhà kêu lên vài tiếng, đủng đỉnh báo rằng gió đã đến đây. Ám mùi đồ ăn, tiếng chuông vọng ngân dài hơn thường lệ, âm sắc khấp khởi. Mẹ bất ngờ hỏi:

Huyền bị vậy, bố mẹ nó có về thăm không?”

“Mẹ chờ chút. Để con hỏi con Linh.”

Nhắn tin qua lại một hồi, Trang báo cho mẹ: “Có. Mẹ con Huyền về trước lúc nó phẫu thuật, sau đó thì không thấy mặt nữa. Bố của nó thì ghé được ba lần.”

“Bố mẹ gì đâu! Không nuôi con được ngày nào, con bệnh nặng còn chẳng buồn chăm. Số con Huyền khổ thật.”

Mẹ dừng tay, oán trách một tràng rồi quay lại với chuyện bếp núc. Trang thảy cái điện thoại sang bên. Trang nhớ Huyền chưa từng than rằng số Huyền khổ. Bố mẹ có cũng như không, nhưng đổi lại, từ lúc lọt lòng, Huyền luôn được bà ngoại và các dì yêu thương. Bên ngoại lại giàu, cái gì không thay thế được thì dùng tiền bù đắp. Nhờ tiền, Huyền thi thoảng được gặp lại bố mẹ, vậy còn hơn là cách biệt âm dương. Đến sinh mạng Huyền, tiền còn cứu được. Thế gọi là khổ, nhưng trong khổ vẫn có cái may. Hình như ở đời ai cũng vậy. May rủi song hành. Trang cũng không tránh khỏi quy luật. May mắn của Trang là có bố mẹ bên cạnh chăm lo, còn cái xui là nhà nó nghèo. Cơ thể người nghèo lỡ dư ra gì là coi như ch.ết. Không ch.ết vì bệnh cũng ch.ết vì nợ, ch.ết rồi nợ vẫn ám người nhà. Trang sợ, thấy Huyền như thế, Trang vừa muốn giống vừa không muốn giống. Cuối cùng, Trang nhìn vào mẹ, thốt lên thật khẽ: “Mẹ này, nếu con gặp chuyện, mẹ đừng cứu chữa gì hết nhé. Cứ để con ch.ết. Cứ rút dây đi.”

Chẳng rõ mẹ có nghe thấy không, Trang bỗng rùng mình. Có gió lạnh từ đâu quét tới. Nhưng lạ là, chuông gió không rung.

D
📷: Sưu Tầm 

***

Kể từ lúc Huyền được đưa về nhà, cứ mười người muốn đi thăm bệnh sẽ có năm người rủ Trang đi chung. “Không có bà, tụi tui thấy sợ.” Đó là lý do đám bạn đưa ra. Trang chẳng hiểu nỗi sợ đó lắm. Chẳng phải lúc Huyền còn khỏe mạnh, đám bạn chung của hai đứa thường chơi thân với Huyền hơn sao? Họ liên lạc suốt qua facebook, zalo, mỗi lần nghỉ lễ về quê là hẹn nhau đi chơi. Trang chỉ tồn tại ở trong đời thực. Hiếm lắm, Trang được rủ đi chung, như pho tượng đính kèm. Trang nào còn chủ đề chung để nói. Tính ra bảo sợ, phải là Trang thấy sợ mới đúng!

Tối tám giờ hôm Quốc tế lao động, đó là lần đầu Trang đến thăm Huyền, đi cùng sáu người bạn cấp Hai. Đêm đó, Huyền nằm dài trên chiếc giường sắt, ngay trong phòng khách, ngủ rất an yên. Người đến thăm thoạt cười vui vẻ nhưng rồi héo đi khi đôi mắt bắt vào từng tiểu tiết: dịch truyền lỉnh kỉnh, tay chân Huyền teo tóp nên bộ đồ ngủ trông rộng thùng thình, cái mũ len hồng được đặt cạnh gối, nơi trước đó cái mũ đội lên là mái đầu trọc lóc của Huyền với mảng đầu phải bị hõm vào trong, dị thường, đáng sợ.

Trang chết lặng khi nhìn vào đó. Không chỉ nó, mọi đôi mắt trong phòng đều bị cái hõm đó hút lấy không khác gì lỗ đen. Rồi bà ngoại Huyền ngần ngại giải thích. Trang sốc đến nỗi nó chẳng nhớ gì ngoại trừ ba chữ “đang hấp não” lặp lại như niệm chú trong đầu.

