MÁ THẰNG NAM

Sáng tác: Bánh Bao Xíu Mại - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Truyennganhaytaydan2023

***

Tiếng động cơ ồn ã từ xuồng cậu Tư vẫn còn văng vẳng vọng về dưới ánh chiều chập choạng. Thằng Nam thẫn thờ trên cái võng mắc trong nhà bè, đưa mắt dõi theo con xuồng của cậu mình. Tiếng dép má nó loẹt xoẹt vang từ hông chòi lá, nhưng nó không còn bận tâm được chi nữa. Giọng cậu Tư vẫn đang ám lấy nó.

Tía mầy mất. Má mầy nuôi mầy, có việc ăn việc học mà mầy cũng làm hổng xong. Mầy làm thế không thấy có lỗi với má mầy hả? Hay rồi, giờ mầy trượt, chỉ có nước ăn cám.”

Thằng Nam nhớ lại lời cậu, thở dài thườn thượt.

Hổm rày, nó mới trượt cấp ba.

***

Thằng Nam buồn. Má thằng Nam cũng buồn.

Thực ra, thằng nhỏ biết mình trượt từ hôm thi xong. Suốt từ bữa đó, lúc nào nó cũng lẩm nhẩm xin tía nó ở trên trời, phù hộ cho nó, chỉ cần sát điểm thôi cũng được, đỗ bừa vào trường nào đấy thôi cũng được.

Thế mà… Chẳng có phép màu nào xảy ra cả. Tía đã không giúp nó.

Mà trách ai bây giờ? Nó có học hành gì đâu, cậu Tư mắng cũng chẳng sai câu nào.

Cái thứ âm binh. Nhỏ thì quấy làng quấy xóm, lớn thì làm khổ má mầy. Chẳng hiểu chị Hai có tội tình gì mà rước phải cái nhà này.”

Từ trước tới nay, chẳng bao giờ người ta thấy thằng Nam chịu khó học hành. Tối ngày, thấy má nó la nó chỉ biết gây sự, phá làng phá xóm. Ai biết đâu, nếu không phải tụi thằng Khoa nhạo nó là thằng không cha, thì nó đâu có tính gây gổ với lũ đó?

Rồi gần thi cấp ba, thằng Nam chịu nghe lời má, cố gắng học hành chăm chỉ. Nhưng chữ nghĩa cứ vô đầu lại rơi rớt hết cả, điểm số của nó bao giờ cũng xếp cuối lớp. Lâu dần, cô giáo sinh ác cảm với thằng Nam. Cứ đi họp phụ huynh, cô lại ý tứ bóng gió, réo tên má nó trước mặt tía má người ta. Riết nó đâm ra ghét cô lúc nào không hay, toàn cúp tiết, trốn học lêu lổng.

Giờ thì hậu quả là nó trượt. Thằng Nam lại thở dài trông ra mặt sông tối om.

Từ bữa tới giờ, nó với má chẳng ai nói với ai câu nào. Cả ăn cơm, nó cũng không ăn cùng má. Nãy má biểu nó vô dọn chén ăn tối. Nó dọn xong, vô tình chạm mắt má, suýt thì khóc. Thằng Nam vội vàng bảo má ăn trước, chốc nữa nó ăn sau rồi nó dọn. Nói xong, nó nhanh nhanh chóng chóng đứng dậy. Thằng nhỏ chạy ù ra ngoài bờ kè từ chiều tới lúc khuya, muỗi cắn đầy chân, bụng dạ réo ùng ục, vẫn chưa chịu về.

Cũng tại, thằng Nam đâu muốn khóc trước mặt má nó.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

***

Sớm.

Nắng lên cao quá đầu, đổ bóng hàng dừa nước phản chiếu xuống mặt sông.

Gâu! Gâu! Gâu!”

