HƯƠNG ĐỒNG

Sáng Tác: Nhất Hàm - Những Ngón Tay Đan

Bước ra từ trong giảng đường trường làng sau buổi lễ tốt nghiệp, đám học trò quê khoan khoái tung cặp sách lên trời. Trời mùa thu ngát xanh, mây cô độc thưa vắng và kéo về những miền xa xôi chìm khuất. Giao và Thu nắm tay nhau đi về phía nhà xe. Giao dắt chiếc xe đạp cọc cạch xanh quen thuộc của Thu nhưng hôm nay xe bỗng xịt lốp.

- Cái lốp này năm rưỡi rồi còn gì. Chắc thủng rồi.

Thu chậc lưỡi lắc đầu. Một bông hoa tím điểm vào mái tóc dài buộc gọn khiến cho nét ưu tư cố trên vẻ mặt của cô càng trở nên đáng yêu. Giao khẽ lắc đầu. Anh đưa tay lên vuốt tóc cô cười nói:

- Hơn năm nhưng vẫn còn tốt chán. Chắc mấy thằng quỷ kia nó nghịch dại đây mà.

Thế rồi Giao dắt xe đi trước, Thu lững thững theo sau. Nhìn cô ôm cặp tựa như một cô dâu đang đi về nhà chồng mới. Đôi má ửng hồng bẽn lẽn nhưng ánh mắt hằn lên những tia vui sướng và hồn nhiên. Cô thả lòng tựa như mây và như sương từng làm trắng cả trời. Giao và Thu đã công khai tình cảm được ba năm. Nhưng mùa thu nào, Thu cũng giữ nguyên vẹn lấy cái vẻ hồn nhiên như thế. Cô vẫn cứ là cô gái nhỏ mười mấy tuổi đơn thuần và đài các như một đoá hoa cúc trong sáng nhưng thanh cao. Còn Giao giờ này đã quen với sự tự do và hồn nhiên bên cô nên anh đã sống hết cái chất của người nghệ sĩ. Từ dạo từ bỏ cơ hội vào trường tỉnh để về đây, Giao chẳng bao giờ thấy mình sai lầm của. Thời gian gần gũi cho phép hai người nuôi lớn tình cảm của những ngày mười mấy tuổi, khi mùa xuân dài mãi và tình yêu bền chặt một cách tự nhiên. 
 Nơi quán sửa xe cách cổng trường không xa lắm. Ông chủ quán sửa xe đã già cười nhìn hai người như nhìn đàn cháu nhỏ. Ông đã chứng kiến bao mùa xuân, bao lứa học trò đến và đi trên con đường quen thuộc. 

- Mai là thôi nhá, hết rồng rắn nhé cô cậu.

Ông già cười nói. Giao và Thu nhớ lại hôm nay đã là buổi học cuối cùng nên có chút chạnh lòng. Nhưng Giao cũng không buồn, anh cười nhìn ông lão:

- Chắc cuối năm là bọn con khỏi phải rồng rắn đón nhau ạ

- Thế thì tốt, tình yêu học trò có mấy khi đến đâu đâu. Nên là quý lắm. Ông với bà cũng là ở cái trường này ươm mầm đấy. Bà nó nhỉ. 

Ông lão nói rồi quay sang người vợ đang móm mém nhai trầu. Bà già cười đôn hậu gật đầu rồi quay sang nói với hai đứa học trò mới lớn:

- Ngồi đây uống nước với bà, bà không lấy tiền trà xanh đâu. Chờ ông ấy sửa xong xe rồi về chứ xe chúng mày lâu đấy. Ngồi bà kể cho mà nghe. Nhất là mày, xinh như bà hồi trẻ còn thằng kia cũng khù khờ như lão ấy. (^^)

Bà già vừa nói vừa kéo tay Thu. Cô gái lễ phép trả lời:

- Vâng, bà cho thì tụi con xin.

