MỘT MẢNH ĐỜI, NHIỀU CÂU CHUYỆN

Sáng Tác: Trà Mây - Những Ngón Tay Đan

Đồng hồ điểm đúng tám giờ sáng, tôi vừa cầm chiếc bánh mì vừa chạy thật nhanh cho kịp chuyến xe bus số 31. Hà Nội mùa này vào đông rồi đấy, từng cơn gió bấc càng lúc càng thổi mạnh hơn, tôi đưa tay khoác chiếc áo gió rồi đứng nhai từng miếng bánh mì và cố nhuốt xuống cổ họng. 

Sau những ngày dài chờ đợi thì cuối cùng tôi cũng chờ được đến ngày về quê thăm gia đình. Có gì đó trong tôi, tựa như cái cảm giác háo hức và mong chờ đang thi nhau hòa tấu trong lồng ngực. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì mình lại sắp được trở về quê nhà, nơi yên bình đầm ấm sau những ngày tháng chen chúc tại nơi phố thị ồn ào này. Tạm bỏ xuống mọi lo nghĩ phiền toái làm tôi đau đầu. Tôi đứng đó và thầm hát một bản nhạc tình ca say đắm chẳng rõ lời, lòng bồi hồi như mở cờ, mở hội.

Vài phút sau, xe bus cũng tới, tôi bước lên, chọn cho mình một chỗ ngồi ở cuối xe cạnh cửa kính, rồi tiếp tục nhìn ngắm cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài. Từng quán hàng ăn đang mở chen chúc đầy khách, từng tán cây đang chuẩn bị rụng lá, từng nhịp sống hối hả vẫn tiếp diễn như bao ngày khác. Từng gánh hoa cúc họa mi dọc khắp các nẻo đường, kéo đông về gần hơn. Tôi đăm chiêu lặng nhìn những thước phim của cuộc sống và suy nghĩ về những điều vẩn vơ chẳng rõ từ đâu ra. “Ở một nơi tấp nập và đông người như thế này, mà sao lòng người lại cảm thấy cô đơn đến lạ nhỉ?”, tôi thầm nghĩ.

Xe đi mất một tiếng mới đến điểm tôi cần xuống, nhưng vì sợ lỡ mất chuyến xe khách về quê, tôi đành bắt xe ôm để đến bến. Từ xa xa, có một người đàn ông mặc áo xanh grab chạy lại hỏi tôi, chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều, tôi nói điểm đến và lên xe của anh ta ngay lập tức. Đi được một đoạn đường, anh hỏi tôi:
- Chú em định bắt xe về đâu thế?
- Dạ em về Hải Dương ạ.
- Anh mày cũng chở nhiều người về đó lắm đấy!

Tôi vốn là người trầm tính nên không muốn nói thêm gì nhiều, vả lại nhìn người này có vẻ cũng có gì đó khiến tôi cảm thấy không mấy thiện cảm nên tôi cũng đành ậm ừ vài câu cho qua. Thấy tôi không nói gì thêm, anh kể tiếp:
- Nghĩ ra thì giới trẻ chúng mày càng ngày càng sướng nhỉ, được ăn học đàng hoàng, chứ đời anh mày thì có nhiều cái khổ lắm.
Nghe anh kể, tôi cũng khá tò mò nên cũng gặng hỏi thêm, ngập ngừng một lát, anh nói:
- Anh là người miền trong, tao mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà nội nuôi tao khôn lớn ấy chứ, nhưng đến lúc tao lên mười hai thì bà cũng ra đi, tao cũng nghỉ học từ đó luôn. Ngày qua ngày, tao đi bán vé số nhưng nghe người xung quanh họ nói ra Hà Nội làm ăn được nhiều tiền hơn nên tao ra ngoài này làm việc. Ấy thế mà ra rồi mới biết, không nhà, không cửa, không người thân, anh mày cũng chật vật làm hết việc này đến việc khác để kiếm sống, không nghề nào là không làm cả. Thế mà, có lúc vẫn phải nhịn đói mấy ngày, vẫn phải nằm còng queo dưới gầm cầu trong những đêm dài giá rét. Lúc đó, chú mày biết anh nghĩ gì không? Anh thấy sao cái đời này bất công quá, tao thấy tao sao tao lại khổ đến thế chứ…

Tôi im lặng không nói gì và lắng nghe anh kể tiếp:
- Nhiều đêm nằm ngủ dưới chân cầu Vĩnh Tuy, tao cứ tự hỏi chính mình, tại sao tao chỉ mong muốn có một gia đình đầy đủ bố và mẹ mà ông trời cũng không cho.