Tiếng chó sủa khiến thằng Nam đang say giấc trên cái phản trong chòi lá, mơ màng tỉnh dậy. Nhưng vừa mở mắt, nó đã ngẩn ra. Hết nhìn con chó xa lạ trong cái làn tre của má, thằng nhỏ lại nhìn má thắc mắc. Má nó đặt cái làn xuống dưới sàn, rồi vội vàng bước xuống thang.

Chó nhà nào đi lạc.Thấy tội tội nên tao dắt về.” Giọng má lạnh tanh, chẳng có chút âm sắc nào.

Thằng Nam ngơ ngẩn nhìn con vật trước mặt. Từ nãy tới giờ, con chó cỏ vẫn ngồi im trong cái làn của má, nó chăm chăm nhìn thằng Nam không dứt. Chiếc mõm dài của nó hếch lên, hửi hửi xung quanh tò mò. Tâm trạng thằng Nam vui vẻ lên một chốc, nó xỏ dép bước xuống dưới giường tiến về phía làn tre.

Grừ…“ Con chó lập tức nhe răng về phía thằng Nam.

À… Dữ dằn quá ta?

Nó bất ngờ, cười lớn rồi dừng lại, ngồi xổm xuống.

Má tao đưa mày về đó. Tao là con bả, nghe hông? Tao cũng là chủ mày đó. Liệu hồn nha, láo nháo tao uýnh mày đó nghe.”

Như nghe hiểu những gì thằng Nam nói, con chó sủa “gâu” một tiếng, rồi lại nhe răng phản đối.

Trêu nó, nó lại cắn cho.”

Tiếng cái thang dựng tạm kêu cọt kẹt theo bước chân má. Má lúc này đã quay trở lại trên chòi, xách một cái làn nhựa khác. Thằng Nam liếc thấy má, nó im hẳn, đầu cúi xuống đất.

Má cũng không ừ hử gì hơn, lấy cái nón lá đội đầu, rồi lại quay xuống nhà. Thằng Nam nhìn theo bóng má, rồi lại chăm chú nhìn con chó trước mặt.

Đột nhiên trong lòng thằng nhỏ dậy lên một cảm giác lo sợ.

Nhà nó nuôi hai miệng ăn đã khó, nói gì tới… Mà, má có bao giờ thích chó. Từ bé đến lớn nó đã xin nuôi chẳng phải một, hai lần, có bao giờ má đồng ý đâu?

Sao hôm nay…?

***

Cậu Tư! Cậu Tư! Lại biểu coi.”

“Chi vậy chị Hai?”

Có cái này hay lắm nè. Lẹ lẹ coi. Nè, con chó tui mới dắt về đó.”

Chèn đét ơi! Chị Hai mua hồi nào mà lẹ dữ vậy? Chị Hai đặt tên chưa? Úi cha.” Cậu Tư vừa cười vừa ngồi xuống, ôm con chó đang dính chặt bên bắp chân. “Quấn người thiệt đó.”

“Mới nhặt về sáng nay à. Tui cho nó mỗi miếng khoai, nó cứ đi theo vầy đó. Tui tính kêu là Mật.”

Thằng Nam trốn ra ngoài bờ đất, dòng tai nghe lỏm cuộc nói chuyện của má với cậu Tư. Chưa bao giờ nó thấy cậu Tư cười nói dễ chịu như thế với nó cả. Thằng Nam hằn học nhìn con chó nhảy chồm chồm trên chân cậu. Con Mật kể cũng khôn lắm, rõ là trưa nay, nó hằm hè suốt với thằng Nam, thế mà giờ đã vẫy tít đuôi lấy lòng cậu Tư. Thằng Nam trề môi, mất hứng ném một viên đá xuống dưới lòng sông.

Nam!

Má đột nhiên gọi nó từ trên chòi. Thằng Nam giật nảy mình, dạ ran một tiếng.

Trông nhà nghe, tao với cậu Tư đem con Mật đi tiêm phòng.”