Rồi cô huých vài Giao đang đứng ngây người như bị kéo vào câu chuyện khiến anh ngồi xuống ghế. Nhìn bản mặt ngốc nghếch của anh, Thu khúc khích cười, bà lão cũng cười rót cho cả hai mỗi người một cốc chè xanh nóng. Nhành hoa tím rung rinh dưới nắng thu như cũng gật gù theo từng kỉ niệm ôn lại trong những ánh mắt già nua.

      *** 
 Chiếc xe sửa xong thì đã cuối chiều. Giao và Thu trở về trong ánh hồng rực rỡ. Đường về nhà đi qua cánh đồng rộng. Hai bên đường trồng rất nhiều hoa sữa. Những chùm phượng vĩ  trên giỏ xe như phai màu. Gió hiu hiu thổi nhẹ nhàng và trời dần lạnh. Những bông lúa chín vàng rung rinh theo từng làn gió. Thu ngồi sau xe khe khẽ hát. Tóc cô dài sổ tung theo gió. Một thứ hương là lạ chảy xuôi giữa khuông chiều. Có lẽ là mùi đầu đời của một người con gái. Mùa thu qua tay bình lặng nhẹ nhàng chảy xuôi, tựa như một giấc thơ đầu. Thu không quyết định học tiếp còn Giao vì nguyện vọng của bố mẹ cũng học một khoá nghề Nông Lâm ngay tại tỉnh nhà. Khả năng của anh còn có thể đi xa hơn nhưng anh muốn gần Thu và sống trong những kỉ niệm nơi từng thớ đất. Hơn nữa, Giao cũng có một niềm đam mê bất tận với hoa...
 Giao vừa học vừa làm đã được ba năm. Khoá học của anh cũng kết thúc. Không còn gánh nặng kinh tế cũng là lúc Giao mong muốn cho Thu một câu trả lời đích đáng cho mối tình gần chục năm trời. Câu trả lời ấy là một đám cưới mà từ lâu anh đã trù hoạch sẵn. 
 Ba người anh của Giao đã lấy vợ làng đều ở đất nhà. Giao cũng mua được một mảnh đất lớn gần trường cũ để trồng hoa bán. Từ đó nhìn thẳng ra khu đồng ải và chân đồi xa bất tận. Bố mẹ Thu và Giao vốn đã quen nhau nên chuyện cưới xin xem như đã định chỉ tùy vào hai người. Giao đã thực hiện được ước mơ viết sách và đã trở thành nhà văn nên việc ở ruộng hoa Thu phải phụ anh nhiều. Ngay từ mẻ bán giống hoa đầu tiên anh xây một căn nhà gạch nhưng bên trong ốp gỗ. Ngôi nhà nhỏ ấy dự định sẽ là tổ ấm của hai người về sau. Mảnh đấy cuối xóm ấy ở ngay cạnh nhà ông bà sửa xe ngày trước. 
 Chiều cuối đông, Giao chở Thu trên chiếc xe máy mới mua. Từ nhà cô ra, cả hai người đều vui mừng vì việc cưới xin đã định sang Giêng. Nhà Giao và nhà Thu chỉ cách nhau có vài bước chân nên bố mẹ anh đã trở về. Hôm nay đã là cận Tết, Thu phải giúp Giao thay nhau chăm những mẻ hoa ly, đào, quất,... sắp xuất đi. Vừa về đến nhà, Giao đã thấy hai mảnh ruộng sát bên được san lấp cẩn thận từ lâu nay dần mọc lên hai ngôi nhà mới. Giao còn đang ngơ ngác thì một cái giọng quen bỗng bật lên:

- Tao với thằng Phong lại về cuối xóm làm.hàng xóm với mày thôi

Giao.quay lại, không phải thằng Lâm, bạn nối khố của anh thì là ai. Thấy vậy Giao cười đáp:

- Tưởng ai ra chúng mày. Mà nghe nói mày với Phong ở trên tình khá khẩm lắm cơ mà. Sao lại về đây?