Anh bỗng ngập ngừng giây lát, có lẽ anh đang xúc động khi nhìn lại quá khứ của anh, một quá khứ chả mấy êm đềm như những người khác. 
- Lắm lúc cũng tủi thân lắm chú em ạ, anh mày cũng muốn được sống trong vòng tay che chở một lần, được cất tiếng gọi ba má một lần thôi, được họ nhìn âu yếm rồi ôm ấp và mỉm cười. Ấy thế mà ông trời cứ trêu ngươi con người ta, như vậy đấy.

Tim tôi chợt thắt lại nghẹn ngào. Không ngờ một mong muốn tưởng chừng như đơn giản với tôi nhưng lại là xa xỉ với anh. Đã có đôi lần, tôi từng cảm thấy áp lực và không còn tiếng nói chung với bố mẹ của mình, rồi trong một lần cãi vã, tôi đã khoác ba lô rời nhà ngay lúc ấy. Lòng còn thầm hờn trách và giận dỗi những điều bố mẹ vừa làm cho tôi. Với tôi có thể là chán ghét, nhưng có lẽ với anh lại là điều không bao giờ có được.
- Cuộc sống mưu sinh khó khăn lắm chú em ạ. Nhiều ngày còn chả có khách nào để chở. Cách đây không lâu, độ cũng dăm ba ngày rồi, anh mày còn đánh nhau với một thằng khác vì nó dám chen vào tranh khách của anh.
- Sau đó anh giải quyết thế nào ạ? Tôi tò mò gặng hỏi
- Tao lao vào đánh nó túi bụi chứ sao nữa… Nhưng nó cũng chẳng vừa, nó cũng xông vào đánh lại tao.

Tôi nghe mà cứ ngỡ là chuyện bi hài, nhưng mặt anh sưng lên bầm tím một bên má là có thật. Sau đó, giọng anh trùng xuống:
- Mấy ngày sau đó, nó đều đi tranh khách với tao, nhưng anh mày không thèm đánh nó nữa… Sau khi tao biết nó còn mẹ già đau ốm và một đứa em đang bị ung thư máu đang nằm điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Haiz… Nghĩ đi nghĩ lại thì nó còn khổ hơn tao, vì tao chỉ có một mình, còn nó có biết bao gánh nặng đang đè trên vai.
- Vậy sau đó, anh làm gì với anh ấy?
- Tao để kệ nó thôi, nghĩ lại cũng tội cho nó lắm mày à. Thi thoảng, tao lại mua hai chiếc bánh mì rồi đem cho nó một cái. Nó cũng hiểu ra điều gì đó nên xịn lỗi tao rồi tao cũng cho qua luôn, chả nghĩ gì đến nữa. Lúc trước, anh cứ nghĩ cuộc đời anh mày đã đủ khổ rồi, nhưng xem ra vẫn còn nhiều mảnh đời khổ hơn chú em à. Nên chú em còn ba má là hạnh phúc hơn nhiều người rồi đó. Biết trân trọng điều đó nghen.

Tôi ngậm ngùi khi lắng nghe những câu chuyện đời từ anh – một gã xe ôm ngày ngày làm thân với những con đường. Hồi trước, tôi cứ mải mê kiếm tìm nhiều thứ xa vời lắm, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình thật may mắn vì tôi có nhiều thứ quý giá mà người khác ngày đêm mơ ước cũng không thể có được.

Chở tôi đến bến xe, tôi nhanh chân chạy lên chiếc xe khách, còn anh thì quay xe rồi nói vọng lại:
- Nhớ yêu thương ba má nhiều hơn nghe, chú em!

Tôi quay lại nhìn anh mỉm cười, ngày hôm nay tôi đã gặp được một người thầy và những bài học quý giá. Ngồi trên xe và nhìn mọi thứ bên ngoài qua khung kính, tôi nghĩ về những điều anh vừa kể và chìm vào một giấc ngủ ngon lành.

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.