MS 124 - BÊN CẠNH TÔI LÀ HẠNH PHÚC

Tác giả: Đặng Thu Thủy - Viết Để Chữa Lành
📸: Sưu tầm

#NNTD_Soundio_Chualanh

Thể loại: Truyện ngắn

Chủ đề: Lặng Yên Lắng Nghe

Tên bài viết: Bên cạnh tôi là hạnh phúc.

Tác giả: Đặng Thu Thủy

 

Ý tưởng và tóm tắt: câu chuyện bắt đầu từ một giấc mơ của tôi, nơi ấy là một bãi cỏ trải dài vô tận mà không còn bất kì thứ gì cả. Không gió, không ánh nắng, và cũng chẳng có âm thanh. Nhưng tôi lại nhìn thấy một đàn chim bay lượn quấn quít bên nhau, chim lớn đỡ chim nhỏ, và rồi chim nhỏ mất thân bằng mà lao xuống đám cỏ ấy. Giấc mơ diễn ra tầm thường đến mức chẳng ai quan tâm, nhưng trong một lát, tôi đã nhớ đến gia đình mình.

 

"Lặng yên lắng nghe" cũng có câu chuyện về gia đình của nó. Kể về "tôi", một thằng nhóc thiếu thốn tình thương đi tìm kiếm thứ hạnh phúc viễn vông nơi xa xôi khó thấy. Và cũng là hành trình để "tôi" nhận ra hạnh phúc chỉ ở ngay đây, trong lòng tay này.

_____________

 

Bài thi: 

 

Tôi nghe thấy tiếng suối chảy róc rách, nghe tiếng mưa rơi bên hiên nhà, tiếng dế kêu vang trong đêm tối. Và cả giọng nói của con bé hàng xóm gọi tên tôi.

Tôi không có cha mẹ, họ mất sớm, có lẽ là mất trước khi tôi biết đi, tôi đoán thế. Vì ông bà chẳng bao giờ nói về chuyện xưa của họ với tôi. Chắc là họ sợ tôi buồn hay đại loại là thứ gì tương tự thế, nhưng mà làm sao mà tôi có thể buồn được? Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ được thấy bức ảnh nào của họ trong nhà, ngoại hình cha mẹ ra sao, tên tuổi thế nào đều mù căm mù tịt. Chẳng hề có lấy một bằng chứng chứng minh họ là cha mẹ tôi hay tôi là con của họ, như thế thì tôi buồn kiểu gì được?

Lâu lâu tôi cũng lại to gan lớn mật vặt lại ông bà tôi, hỏi thử xem tôi rốt cuộc có cha mẹ hay không hay chỉ là do hai người họ bịa ra thôi. Cứ tưởng bà sẽ như mọi hôm mà cầm cây roi mây đuổi đánh tôi một vòng, nào ngờ hôm ấy bà lạ quá. Bà không tức giận cũng không cầm roi lên, chỉ im lặng ngồi ở đó ừ hử không đáp, tôi có lay có nói thế nào bà cũng chẳng buồn đáp lời. Sau này lớn lên thì tôi mới biết, khi ấy bà đang khóc.

Bà ngày thường nghiêm khắc đến đáng sợ, đám con nít xung quanh mấy dặm nghe tên bà thôi cũng đã sợ co giò mà bỏ chạy té khói. Vậy mà tôi lại có thể dùng một câu nói làm bà rơi nước mắt. Cũng có chút hoảng, làm người thân của mình đau khổ chắn chắn sẽ bị thiên lôi trừng phạt. Tôi thì chả muốn bị sét đánh chút nào, vậy nên kể từ đó trở đi không còn nhắc việc này trước mặt bà nữa.

Nhưng thi thoảng tôi vẫn sẽ cáu gắt chất vấn ông, tôi biết lúc ấy là tôi đang giận cá chém thớt. Nhưng mà biết làm sao được, chỗ chúng tôi nhỏ có chút xíu. Việc tôi không cha không mẹ có thằng nào không biết đâu, và thỉnh thoảng khi buồn chán chúng nó lại đem gia đình tôi ra làm trò đùa để bàn tán giết thời gian.

