CHIẾC LƯỢC BÍ RĂNG THƯA
#Tay_Đan_Mùa_Về
Chủ đề: Tiếng thời gian
Trước thềm nhà đầy nắng, bà nội đang ngồi chải tóc. Linh đặc biệt thích nhìn bà những lúc như vậy. Bà nhẹ nhàng đưa chiếc lược thiếu mất mấy cái răng lướt trên mái tóc hai màu thoang thoảng mùi bồ kết. Mắt bà trầm tư nhìn về phía giàn hoa giấy đủ màu đang loạt soạt trong gió.
Chiếc lược của bà rất đặc biệt. Thay vì chỉ có một hàng như những chiếc lược thông thường, chiếc lược của bà có hai hàng răng đối xứng được kẹp chặt ở giữa bởi một chiếc nẹp tre. Thân và răng lược nhẵn bóng. Dấu vết thời gian còn hiển hiện qua những khoảng trống hoác để lại bởi những chiếc răng đã rụng.
Bà búi tóc gọn gàng sau gáy rồi cẩn thận đặt chiếc lược lên bàn. Linh lại gần vòng nhẹ tay qua cổ bà.
“Bà ơi, sao chiếc lược đã hỏng như vậy rồi mà bà vẫn dùng?”
“Đồ tuy cũ nhưng kỷ niệm thì không bao giờ cũ cháu ạ.”
“Bà kể cho cháu nghe đi?”
“Đây là của hồi môn cụ ngoại tặng bà lúc bà đi lấy chồng.”
"Cháu chỉ thấy người ta tặng tiền, tặng vàng chứ chưa nghe ai tặng lược làm quà cưới cả.”
“Vì đây là một chiếc lược đặc biệt. Lược Bí.”
“Cháu thấy nó có giống quả bí đâu.” Linh xoay xoay chiếc lược trên tay ngắm nghía.
“Không phải quả bí mà là bí bách ấy. Cháu thấy răng của những chiếc lược này rất dày không?” Bà vừa cười vừa giải thích.
“Bà nói cháu mới để ý. Tại sao lại cần một chiếc lược “bí” như vậy hả bà?”
“Hồi nhỏ bà có rất nhiều chấy, chúng bám chặt trên da đầu nên cần dùng chiếc lược dày răng như thế này để chải chấy ra khỏi đầu.”
“Lược của bà bị gãy mất mấy cái răng rồi, bà chẳng chải chấy được nữa.” Linh thò tay vào những khoảng trống khấp khểnh trên chiếc lược.
“Ừ, cũng may bà lâu rồi không còn chấy nữa nên thiếu mất mấy cái răng cũng không sao.”
***
Trên chiếc chõng tre cũ kỹ, ánh nắng chiều nhẹ nhàng hắt qua khung cửa sổ gỗ xỉn màu, một người phụ nữ đang ngồi tỉ mẩn chải tóc cho cô con gái lớn của mình – bé Sửu. Bà nghiêng đầu con dựa vào đầu gối mình, nhẹ nhàng kéo từng lọn tóc lật qua một bên rồi đưa chiếc lược bí sát da đầu, khẽ khàng chải xuống. Tiếng lược lướt trên mái tóc tơ đen nhánh rì rào như lời thì thào của gió.
Mỗi lần lược chạm vào da đầu, Sửu khẽ rùng mình.
“Mẹ ơi, sao con lại nhiều chấy thế?” Sửu hỏi, giọng đầy tò mò.
“Ai cũng vậy thôi. Nằm yên nào. Mẹ bắt sạch cho khỏi ngứa.”
Được những lời dịu dàng của mẹ vỗ về, Sửu nằm im khoan khoái. Đây là khoảnh khắc bình yên nhất trong ngày của nó.
Gia đình Sửu sống trong một ngôi nhà tranh vách đất, lọt thỏm giữa cánh đồng bạt ngàn. Cuộc sống của cả nhà gắn liền với những thửa ruộng thuê, ngày ngày bố mẹ Sửu bán mặt cho đất bán lưng cho trời không quản nắng gắt cháy da hay mưa dầm rả rích. Là chị cả của ba đứa em, Sửu vừa trông em, vừa phụ giúp bố mẹ công việc trong nhà. Các em Sửu đứa nào cũng nhỏ xíu, chỉ biết quanh quẩn chơi đùa cả ngày trên nền đất lấm lem, chẳng đứa nào được đi học.
Sửu cũng vậy. Sửu chưa từng biết đến trường lớp, không biết đọc cũng chẳng biết viết. Những con số hiếm hoi mà Sửu học lỏm được đều nhờ việc bán mớ rau ngoài chợ hay khi chia rổ khoai luộc nóng hôi hổi mót ngoài ruộng cho lũ em trong nhà. Đôi bàn tay thô ráp của Sửu ngày ngày bám đất, nhặt từng cọng rau, củ khoai về đỡ đần bố mẹ. Người ta vẫn nói “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” là vậy. Sửu là con trâu đắc lực của bố mẹ và Sửu hạnh phúc với vai trò của mình.