Lại còn đem con Mật đi tiêm phòng nữa chứ. Má giàu từ lúc nào mà thằng Nam hổng biết đó.

Đấy! Nuôi con chó còn hơn con người.

Giọng cậu Tư móc mỉa, cố ý nói to để thằng Nam nghe thấy. Thằng Nam tức mà chẳng làm được gì. Hốc mắt nó chốc lại nóng bừng. Nó bứt bừa một cây lau sậy, nghiến răng, tuốt hết sợi lau, rồi vứt xuống sông.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: internet

***

Mấy ngày sau đó, con Mật ngày càng dính má. Chiều nào má cũng ngồi ăn với nó, chẳng mấy chốc con Mật béo húp béo híp. Có mấy bận, má còn quên mất, không gọi thằng Nam lên dọn cơm. Thằng nhỏ thì cứ lủi thủi trốn ngoài bờ kè suốt, mãi tới khuya mới chịu trèo về. Nhưng nào có yên, con Mật thấy động, sủa banh chành nhà, má tưởng trộm, bật dậy giữa đêm. Thằng Nam bị má rầy cho mấy bận.

Thế là thằng Nam thù con Mật ghê gớm lắm. Cứ khi nào nghía không thấy má nó, nó lại đạp con Mật một cái, cho con Mật sủa om sòm.

Nhưng con Mật cũng khôn. Nó biết thằng Nam không dám làm gì nó trước mặt má, nên bám dính má thằng Nam. Rồi ỷ có má, con Mật bày trò trêu tức thằng nhỏ. Thằng Nam ức lắm mà chưa nghĩ ra kế gì trả thù.

***

Tao ra chợ, bây ở nhà nhớ cho con Mật ăn nghe không?”

Thằng Nam nghe má nói, gật lấy gật để. Ít khi nào má thấy nó lại hăng hái, nhanh nhẹn nghe lời má tới thế.

Bóng má vừa khuất, thằng Nam đã dí con chó, nheo mắt vừa nói.

Phen này mầy chết nha Mật. Má tao đi rồi, xem ai ra mặt cho mày.”

***

Ủa? Xe thằng Tư mà ta? Sao nay nó lại chạy qua nhà mình thế nhỉ?”

Chiều tối má mới về tới nhà. Trong cái làn nhựa, là nửa con gà, với ít thịt bò. Dạo này thằng Nam biếng ăn, má lo nó buồn vụ thi cử, may nay má xông xênh, nên mới mua được đồ ăn ngon. Thế nào mà vừa tới trước nhà bè, má đã nghe giọng cậu Tư.

À, chị Hai đây rồi. Chị ra coi thằng con chị nè.”

Má vội vàng chạy lên trên nhà.

Nó bỏ bả con Mật đó chị.”

Cậu Tư vẫn huyên thuyên mà má không nghe nổi lời nào vào tai nữa. Má nhìn thằng Nam. Nó đứng im, dựa sát vào cái cột, chẳng nói chẳng rằng. Rồi má không đả động gì tới thằng Nam nữa, má ôm con chó đang ngáp ngáp nằm trên mặt sàn, chạy ra xe đi cùng cậu Tư.

Tiếng bô xe bình bịch một hồi, rồi dần im ắng hẳn.

Thiết kế: AT_HN - Ảnh: Sưu tầm
    📸Thiết kế: AT_HN - Ảnh: internet

***

Má đi miết, tận khuya má mới về.

Lúc má thằng Nam về, mâm cơm đã bày sẵn. Thằng nhỏ thì ngồi thu lu trong cái chòi lá. Nhìn nó, má bực cũng không biết nên bực thế nào. Hẳn cậu Tư lúc sang cũng đã nạt nó một trận rồi. Nhưng, nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ tới con mình dám bỏ bả để giết một con chó, nghĩ tới khoản tiền rửa ruột cho con Mật, má nghĩ mà má ức. Má trào nước mắt mà hỏi thằng Nam.