Mỗi lúc như thế tôi lại rơm rớm nước mắt trực trào khóc, nhưng cũng lại rất nhanh chóng kìm lại mà đánh nhau với tụi nó một trận. Rồi lại vác cái thân đầy vết cào cùng với đôi mắt đỏ hoe đó đi gặp ông.

Mà tôi khóc cũng chẳng phải vì tôi buồn hay tủi gì cả, chỉ là tôi tức giận. Tức giận vì tụi nó chẳng hiểu cái gì mà lại đi bàn tán về tôi, và tôi đánh tụi nó để xả cái cơn giận đó.

Từ nhỏ thể chất của tôi không được tốt lắm, mấy thằng khác bảy tám tuổi đã bắt đầu phụ bố mẹ nó ra ruộng chăn trâu hay cấy lúa gieo mạ. Ngay cả tụi con gái tuổi đó cũng đã biết đường đi vào rừng hái quả dại, thì tôi - một thằng ranh đã đạt đến ngưỡng mười hai vẫn chỉ có thể ở nhà quét tước nấu cơm. Đi một đoạn đường từ đây đến chợ thôi cũng đã là cực hình với tôi, chứ đừng ở đó mà nói đến việc cầm cuốc lên xới đất.

May mà ông tôi vốn hiền lành có tiếng từ xưa giờ, trái ngược hoàn toàn với vợ ông, vậy nên ông rất hay được thanh niên trai tráng trong làng phụ giúp việc đồng áng củi lửa, nếu không thì tôi còn chẳng có củi mà nấu cơm đấy chứ.

Và thế là mấy thằng ranh con đó lại bắt đầu chờ lúc ông bà tôi đi thu hoạch lạc mà bắt đầu sàng sàng đến nhà tôi, dùng cái giọng điệu non nớt của chúng nó khịa tôi mấy câu.

"Eo ôi cái thằng ốm yếu này. Heo ít ra còn có ích hơn mày ấy nhỉ? Nuôi heo thì vẫn có thể đem bán nó lấy tiền, chứ bán mày thì có mà ai mua chứ hahaha!"

Tôi mặc kệ lời mấy thằng đó và cũng chẳng hơi đâu mà quan tâm chúng nó nghĩ gì. Mọi sức lực nhỏ nhoi còn sót lại đã trút hết lên người Cỏ Mây - một con heo da hồng nhạt với thân hình mập mạp quá cỡ của nó.

Tay trái tôi cầm lấy cái giẻ rách ngả ố vàng, tay còn lại đỡ lấy ca nước ấm tạt lên người nó. Tận lực tắm rửa sạch sẽ cho Cỏ Mây.

Nhà tôi chỉ nuôi duy nhất một con heo, đã thế còn không phải là heo cái để còn sinh đẻ đời sau. Ông cưng nó lắm, Cỏ Mây ở trong nhà tôi không cần phải lo lắng ăn ngày này bị m.ổ thị.t ngày hôm sau, cũng chả phải mệt mỏi đẻ ra một đàn con để rồi đem đi bán. Vẫn là lại cái lí do ấy thôi, ông tôi cưng nó.

Ngoại trừ tôi ra, Cỏ Mây là đứa con cháu thứ hai của ông.

Mà tính ra thì thân phận của tôi còn có chút thấp kém hơn nó, ngữ là Cỏ Mây ấy là con trai ông, còn tôi chỉ hạng cháu chắt. Đêm nào mà ông chẳng đem nó ra hiên nhà ngồi tắm trăng, thủ thỉ nói chuyện "con ơi con à". Và cả việc ông học thuộc kinh Phật để ngâm cho nó nghe, mong muốn Cỏ Mây khiếp sau có thể làm một con vật gì đó tốt hơn heo một chút.

Nếu so sánh như thế, thì chả phải tôi phải xuống cấp đến mức gọi một con heo là "ba" hay sao? Đương nhiên là tôi không hèn mọn và rãnh rỗi đến mức làm ra cái chuyện đó rồi.

Nếu như nó có thể bảo vệ tôi như những người cha khác, tôi nguyện ý gọi như thế.

Trong đám con nít trong thôn, còn có một đứa con gái bằng tuổi tôi. Da dẻ nó đen nhẻm, tóc tai thì lộn xộn cái chỉa cái thẳng được tóc thành hai cái bím vắt vẻo trên vai. Tính tình nó khá là sỗ sàng,hai mắt thì xếch lên nom hung dữ lắm. Được mỗi cái bím tóc ấy níu kéo lại chút nữ tính còn sót lại cuối cùng trên người nó, thành ra con nhỏ ấy quý bím tóc đó lắm.