Một chiều mùa hạ nắng gắt, Sửu đang giặt quần áo ngài sân thì trời nổi cơn dông. Những đám mây xám xịt từ phía đằng đông ùn ùn kéo đến. Trời bỗng chốc tối sầm. Gió bắt đầu gào rú, từng cơn mạnh mẽ quật qua cành cây, thổi bay những chiếc lá mong manh đang gắng sức bấu chặt lấy cành. Mấy đứa em sợ hãi chạy ùa vào lòng chị. Sửu vơ vội cái thau nhôm méo mó đầy quần áo và gom lũ em nheo nhóc vào góc nhà. Lát sau, những hạt mưa to bằng hạt đậu bắt đầu xối xả rơi xuống nền đất. Gió thổi mấy cánh cửa gỗ kẽo kẹt đang đập liên hồi vào bức tường sứt sẹo. Tiếng sấm rền vang từng đợt, ánh chớp lóe lên xé toạc bầu trời u ám. Mấy chị em Sửu ôm nhau co ro trong xó nhà.
Giữa tấm rèm mưa mịt mùng ấy, tiếng người hốt hoảng dồn dập từ xa chạy lại. Hai người đàn ông khiêng một cái cáng, bố Sửu nằm mê man ở trên, mẹ Sửu hớt hải chạy bên cạnh. Cái cáng lõng bõng nước, loang lổ màu đỏ của máu. Sửu chạy vội ra:
“Mẹ ơi! Bố làm sao thế?”
Chẳng ai trả lời Sửu. Mọi người vội vã đưa bố Sửu lên giường. Mắt bố nhắm nghiền, quần áo rách bươm, vết cứa sâu ở chân đang rỉ máu. Mấy đứa bé sợ hãi chạy ra khỏi giường, díu lại vào góc nhà, khóc ré lên.
Sáng nay, bố Sửu đi cày thuê bên kia sông. Dông tới đột ngột, quật ông rơi xuống cái mương người ta mới đặt bẫy chuột. Cái chân mắc kẹt cùng với cơn mưa quái ác khiến ông đuối nước. May có người chạy đồng qua bắt gặp cứu lên nhưng tình trạng của ông rất thảm: chân gãy, ông ngoi ngóp thở.
Gia cảnh nhà Sửu vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật.
Dạo nọ, một nhà giàu làng bên đánh tiếng cưới Sửu về cho con trai họ nhưng bố mẹ Sửu không đồng ý. Sửu mới mười ba tuổi. Bố mẹ muốn giữ Sửu ở nhà thêm vài năm nữa. Phần vì Sửu còn nhỏ quá, phần vì nhà cửa bộn bề, em út nheo nhóc cần bàn tay của Sửu thu vén.
Nhưng đấy là chuyện của tháng trước. Hoàn cảnh nhà Sửu bây giờ đã khác. Bố nằm bẹp trên giường không biết khi nào mới hồi phục. Tiền chạy chữa, thuốc men. Mình mẹ Sửu thân đàn bà làm gì để nuôi sáu miệng ăn. Trong cơn quẫn bách, bố mẹ không còn cách nào khác là đồng ý gả Sửu đi.
Buổi tối trước ngày Sửu đi lấy chồng, căn nhà nhỏ im lìm trong bóng tối. Mấy đứa em của Sửu đã chen chúc ngủ say, hơi thở đều đặn của chúng hòa cùng tiếng gió xào xạc ngoài hiên. Bố Sửu nằm bất động, tay vắt ngang trán, ánh mắt đượm buồn nhìn chăm chăm trên trần nhà, nỗi lo âu hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ.
Trên chiếc chõng tre quen thuộc, mẹ ngồi chải tóc cho Sửu. Vẫn là hành động mọi khi nhưng hôm nay tay mẹ run rẩy. Chiếc lược bí lướt trên mái tóc dài của Sửu. Mẹ nâng suối tóc mềm áp vào má hít hà. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, thấm vào từng sợi tóc.
“Mai con đi lấy chồng thật rồi.” Sửu nghẹn ngào.
“Mẹ xin lỗi. Nhà mình không còn cách nào nữa con ạ.” Mẹ Sửu khóc nấc lên.
“Người ta sẽ cho mình tiền để chưa bệnh cho bố chứ?”
“Ừ.” Mẹ cay đắng đáp.
“Vậy con cũng yên tâm. Biết đâu vào nhà giàu con lại chẳng được ăn no, mặc ấm, mẹ nhỉ?”
Câu hỏi của Sửu rơi tõm vào màn đêm hun hút. Chồng Sửu mới mười một tuổi. Gọi là cưới dâu chứ thực ra là mua người làm. Mẹ không dám nhìn vào mắt Sửu. Bàn tay gầy gò, đen đúa đầy vết sứt sẹo của con như cứa vào lòng bà. Ở nhà có vất vả đến mấy Sửu cũng là con gái bà, mai Sửu đi lấy chồng – thành người nhà người ta – đục trong nào ai biết. Mẹ kéo Sửu vào lòng. Nước mắt của hai người hòa vào nhau trong ánh sáng lay lắt của ngọn đèn dầu.