- Chuyện dài lắm từ từ tao kể

      *** 
Chiều đi nhanh cho đêm xuống lan đều ra cả một miền quê. Bên kia hàng rào thưa, Giao có thể thấy rõ, hai ông bà già sửa xe đang ngồi trên hiên nhà ngắm ra ngoài. Nơi này gần chợ nên người đi lại tấp nập lắm.  Phong thấy Lâm và Giao nói chuyện liền đi qua đường sang nhà Giao. Hắn cười:

- Nhất mày rồi đấy Giao. Ba thằng nhà mày to nhất rồi. Bọn tao chán thành phố thì về. Bạc mày ạ, người trên đó bạc lắm mày. Mà mày với con Thu bao giờ cưới?

- Bọn tôi chắc sang Giêng. Mà nay sẵn đi chợ Tết gửi nhà cho cậu với thằng Lâm.

Thu nhanh nhảu cười trả lời. Lâm thấy vậy giãy lên nguây nguẩy:

- Không được, hai anh em tao cũng đi bây giờ. Bọn tao mang về đây nghề làm pháo với ủ rượu chúng mày cần cứ ới nhé.

- Thôi chúng mày đi đi để bà trông nhà cho. Mua hộ tao ít đồ tao ghi ra giấy rồi.

Bà lão sửa xe cười móm mém nói với Giao. Cả đám chào bà rồi ra chợ. Con cái hai ông bà đi làm xa nên phải ở một mình. Đám người Giao và Phong cũng khá thân thiết và hay giúp đỡ ông bà trong những việc vặt vì từ thời đi học đã biết hai người họ. Riêng Giao và Thu thì càng thân thiết hơn vì ông bà đã đưa ra cho họ rất nhiều lời khuyên để đi đến ngày hôm nay. 
 Phiên chợ mới vào tối, ánh đèn trắng vàng treo trên những cây phượng vĩ hay hoa sữa hắt xuống. Mùi hương hoa vẫn nồng. Cuối năm nên người cũng đông. Ai nấy tay trong tay với những bộ áo màu xúng xính. Giao đã đi nhiều nơi nhưng đến đâu anh cũng phải tìm và đi qua chợ. Anh thích ngắm những người đi chợ nhất là những phiên chợ cuối năm. Nhưng cái chợ quê quen thuộc này mỗi lần trở lại đều cho anh một thứ phong vị rất lạ. Đã biết bao lần Giao và Thu tung tăng dắt tay nhau đi lang thang trong chợ với những món quà quê vô cùng bình dị. Nơi này đầy ắp những kỉ niệm mà mỗi lần nhớ lại Giao cứ thấy chạnh lòng, một nỗi thương rất đỗi thơ. 
 Và hoa sữa quyện đều trong đêm giá như chứng minh cho một tình yêu đã trải qua bao nhiêu chuyện. Thi thoảng, gió lại thổi cuốn theo hương xanh của lá phượng và lá me. Những hàng rượu nóng, những xiên thịt nướng bốc lên từng làn khói nghi ngút chút hơi ấm trong một khung trời lạnh. 

- Ngẩn gì ra đó, xách đồ cho em đi.

Thu nhìn vẻ mặt suy tư của Giao ngây ngô đến bật cười. Giao nghe cô nói như vừa tỉnh ra từ trong mộng đưa tay đón lấy túi hàng mà Thu vừa mua. Cô bỗng ửng hồng đôi má rồi hôn trộm lên trán anh sau đó quay sang hướng khác. Phía sau lưng cô là những tiếng “e hèm” hắng giọng không ngớt của đám người Lâm và Phong.

      ***
 Hôm nay đã là hai tám tháng Chạp. Khu xóm nhỏ gần trường cũ của Giao cũng bước vào xuân. Khu vườn hoa của anh đã bị cháy hàng từ hôm trước do khách năm nay đông quá. Thu thi thoảng lại về nhà cô xem bố mẹ và các em chuẩn bị thế nào. Giao trồng một cây mai và một cây đào ở sân trước từ hồi ra đây. Hai cây hoa này dù ai trả giá cao thế nào anh cũng không bán. Năm nay hoa lại nở như hai vầng cầu vàng hồng đan xen ngay trước ngôi nhà.