Nó còn là một trong số bé xíu người dám sẵn sàng bước ra vật nhau với lũ trẻ ranh kia vì tôi. Lí do sâu xa cũng không có gì nhiều, kể thì cũng chỉ mất đôi ba câu thuật lại cái nguyên nhân đau khổ ấy của nó. Gia cảnh nhà nó thuộc hàng khá giả trong thôn, lâu lâu dăm ba bữa nó sẽ được má nó cho chút đồng bạc lẻ mua hai ba que kem chạy đến nhà tôi. Lâu dần cái nhà hai bên quen biết nhau, thế là ba má nó mỗi bữa cơm sẽ bắt đầu ca về bài ca "khi xưa tao khổ lắm" và tiết mục đặc sắc nhất chính là, "thằng bé nhà kế bên tội nghiệp lắm". Nghe hoài chắc gây ra sang chấn tâm lí gì đó, nên sau này có thằng nào lò mò đến mắng tôi là đồ con hoang, thì y như rằng giây sau sẽ thấy nó xuất hiện lù lù trước mặt.

"Vũ khí" yêu thích của con bé là cành lá cây của cây đu đủ, tôi không biết gọi như thế có đúng hay không. Nhưng tôi thích gọi nó là "cọng đu đủ" cho nhanh, vì nó mường mượng dễ hiểu lắm.

Lần này cũng thế, tụi nhóc ngoài kia chưa kịp hú hét mắng tôi thêm câu nào đã bị con nhỏ xông tới cào nhau. Nó vứt cọng đu đủ sang một bên, xắn tay áo lên mà cào cấu đám trai đó. Kết quả khỏi nói phải biết, trăm trận trăm thắng, đời nào mà nó thua cho được?

Tôi dội lại một lần nước lên người Cỏ Mây, con heo ấy cũng biết đường mà lắc đầu vài ba cái. Chập chững mấy bước về lại ổ của mình nằm.

Ăn uống có người cơm bưng nước rót tận nơi, tắm cũng tuần tắm một lần, thử hỏi thế gian này còn con heo nào sướng hơn nó không mà ông cứ hát kinh Phật cho nó nghe đây?

Đến lúc tôi vắt cái giẻ lên cột nhà mà ngó ra ngoài nhìn xem, đã thấy con bé đó ưỡng ngực ngẩn cao đầu, trên tay cầm không rời cái cọng đu đủ. Còn mấy đứa còn lại chắc mẩm là đã chạy xong từ đời nào rồi.

Nhưng tôi chẳng vì điều đó mà cảm kích con bé ấy chút nào, tôi căn bản ngay từ đầu không cần nó giúp, chỉ là mấy lời nói cười nhạo tôi mà thôi, tôi không tin tụi nó còn có thể làm ra loại chuyện gì quá đáng hơn.

Cũng chỉ là bị cười nhạo là đồ không cha không mẹ mà thôi, chuyện đau khổ gì tôi cũng đã trải qua, sớm đã thành một thói quen rồi.

Mặc kệ con bé ấy đứng trong sân vườn kiêu ngạo nhìn chờ tôi cảm kích nó, tôi đóng sầm cửa lại. Bỏ mặc nó ở ngoài ấy với khuôn mặt ngơ ngác không rõ.

Tôi chầm chậm đong từng lon gạo trong cái thúng ra xoong, gạo đã sớm cạn đến lộ rõ đáy. Chỉ còn lại chưa đầy một lon gạo, từng ấy cơm một mình tôi ăn còn chưa đủ, nói gì tới ông bà còn ăn. Hết cách, tôi chỉ có thể đi vào phòng bà, cầm cái gối đầu giường giơ lên. Nhưng phía chỉ chỉ còn lại một cắc lẻ không đủ để mua thêm lon gạo nào. Tôi thở dài thường thượt đặt gối ngay lại vị trí cũ, lấy khoai treo trên xà nhà đem luộc chung với gạo.