Một phần não của Huyền đang ở chỗ khác sao? Mất một phần não mà con người ta vẫn sống được sao? Có khi nào Trang nghe lầm không? Nhưng rõ ràng mảng đầu phải hõm vào rất khớp…

Bao câu hỏi bủa vây trong đầu Trang, xoay vần nó như cái bông dụ. Đến lúc ra về Trang mới tỉnh táo được đôi chút. Và rồi, vừa bước khỏi cửa, nước mắt nó tự dưng ứa ra. Trang khóc. Cơ thể đã khóc trước khi lý trí kịp bảo “Khóc đi.”

Tại sao lại thế? Chẳng phải tiền có vạn năng sao? Sao lại biến Huyền thành như thế? Trang không chấp nhận. Nó thấy bất lực. Đố kị làm gì khi giờ đây Huyền sống còn hơn ch.ết. Trang rất muốn gào lên với trời: “Trả lại hình người cho bạn tôi đi!”

Lần thứ hai Trang đi thăm bệnh, tâm lý nó đã vững vàng hơn. Bởi Trang đã được biết trước những gì nó phải gặp. Lần này Huyền thức. Huyền nằm trên giường nghe đám bạn tỉ tê. Gọi là nói chuyện, thực ra chỉ có một bên hỏi, Huyền như đứa trẻ đang tuổi bập bẹ chỉ đáp được tiếng “” hoặc “Không”. Nhiều lúc thấy Huyền lắc đầu khó khăn, trong đám bạn chẳng ai mở miệng nổi. Nhưng nếu không hỏi, không kể gì đó thì nước mắt sẽ lấn át phần lời len lỏi khỏi hốc mắt trào ra. Rồi sẽ có lằn ranh vô hình bỏ lại Huyền ở phía kia bệnh tật.

Kết cục, cả đám lại ríu rít không ngừng như lũ chim họp tổ. Một màn kịch vụng nhưng cứ diễn hoài. Vở kịch ấy chùng xuống thật sâu khi Linh bỗng hỏi “Huyền còn nhớ tụi này là ai không?” rồi từng đứa nhận được cái lắc đầu như bị ban án tử. Ấy thế mà đến người cuối cùng, Huyền lại thốt lên cái tên “Trang”. Cao trào của vở kịch vụt đến. Người trong phòng đều rộ ánh cười, ai cũng mừng vui nhìn Huyền rồi nhìn sang Trang nói: “Huyền nhớ ra bà kìa!”, “Bạn thân nhất có khác.” Đến bà ngoại Huyền cũng thút thít bảo: “Nhớ cái Trang là đúng rồi.” Duy có Trang là không sao hiểu nổi. Xét thân thiết, Trang nào có cửa so với Linh. Trang chỉ được mỗi cái nhà gần, nhưng ba năm rồi đôi bên đâu có gặp nhau mấy. Rốt cuộc điều gì khiến Huyền nhớ ra Trang, nhớ mỗi mình nó trong số chục người, còn với cái đầu khuyết một phần não, ký ức thiếu hụt?

Trang ôm suy tư đó về nhà, rồi trăn trở tiếp những ngày sau đó. Tận hai tháng sau, trong lần thăm bệnh thứ mười mấy Trang chẳng buồn đếm nữa, khi phần não phải đã về lại với Huyền, ký ức thất lạc cũng đã tìm lại, Trang đã thử hỏi Huyền về chuyện đêm đó. Nhưng ai ngờ được, như trò đuổi bắt của ông trời, ký ức của Huyền trong lúc chỉ có một phần não không hề được giữ lại, hoặc là chúng đã bị ký ức cũ chồng lên. Tóm lại, câu trả lời mà Trang muốn biết mãi mãi không xuất hiện. Điều duy nhất Huyền có thể nhớ là cái chuông gió kim loại đính sao. Trang đã treo nó phía trên giường bệnh trong lần thứ ba đi thăm Huyền. “Huyền nằm một chỗ, có gì đó trên đầu để ngắm sẽ đỡ buồn hơn.” Trang đã nghĩ thế rồi mua tặng. Và rồi, không chỉ hai tháng mà đã tính bằng năm, cái chuông gió Trang tặng Huyền vẫn luôn chễm chệ một góc trong phòng khách, phát ra những tiếng “tinh tinh” trong trẻo và vui tai. Chẳng ai bận tâm cái chuông gió tại sao lại ở đó, đến người mua nó lẫn chủ nhân nó cũng không còn nhắc câu chuyện năm xưa. Gió trong chuông ra sao mặc kệ. Khi tiếng chuông ngân, những đôi mắt sẽ lại hướng về.
    Lolong
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: GIÓ TRONG CHUÔNG

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.