- Khiêng hộ tao nong pháo ra phơi Phong ơi

- Mày gọi thẳng Giao đi, tao đang chưng dở mẻ rượu. 

Lâm gọi vống lên. Giao nghỉ tay đang chẻ mẻ lạt bánh trả lời:

- Từ từ tao sang ngay

Hai người lễ mễ bưng nong pháo mới ra sân. Mùi rượu bên nhà Phong bốc lên thơm ngào ngạt. Hàng cây bên đường ríu rít tiếng chim. Giao ngồi trên hiên nhà Lâm hướng về phía nhà mình uống một cốc trà xanh. Mùi trà thơm bốc lên ngào ngạt. 

- Hai thằng chúng mày cũng làm nốt hôm nay rồi nghỉ thôi chứ. 

- Tao làm nốt nong này cho anh em mình chơi

- Chúng mày chờ tao xong nồi rượu rồi chiều anh em mình chơi Tết.

Ba người rôm rả nói chuyện. Thấp thoáng ngoài đầu ngõ đã thấy Thu đang đi về. Nhà gần nên hôm nay cô đi bộ. Trên tay cô là mấy gói đồ. Giao đặt cốc trà xuống để về nhà. Thấy anh, Thu nói ngay:

- Mẹ bảo giao thừa vào trong nhà chơi đấy. Em sang thì cả bố mẹ anh cũng đang bên đấy. Nay trong nhà gói bánh vui đáo để. Mẹ cho ít củ kiệu mới muối đây.

Thu vừa nói vừa chỉ vào hũ củ kiệu muối mà cô đặt trên hiên. Nhìn đống lạt bánh, cô bỗng như sống lại những mùa xuân ngày cô còn bé. Trời hôm nay ấm đầy sắc nắng nên hai ông bà già cũng đang tranh thủ quét dọn ngoài sân. Vừa thấy thế ông lão cười nói với sang:

- Nhất chúng mày rồi. Chiều rủ hai thằng kia sang mà chọn cây nêu. Bờ tre tao phần anh em chúng mày rồi đấy.

- Vâng ông cho thì con xin. Để chiều bọn con dựng hộ ông luôn thể. Giao trả lời qua hàng rào.

- Tốt tốt. Trước tao trẻ cũng mê nêu với pháo. Mấy năm nay mắt loà chân chậm có được chơi đâu.

Bán anh em xa mua láng giềng gần. Ở cái góc cuối xóm này ngoài cái trường làng ra thì cũng chỉ có Giao và gia đình ông lão này. Năm nay trời xui thế nào có thêm hai thằng bạn về vui hẳn. Chiều ấy cả Giao, Lâm và Phong xúm vào phụ ông bà trang hoàng nhà cửa. Giữa họ như nảy ra một thứ tình cảm vô hình. Đang quấn nốt dây đèn lên cây cau gần chum nước thì một cô gái bước vào. Ông già mắt ngấn lệ kêu lên:

- Mình ơi, con Thanh nó về rồi mình ơi

- Bố.

Cô gái cũng niềm nở đáp lại rồi giật mình nhìn sang:

- Ơ anh Lâm, sao anh lại ở đây?

- Em là con gái ông, à không bác sửa xe sao?

Trước ánh mắt ngơ ngác của mọi người, Thanh giải thích:

- Đây là Lâm, bạn trai con. Bọn con yêu nhau được mấy năm rồi nhưng chỉ biết là cùng quê. Năm nay định bỏ thành phố rồi tìm nhau về thưa chuyện với bố mẹ. Còn về các anh thắc mắc thì em là con gái út nên tuổi mới nhỏ như như vậy.