Vừa làm, tôi vừa lẩm nhẩm đếm từ một tới năm, vừa dứt số, tiếng khóc của con bé ấy liền vang lên hết sức rõ ràng từ đầu ngõ đến cuối ngỏ. Tôi bày ra bộ mặt sớm đã quen, tiếp tục đếm nhẩm từ một tới bảy rồi từ bảy về một. Đếm xong hai lần, tiếng khóc của nhỏ tắt dần, thay vào đó là tiếng la rầy của má nó đến xách cổ nó về.

Tôi im lặng nhìn chằm chằm vào bếp lửa lên được chút khói, chờ một hồi sau, khi tiếng la mắng ấy theo bước chân mà nhỏ dần nhỏ dần. Tôi mới he hé cửa thò một đầu ra ngoài, nhìn theo bóng dáng hai mẹ con họ rời đi.

Cha mẹ là vậy đấy, con cái làm sai làm phiền một chút liền xách tai con lên mắng. Tôi hướng đôi mắt ngưỡng mộ lên nhìn con bé, phải chi cũng có ai đó mắng tôi thì hay biết mấy?

Tôi năm nay mười hai tuổi, chỉ biết đếm từ một đến bảy rồi lại từ bảy xuống một.

Tôi muốn đi học...

... nhưng đến cái ăn tôi còn thiếu.

Chờ đợi ông bà về, tôi đã ăn dặm trước một củ khoai lang. Lúc xới cơm thì tôi tự xới cho mình một chén vung đầy lắm, nhưng ỷ mắt ông bà kém rồi, nhân lúc hai người họ không để ý mà tôi lại đổ cơm trong chén vào hết lại nồi. Chỉ chừa lại một nhúm cơm bé xíu rồi lại giả đò vui vẻ ăn no nê.

Hành động thường ngày lặp đi lặp lại đều đặn quen thuộc mà buồn chán. Không khí buổi chiều muộn nông thôn sao mà thê lương, tôi cầm lấy bát đũa ngồi trên ghế tre. Thẩn thờ mà nhìn ra bầu trời rộng lớn ngoài kia.

Màu đỏ hồng đã dần thay thế cho xanh thẳm ban trưa, màu cam sắc nhạt nhòa chiếu xuống bao phủ lấy gương mặt tôi, tôi cúi xuống nhìn cái bàn bị hoàng hôn nhuộm đến đỏ. Lại nhìn ông bà vẫn ngồi im lặng nơi ấy im lìm ăn cơm.

Chẳng ai nói với ai câu nào.

Sáu giờ tối, trăng đã lên. Ông lại như thủ tục ban ngày ra ngoài hiên ngắm trăng, miệng mấp máy mấy câu kinh mà tôi không hiểu. Bên cạnh là Cỏ Mây lim dim nhắm nghiền đôi mắt.

Bà rót cho ông một cốc nước lạnh, và rồi lại chăm chú ngồi bên ngọn đèn mà khó khăn xuyên sợi chỉ qua đầu kim. Tiếng nhái kêu râm rang và lời kinh trộn lẫn vào nhau thành một loại âm thanh xưa cũ khó nghe rõ. Tôi nhìn bà, người bà đã già vẫn đang còng lưng may từng chiếc áo đã rách đến không còn hình dạng, rồi hong hiểu sao, tôi lại bỗng dưng ứa nước mắt.

Vội đưa tay quệt sạch nước mắt trên khóe mắt mình, tôi chuyển sang ngồi thu lu ở một góc khác. Âm thầm ra một quyết định mà khiến tôi của nhiều năm về sau hối hận nhất.

Sáng hôm sau, sau chờ khi ông bà ra khỏi nhà. Tôi nhanh chóng làm nốt số công việc còn đang dở, sau đó liền lén lút mà trốn khỏi nhà, tiến vào rừng.

Tôi không dám đi quá xa, và thể lực yếu kém này không cho phép tôi làm điều đó. Bẵng một lúc thật sau, tôi mới thở hồng hộc chống tay bên gốc cây, mệt mỏi ngồi thụp xuống đất.

Mồ hôi trên trán tôi túa ra như suối, và hơi thở của tôi ngày càng trở nên nặng nhọc hơn. Có lẽ mặt tôi đang đỏ bừng lên, hoặc đó chỉ là tưởng tượng của tôi về tình trạng của bản thân mình. Nhưng hiện tại tôi hiểu được bản thân mình đang ở trong tình trạng tồi tệ ra sao.