Nó làm gì mầy mà mầy ác với nó thế hả Nam? Tao dạy mầy thế hả?”

Má thật muốn bổ cái óc thằng con mình ra, xem nó nghĩ cái gì. Mặt thằng con má vẫn lầm lì. Nó cúi gằm, không dám ngước nhìn má một lần nào. Má cũng thương nó lắm chứ bộ. Tía nó mất, nó chịu thiệt thòi bao nhiêu, má cũng ráng cho nó bằng người đấy chứ. Mà sao… Rồi má nghĩ gì, má quệt tay, lau hết nước mắt trên mặt.

Tao chịu mày hết nổi rồi. Mày không đi học gì nữa, mốt xuống nhà cậu Tư học việc, xuống cho thằng Tư nó dạy. Tao là tao chịu, tao không nói được mày nữa rồi.”

Một khoảng im lặng dài. Má nói thế, thằng Nam cũng chẳng đáp trả nửa lời, nhưng mà má nghe thấy tiếng thút thít. Tay thằng nhỏ cũng nắm chặt thành nắm đấm.

Tao làm gì mà mầy khóc? Mầy thi trượt cả tháng nay, tao cũng có mắng mỏ gì mày đâu. Giờ có con chó tao nuôi mày cũng tính giết nó chết. Mầy thấy tao chưa đủ khổ hả Nam? Hả? Mầy trả lời tao xem nào?”

“Má…”

Thằng Nam mở miệng. Nhưng lúc này, họng nó đã nghẹt cả. Giọng nó run rẩy, đứt quãng. Nó nghiến răng, cố kìm cơn nấc.

Má có cần con…” Lúc này thằng nhỏ đã khóc òa lên. Chữ nào chữ nấy dính liền lấy nhau. “Má có cần con nữa không má? Con có là con má nữa không má?”

Thằng Nam khóc như đứt ruột. Nước mắt nước mũi tèm nhèm cả. Má thằng Nam đứng sững sờ. Thằng con má khóc tới đỏ bừng cả mặt, gân trán, gân cổ nổi hết cả lên. Từ lúc tía nó mất, má đánh nó, la rầy nó thế nào, nó cũng chưa bao giờ khóc trước mặt má. Thế mà…

Mầy…” Má lắp bắp. “Mầy nghĩ cái gì không vầy đó.”

Má vừa thương vừa giận. Không biết thằng nhỏ nghĩ quẩn cái gì không biết. Má cứ đứng đực ra, tay chân luống cuống chẳng biết làm gì hồi lâu. Còn thằng Nam dường như chẳng nghe lọt được lời má. Nó cứ rấm rứt, úp mặt vào đầu gối mà khóc.

Một lúc lâu sau, má nhìn thằng con mình khóc nức nở, thở dài bất lực. Rồi má lại gần nó, tay má vỗ lên vai nó, xoa lưng cho nó nguôi cơn.

Tao không có bảo tao bỏ mầy. Mầy thi trượt, tao hổng nói, nhưng vụ con chó, mầy làm vầy là hổng có được.”

Tiếng khóc thằng Nam đã nhỏ lại, chỉ còn tiếng nấc rưng rức.

Mốt mày đi học việc, kiếm cái nghề mần ăn. Tao chẳng mong bây cao sang gì, chỉ mong bây sống ra cái mặt người thôi.”

Má ôm lấy thằng Nam. Vòng tay má ấm nóng, mềm mại, thằng Nam vẫn chẳng dám nhìn má, nó úp mặt vào đầu gối, òa khóc nức nở.

Trời ban đêm im lìm, tiếng khóc của nó lẫn trong âm vọng của tiếng sóng mênh mang, rì rào vỗ vào bờ đất.

   Bánh Bao Xíu Mại

👉Link bài viết trên Group Tay Đan: MÁ THẰNG NAM

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.