Mẹ quệt nước mắt rồi hít một hơi thật sâu, cố giữ cho giọng bình tĩnh:
"Con gái à, từ giờ mẹ chẳng thể chải đầu cho con được nữa. “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Phải biết cách tự chăm sóc bản thân mình, con nhé.” Mẹ đặt chiếc lược bí vào tay Sửu, đôi mắt đong đầy tình yêu thương ầng ậc nước.
***
Cuộc sống của Sửu sau khi lấy chồng luôn tất bật từ sáng sớm đến tối khuya. Nhà giàu, đông người nên công việc còn nhiều hơn khi ở với bố mẹ: hết làm ruộng, thái rau, nấu cám cho lợn lại giặt giũ quần áo, quét tước sân vườn. Sửu tháo vát nên được lòng mọi người. May cho Sửu, bố mẹ chồng cô là người tử tế. Sửu được ăn no, được ngủ trên giường ấm. Mỗi tối, Sửu đều cẩn thận lấy chiếc lược mẹ tặng ra chải tóc. Sửu mân mê chiếc lược, nước mắt lã chã rơi vì thương bố mẹ, thương các em.
“Sao ngày nào mày cũng cầm cái lược đấy thế?” Tiếng chồng Sửu thình lình vang lên.
"Đây là của mẹ tôi cho tôi.” Sửu một tay gạt nước mắt, một tay kéo chiếc lược sát vào người.
“Đưa đây tao xem.” Chồng Sửu hống hách nói.
“Cái này là của tôi.” Sửu hai tay giữ chặt chiếc lược.
Chồng Sửu nhảy vào giật. Sửu kiên quyết chống trả. Hai bên kéo qua kéo lại. Trong lúc giằng co, Sửu bị đạp lăn kềnh xuống đất, chiếc lược văng ra xa.
Cạch.
Tiếng lược gỗ đập xuống nên gạch như đâm vào tim Sửu. Cô đầu tóc bù xù lao vội ra chộp lấy nó. Hai tay cô nâng niu như thể kẻ bị đau là chiếc lược chứ không phải cô. Hai chiếc răng lược lung lay rồi rơi xuống. Sửu òa khóc nức nở.
Chồng Sửu ngồi trên giường, mặt đỏ phừng phừng, nhìn thấy Sửu khóc bỗng dưng bối rối.
“Tao... tao không cố ý. Tao chỉ muốn xem một chút chứ đâu định lấy của mày đâu.”
Sửu không nói gì, chỉ khóc. Đêm hôm ấy, cô ôm chặt chiếc lược trong lòng thổn thức.
Trưa hôm sau, khi cả nhà đang nghỉ trưa, chồng Sửu mon men ra chỗ cô.
“Cậu ra đây làm gì? Nắng rồi ốm ra.” Sửu lên tiếng đầy cảnh giác.
“Mày là con gái không ốm thì tao làm sao mà ốm được.”
Sửu lầm lũi cúi mặt nhìn xuống cây chuối mới đẵn chuẩn bị băm nấu cám cho lợn.
“Tao đã xin phép mẹ tao ngày kia cho mày về thăm bố mẹ mày rồi đấy. Mẹ bảo tí nữa gọi mày lên nói chuyện.”
Sửu ngừng tay, cô không tin vào tai mình, cô mở to đôi mắt đen láy nhìn người đang đứng trước mặt:
“Cậu nói thật đấy à?”
“Chứ gì nữa. Đền cho mày chuyện cái lược gãy hôm qua đấy.”
***
Linh sà vào lòng bà:
“Bà ơi, giờ cháu mới biết tuổi thơ của bà vất vả như vậy.”
“Bù lại, bà đã được rất nhiều người yêu thương.”
“Lúc ông làm gãy lược của bà, bà có giận ông không ạ?”
“Có chứ. Nhưng ngày hôm sau là bà hết giận rồi. Sau này cũng vậy, ông chẳng bao giờ để bà giận lâu cả.”
“Rồi bà có được về thăm các cụ không ạ?”
“Không chỉ về thăm, bà còn được mang quà về nhà nữa cơ.”
“Chắc mọi người mừng lắm bà nhỉ?”
“Ừ. Ai cũng vui. Cụ ông đã bắt đầu đi lại được rồi. Cụ bà thì cứ khóc mãi thôi.”
“Sao cụ khóc nhiều thế ạ?”
“Vì bà nói với cụ là bà đã có câu trả lời cho câu hỏi vào đêm trước khi bà đi lấy chồng rồi. Khi hạnh phúc người ta cũng khóc cháu ạ.”
“Bà ơi, từ nay cháu sẽ gọi chiếc lược của bà là chiếc lược bí răng thưa.”
Bà Sửu vuốt ve mái tóc dài của cô cháu gái trìu mến như cách mẹ bà đã làm với bà ngày xưa. Linh huơ huơ chiếc lược trên tay - chiếc lược khuyết răng nhưng đong đầy yêu thương và kỷ niệm.
Quỳnh Chi
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: CHIẾC LƯỢC BÍ RĂNG THƯA
Add new comment