Chính bản thân tôi đã đưa ra quyết định này, và tôi nghĩ rằng mình chẳng có lí do gì để hối hận vì quyết định ấy.

Ôm lấy chiếc bụng đói cồn cào từ đêm qua, tôi nặng nhọc bước từng bước về phía trước. Mắt tôi đảo liên tục và chăm chú nhìn xung quanh, khi thấy được cành cây khô nào phù hợp để làm củi trên nền đất, tôi liền nhanh chóng chạy đến bên nó, phủi đi lớp đất dính lên nó rồi nhẹ nhàng xếp lại thành một bó nhỏ. Cứ như vậy, không biết đã qua bao lâu, đến khi đôi chân tôi mỏi rời và đôi bàn tay này chi chít vết xước rỉ má.u, bầu trời cũng đã dần chuyển mùa. Tôi mới thôi không tiếp tục tìm kiếm củi mà hướng đôi chân gầy guộc này đi đến một thôn nhỏ gần đây.

Chỉ cần không phải là thôn của tôi, đi xa bao nhiêu tôi cũng có thể chịu được.

Ánh nắng mặt trời ban trưa gay gắt rọi lên người tôi, tầm mắt tôi lờ mờ bị che lấp bởi màn sương vô danh. Cơ thể loạng choạng và nóng rực, ngực tôi trở nên đau nhói và quặn thắt lại. Tôi ngã khụy xuống đất, bó củi trên tay "bịch bịch" mấy tiếng rơi xuống đất, sợi nứa bung ra và củi cũng theo đó mà rơi vãi lung tung. Đầu gối tôi đau nhói ma sát với mặt đất và chất lỏng màu đó ấy lại rỉ ra, đột ngột, tôi nhận thấy mặt mình có chút man mát và đưa tay sờ lấy mặt mình. Cũng không có gì quá ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy tay mình phủ đầy má.u.

Đưa tay quệt lấy mũi, làm sạch khuôn mặt bằng chiếc áo tôi đang mang. Và mặc kệ vết nhói ở đầu gối, tôi tiếp tục cúi người xuống, nhặt lấy từng ấy củi và lần nữa buộc chặt lại.

Tôi muốn khóc và cũng muốn bỏ cuộc, tôi là một thằng con trai yếu ớt và vô dụng đến mức có thể dễ dàng vấp ngã như thế. Tôi dễ dàng ngã xuống và làm rơi thứ quý báu mà tôi cực khổ tìm kiếm, tự làm bản thân mình đau và mệt mỏi.

Nhưng tôi không có tiền.

Ông bà cũng chẳng dư dả ra bao nhiêu, hình ảnh bà ngồi bên ánh đèn đêm qua lại lần nữa xuất hiện trong tâm trí tôi. Lòng kiêu hãnh của một thằng con trai không cho phép tôi bào má.u của ông bà mình nhiều đến thế. Tôi tưởng tôi không buồn và cũng mặc chẳng quan tâm đến lời đám ranh kia nói, nhưng có lẽ, tôi thật sự chỉ là gánh nặng của ông bà mà thôi.

Tôi ao ước một người cha và một người mẹ, một người cha có thể mang tôi trên lưng, bảo vệ và nuôi dạy tôi trước những biến cố lớn của cuộc đời. Một người mẹ dịu dàng sẽ luôn quan tâm và dìu dắt tôi từng chút một, là người sẽ ở bên cạnh tôi từng giây từng phút, và là người trách mắng tôi mỗi khi tôi bướng bỉnh.

Những gì mà một đứa trẻ cần phải có, ngay từ đầu tôi đã chẳng có.

Tôi muốn đi học, muốn biết chữ, muốn có học thức, tôi muốn rời khỏi thôn quê lạc hậu này và ra thành phố. Tôi không tin rằng cha mẹ tôi thật sự đã chết, có lẽ họ vẫn đang ở ngoài kia, nhờ ông bà tôi nuôi dưỡng đến khi trưởng thành và đang chờ đợi con trai đến tìm gặp họ mà thôi.

Tất tần tật những cảm giác và nỗi đau quen thuộc ấy trào dâng trong lòng và khiến tôi ngã xuống. Nuốt ngược nước mắt vào trong, tôi đứng lên, tiếp tục giữ chặt lấy bó củi trong tay hướng về làng bên cạnh.