Bà lão và ông lão nhìn nhau gật đầu hài lòng. Chẳng biết có phải trời run rủi hay không mà khi làm việc, một thằng lười như Lâm hôm nay lại chăm đột xuất. Ông mắng yêu con gái:

- Cha bố chị, tôi tính luôn cho anh chị ra Giêng. Còn cậu về hối bố mẹ qua đây, tôi chán quả bom nổ chậm này lắm rồi.

Ông nhìn Lâm cười. Hắn dạ dạ chạy đi, dáng người như đứa trẻ được kẹo. Chiều hôm ấy, xóm nhỏ lại thêm một chuyện vui. Còn Giao, Thu và Phong vừa dựng cây nên vừa nghe chuyện bên nhà ông bà lão. Đống đồ mua ngoài chợ được Giao sắp xếp đâu ra đấy. Anh treo trên ngọn cây tre một quả chuông gió và một đôi câu đối mà chính tay anh viết. Ngoài cánh đồng, hoa cải vàng rực rỡ theo nắng chiều. Thỉnh thoảng những cơn gió lại tạo nên một đợt sóng hoa xào xạc. Giao và Phong còn rủ nhau giăng đèn lồng và đèn nháy lên những cây hoa sữa phía bên kia đường của bốn ngôi nhà. Trên chiếc bếp lò mới đắp trước sân, Thu đang nạo dừa chuẩn bị làm mẻ mứt. 

- Ê Lâm, tối nay gói bánh ha.

- Ờ, mày quất không Giao?

- Có, cả Phong nữa nhỉ

- Ờ tao nhất trí. Mẻ rượu mới chưng vì bánh chưa được uống nó cứ bứt rứt thế nào ý

       *** 
 Tối đó, bên ba cái hiên nhà có ba chiếc lò đất đang đỏ lửa. Trên mỗi hàng hiên đều chải một cái chiếu với đủ thịt, gạo, đỗ, hành. Đáng lý thì Phong chậm hơn cả vì không có ai giúp nhưng Thanh và Lâm phải gói cả mẻ bánh nhà cô nên thành ra chậm nhất. Ông già cứ ngồi rít từng hơi thuốc lào theo những cốc chè xanh và kể về những mùa xuân đã rất xa. Những kí ức của ông như những câu chuyện cổ tích về Tết trong dĩ vãng. Ngoài đường, trên hàng cây hoa sữa, ánh sáng đỏ của đèn lồng đan với đèn nháy đủ màu lấp lánh. Hương cỏ gừng từ đồng nội ngai ngái đưa vào. Hễ ai gọi ông ngủ đi thì ông lão lại cười nói:

- Tao thức với chúng mày cho vui.

Rồi ông chỉ cho từng người những mẹo làm bánh chưng sao cho khỏi toét góc, cho vuông vức hơn. Chẳng bao lâu nồi bánh đã được đặt lên bếp hết. Nhưng những xóm khác hôm nay hình như cũng không ngủ. Hình như ai nấy đều đang quây quần bên nồi bánh.
 Lâm vui sướng treo một băng pháo đốt tạo thành những tiếng nổ vang và xác pháo rực hồng. Ông già vỗ tay theo nhịp pháo vui sướng hát:

Đời người được mấy xuân nồng
Sao không say đắm pháo hồng rượu thơm
Hỡi người mê luyến vàng son
Một mai nhắm mắt ta còn những chi
.....

Tiếng hát đạm bạc như một câu hò của người lao động. Những người trẻ vừa nghe vừa nhìn nhau như trầm ngâm cảm thụ. Khoảnh khắc này ai cũng thấy vui. Đâu đó trên khoảng đồng xanh những chẩng mạ non gieo sớm. Sự sống thật diệu kì, sự kết thúc chính là khởi nguyên của bắt đầu. Thu tựa vào vai Giao, sau bao nhiêu năm đi cùng nhau, bờ vai vẫn vững chãi và ấm áp như những ngày còn vô lo vô nghĩ. Bếp lửa hồng nổ lép bép như tiếng báo hiệu của một mùa xuân!

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.