Người trong làng mình đều biết tôi, nếu những chú bác trong thôn biết tôi lén vào rừng kiếm củi bán lấy tiền. Chắc chắn ông bà tôi cũng sẽ biết, tôi không muốn hai người họ dằn vặt vì tôi. Vì lẽ đó, tôi chỉ có thể gắng gượng đi xa hơn về phía Đông, mang về một chút tiền lẻ ít ỏi.

Tôi nắm chặt lấy đồng tiền trên tay, cẩn thận nhét nó thật sâu dưới đáy túi quần. Tôi mang một thân đầy vết thương chi chít và cả một trái tim đã lở loét quá nhiều, tôi muốn chạy thật nhanh về nhà nhưng không còn sức, tôi chỉ có thể gắng gượng từng chút một chầm chậm đi về. Và bỗng, tôi nhìn thấy chúng nó - đám trẻ con khá giả làng bên, xách theo bên người một cái túi vải nhét đầy sách vở bên trong. Một đứa trong số ấy cười nói đùa giỡn với lũ bạn nó, chúng đi từ hướng trường học về nhà. Liên tục lẩm nhẩm mười con số đầu tiên mà thầy cô trên trường vừa mới dạy xong.

Chúng nó không để ý đến tôi và đi vụt qua, tôi xiết chặt túi quần. Gắng gượng ép bản thân nở ra một nụ cười không quá gượng gạo, cười một tiếng thở dài bất lực.

"Thì ra sau số bảy là số tám. Không biết 'số tám' ấy được viết ra như thế nào..."

Tôi trở về nhà và thứ chào đón tôi là sự xuất hiện đột ngột của ông bà. Tôi trợn tròn mắt kinh hãi, không hiểu tại sao hôm nay ông bà lại về sớm thế. Sau này mới biết, lúc ấy con bé hàng xóm vẫn như mọi hôm chạy vào trong sân gọi tên tôi. Nhưng lại không thấy tôi cáu gắt lườm nó hay trực tiếp đóng sầm cửa như mọi khi nữa. Thế nên nó mới mạnh dạn đẩy cửa vào tìm tôi, tìm không ra, kết quả chỉ có thể gọi ông bà về.

Ông nhờ vả hàng xóm tìm tôi nãy giờ cũng đã hai, ba tiếng. Người ông thấm đẫm mồ hôi và mệt lả ngồi xuống. Bà thì vẫn còn sức lắm, mà kéo tay tôi lôi sồng xộc vô trong nhà mặc kệ hàng xóm khuyên ngăn. Tôi bị bà lôi ngang qua đám người, trong số ấy có cả con bé hàng xóm. Tôi thấy nó nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ và đôi tay nhỏ gầy nắm chặt lại nhau. Tôi khẽ cười, nó máu liều hung dữ lắm mà, sau lần nào cũng khóc vì tôi thế?

Bà đẩy tôi vô nhà và bắt đầu cuộc cãi vả bằng một cái bạt tai. Tôi ngã xuống, một tay ôm lấy bên mặt. Đây là lần đầu tôi thấy bà tức giận như thế, nhưng tôi không muốn để bà tiếp tục giận. Vì thế nên đã đưa tay vào trong túi quần, còn chưa kịp móc ra cái gì hay giải thích lời nào. Tiếng mắng chử.i đã vang lên ngay trên đỉnh đầu, như nước trút xối xả lên đầu tôi.

Bà mắng tôi là đồ hư hỏng ham chơi, mắng tôi tại sao lại không ở nhà. Tôi nghẹn họng và mở lớn mắt nhìn và mà không thể nói ra câu nào, bị hiểu lầm và cái đánh vô cớ. Nỗi chua xót nổi lên trong lòng tôi, tôi không biết mà đã kìm nén những lời mắng chửi hay chưa. Nhưng những lời tưởng chừng bình thường ấy đã khiến tôi đau, và giọt lệ mà tôi đã cố gắng kìm nén rốt cuộc cũng đã rơi.

Tôi nắm lấy tờ tiền, vò nhàu và ném nó xuống đất cùng với mấy xu lẻ. Lúc này ông cũng đã đi vô, ông giống với bà, nhìn thấy hành động ấy của tôi liền ngây người ra một chút.

Không đợi hai người họ kịp đổ thêm cho tôi cái danh ăn cắp tiền của người ta, tôi đã hét lên trước coi như một lời giải thích muộn màng.

"Con không ham chơi và cũng không đi chơi! Hai người có thấy con đã bao giờ chơi bời với bạn bè chưa? Chưa đúng không? Bởi vì con làm gì có bạn, làm gì có ai thèm chơi cùng với một đứa không cha không mẹ như con?!"

Tôi biết lời tôi nói ra là hỗn láo và cũng là sai sự thật, vì tôi đã nhìn thấy con bé đó đứng ở trước cửa nhà khóc lóc vì tôi. Có lẽ nó là đứa duy nhất chịu làm bạn với một thằng như tôi, nhưng như thế vẫn chưa đủ, và tôi cũng chả cần bạn bè gì.

"Con cần ba mẹ, con chỉ cần ba mẹ thôi."

Và tôi lại sụp người xuống khóc thút thít như một đứa trẻ con, tôi là một đứa nhóc thật. Nhưng tôi luôn cố ép mình trưởng thành lên và nghĩ rằng tôi là người lớn thật, nhưng có người lớn nào như tôi không chứ?

"Con chỉ là một thằng con trai yếu kém, nhà hết gạo rồi, cũng hết tiền rồi. Đến cả may vá đồ con cũng không thể, con còn có thể làm điều gì đây chứ? Kiếm tiền là sai sao? Ông và thậm chí còn không nghe con giải thích, như thế mà gọi là gia đình à?"

"Con muốn có ba mẹ..."

Giọng tôi yếu đi và ngày càng hụt hơi, tôi nghe thấy tiếng bà ôm miệng khóc. Có lẽ hai người họ không ngờ rằng tôi nghĩ như vậy, và ông đã bước đến bên cạnh, không phải để an ủi, mà là tiếp tục đổ lỗi cho tôi.

"Nhưng con vẫn không thể tự tiền ra khỏi nhà được? Con đã đi đâu cơ chứ? Tiền này là từ đâu ra, có phải con ăn c--"

Không để ông tiếp tục buộc tội, tôi đã gào lên: "Không phải ăn cắp! Không phải con ăn cắp! Hai người chỉ toàn nghĩ xấu về con! Con đi kiếm củi bán lấy tiền đó, không tin ư? Không tin thì hai người có thể qua thôn bên kia hỏi đi!"

Ông cứng người, lòng ông chua xót và đau lắm, nhưng nổi đau ấy làm sao tôi hiểu được. Giống như việc ông không thể hiểu cơn đau của tôi.

"Nếu con cần thứ gì... nếu con cần thứ gì, ông bà đều có thể đáp ứng con mà."

Tôi đau lòng và nỗi đau cuốn lấy tâm trí tôi, tôi khóc với niềm cô đơn giằn vặt mười hai năm và cả cái mơ ước tìm gặp hạnh phúc ấy: "Con muốn đi học, con muốn đi học đấy, ông bà làm được không?"

Đi học, ông bà tôi khóc và khụy xuống. Ông đỡ lấy bà, và bà vẫn khóc nức nở. Đi học, đó là điều duy nhất mà ông bà không thể làm được cho tôi.

Đi học là một điều xa vời và là một điều viễn vông chẳng thể đáp ứng được. Đi học đồng nghĩa với việc cần phải có nhiều tiền và nhiều tiền hơn nữa.

Ông bà im lặng trốn tránh ánh mắt của tôi, hai người họ không trả lời những thái độ đó là đáp án rõ ràng nhất. Rõ là tôi đã biết chuyện này đã lâu và tôi cũng không cố chấp với việc đi học như thế, chỉ là tôi đã cô đơn quá lâu, và đi học là cách duy nhất để thoát khỏi nỗi đau ấy.

Tôi chạy ra ngoài, không thèm nhìn đến con bé hàng xóm mà tiếp tục chạy đi. Để lại ông bà ngồi khóc trên đất, tôi chạy đi tìm Cỏ Mây. Ôm chặt lấy nó và nước mắt như mưa.

"Mày có thể bảo vệ tao được không, tao có thể gọi mày là ba mà. Xin mày đấy, ba mẹ ơi, hai người đi đâu mất rồi? Tại sao lại rời bỏ con? Tại sao thế?"

Đến khi trăng lên cao, Cỏ Mây ụt ịt rướn thân người nó muốn về nhà, leo lên hiên nhà quen thuộc mà nghe ông tôi đọc kinh.

Nhưng hôm nay ông không ngồi ở đó nữa, và ánh đèn dầu mọi hôm đã tắt từ khi nào. Tôi bước vào nhà, mùi đậu chín thơm phức thoang thoảng bay lên, ông tồi ngồi trên ghế và nhìn tôi. Thấy tôi về, ông cười gượng: "Về rồi sao con? Đợi chút nhé, bà đang hâm lại đồ ăn. Con chịu khó đợi một lát thôi, ông sẽ kiếm thật nhiều tiền mà. Vì thế đừng khóc nhé?"

Nghe được những lời đó rồi, làm sao tôi không khóc cho được chứ?

Sáng hôm sau, tôi không ở nhà mà ra ngoài đồng. Đôi chân tôi mỏi rời và mềm oặt vì hôm qua đi xa, tôi ngồi dưới góc cây, thơ thẫn nhìn về phía bầu trời xa xa ngoài kia, không biết đã bao lâu trôi qua. Cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, và bị đánh thức bởi một giọng nói xa lạ.

Tôi bừng tỉnh và dại ra khi nghe những lời mà người ấy nói. Tội vội vàng đứng dậy, đôi chân tôi tê rần đau đớn ngã xuống. Và tôi lại lần nữa đứng dậy từ đôi bàn chân đầy vết thương ấy, tôi muốn nhanh chóng chạy về nhà. Nhưng sức khỏe tôi không cho phép, và người cùng làng tốt bụng ấy đã cõng tôi về.

Tôi vội vàng ùa vào nhà, mùi thuốc ngay lập tức sộc vào mũi tôi. Ông nằm trên giường, dưới đất là bông gạc đỏ thẫm rơi vãi. Nét mặt ông xanh xao và đôi môi thì khô rốc. Bà ngồi cạnh ông, đôi mắt kiêng cường ấy nay lại yếu đuối đến lạ.

Ông nắm lấy tay tôi, và nói bằng một giọng nói chua xót: "Xin lỗi con, nếu như ông cố gắng hơn thì con đã có thể đi học rồi."

Vì lời nói hôm qua của tôi, ông và bà đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi mượn tiền của hàng xóm. Tuy vậy vẫn không đủ, ông chỉ có thể cắn răng mà làm nhiều việc hơn. Ngay cả việc nặng nhọc của thanh niên trai tráng ông cũng nhận, cuối cùng là bất cẩn mà ngã xuống.

Ông đưa cho tôi một cái túi gấm đỏ dày cộm, tôi biết thứ bên trong là gì. Mắt tôi cay xè và thoáng cái đã mờ đi, tôi quỳ bên giường ông, tôi gào khóc và tự mắng mình là đồ bất hiếu.

Con bé hàng xóm cũng đã đến và nó xuất hiện với một hình tượng thật lạ, mái tóc dày ấy đã bị cắt ngắn ngủn chưa đến dái tai. Con bé ngượng ngịu cầm lấy con heo đất chúi vào tay tôi.

"Cái này... góp vô cũng sẽ đủ đấy. Em mới đổi kiểu tóc, anh thấy hộ không?"

Tôi không dám nhận con heo đất đó và một lần nữa nước mắt tuôn trào. Con bé ấy im lặng đứng nhìn tôi, chỉ đơn giản là đưa tay ra xoa đầu tôi. Nhưng điều đó khiến tâm trạng tôi bình yên hơn nhiều. Tôi cứ đứng ở đó, cứ khóc, và để im cho nó xoa đầu.

"Sau khi ông khỏe lại, con mới đi học nhé, được không mọi người?"

Tôi từng tìm kiếm hạnh phúc ở nơi xa xôi mù mịt. Tôi từng bị làn sương che phủ và nỗi đau nhấn chìm, để khiến "hạnh phúc" của tôi tổn thương thật nhiều.

Thật ra, hạnh phúc đang ở ngay cạnh tôi.

Sưu tầm
   📸: Sưu tầm

 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.