MS 157 - LỜI THỞ

Tác giả: Đăng Ngà - Viết Để Chữa Lành
Đăng Ngà

#NNTD_Soundio_Chualanh

Chủ đề: Lặng yên lắng nghe
 

Thể loại: Truyện Ngắn
 

Bài thi: Lời Thở
 

Tác giả: Đăng Ngà

Ý tưởng, ý nghĩa câu chuyện:


Đức là đứa con trai thứ trong gia đình má Lan mới du học nước ngoài về. Ngày gặp lại lẽ ra phải tay bắt mặt mừng lại mang theo sự tình trớ trêu chỉ để Đức nghĩ, gia đình nó đã tách rời về phương nào. Ba Tiến im lặng, anh Khôi hững hờ còn má Lan, người nó quý nhất cũng đã quá lạ lẫm. Liệu giữa vô vàn trắc trở của cõi lòng, của tình thân đứt đoạn ai mới là người đau đớn với tổn thương nhất?

 

Thiết nghĩ đôi khi nếu chịu mở cửa cho tạp âm ùa vào; ta sẽ đón nhận được tiếng ca dung dị lấp đầy cõi lòng, để ta nhận ra bình yên thực sự ngay chốn này thôi.

-----------------------------------------------

Ý tưởng và ý nghĩa câu chuyện:

“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách…” Nó thở dài, chẳng muốn tốn phí nữa.

Hôm Đức rời nước ngoài phồn hoa trở về, đập vào mắt nó là một đám tàn hoang bề bộn. Ngày nó bay do cơn dịch mới lên nên nào ai tiễn, ngày về điện thoại Đức tới hai ba âm thoại vô tri.

Nó chỉ ừ thôi, biết làm sao khi cái gia đình này luôn có công chuyện đột xuất.

“Thưa ba má, con mới về nè. Nhà đi đâu hết rồi? Con có mua cả đống quà bên đó ý.” Trả xong phí dịch vụ xe, nó bước vào gian nhà trống. Quái thật, mọi người dù chẳng ra đón thì cũng phải mừng nó về. Nó có mong đợi của riêng mình mà nhỉ.

“Hai trăm triệu. Lần trước, ông nói với tôi đợt đó đã dứt: Kết thúc. Sao giờ vẫn còn tái diễn? Tiến à, ông khờ tới mức độ nào?” Nó nghe được tiếng má gằn nát giọng trên lầu, một thứ âm thanh bi kịch cào xé im lặng. Nói thêm về bà, bà đáng sợ theo cách riêng: Má Lan “kỉ luật quân sự”, má Lan tôi luyện trong khắc nghiệt, bà liếc mắt phát là Đức phải lảng đi ngay.

Mà đã sống ở trên đời ai cũng có cái nghiệp, cái sai lầm chưa nỡ dứt bỏ của riêng mình. Nghiệp của kế toán trưởng Lan đang ngồi trên chiếc ghế bành. Ông cởi trần bình thản châm điếu thuốc; Đức nhớ hai bọng mắt ham vui quá độ, đổi đi đứt nhiều đêm sự nghiệp qua bao cuộc rượu chè. Khí không nói mọi thứ do má một tay dựng nên, “nghiệp” chỉ về cùng bao Jet năm mươi mỗi ngày, sau đó lại đi mút chỉ cà tha. Này dậy sớm vì sức khỏe, này ngưng việc để tham gia từ thiện cùng anh em. Chức ông tổng nom cũng xứng đáng đấy.

Đức biết má Lan chán ba nào kể xiết nhưng “ổng” chỉ thích rước nợ đời về.

Hồi còn bé nó mắc chứng khó ngủ, bà hay mang chiếu qua nằm kiên nhẫn đợi thằng nhóc thiếp đi rồi mới về phòng. Vài hôm lén híp mắt, nó phát hiện người bỏ giấc tham lam chạy nốt mấy phần giấy tờ để mai tiền về sớm.

Ừ, tiền vào túi nửa chỗ cũng biết cho ai mà. Trong nhà anh đi học cao đàng hoàng, nó bị điểm kém là ăn gậy vào mông. Đức vì vậy chỉ biết học thôi, nó than khổ dám rặt mỗi má khổ; má khóc mất.

Vậy mà giờ đây người muốn khóc lại là nó. Bao lâu chưa gặp bà gầy rộc hẳn đi vài cân. Khi nhìn thì ta căn vào mái tóc mơ thướt tha, ôi nó muốn rụng rời khi từng sợi đã đọng màu bạc sâu cay, rối bùi một mẩu. Ai cướp mất lặng hồn đen thơ thẩn của mẹ?

“Con về ạ.” Nó lí nhí câu mở đầu, cúi đầu chào lễ phép. Má Lan gằm đầu xuống đất thở dài đoạn hất về phía cầu thang dẫn lên.

“Ăn uống gì chưa?”

“Mới từ sân bay qua đây luôn nên, chưa ạ.”

“Nay nhà không có nấu đồ, tắm rửa rồi má dắt mày đi ăn. Nhanh lên.”

“Vâng.” Đức nghe theo lời bảo, nó lê từng bước ưu tư lên bậc thang. Má Lan lần này khép hẳn cửa phòng khách lại, tiếng sầm lẫn vào tiếng chốt khiến tâm nó điếng. Anh Khôi ngồi ở đầu cầu thang nghe ngóng tự nãy, “may mắn thay” là cá nhân duy nhất đón nó đúng chuẩn.

“Mừng chú về. Nhà đang có chút chuyện. Đi nước ngoài vui chứ?”

“Tà tà. Chút chuyện, trông vậy mà chút hử?”

“Chút hay lớn gì anh vẫn phải giải quyết đây. Anh bảo, dạo này có gì xích mích nhớ bỏ qua. Chú cũng lớn rồi, thông cảm lẫn nhau nhé. Lo sửa soạn đi ăn với mẹ kìa.” Anh dặn nó, nhanh chân bỏ lên lầu trước. Tình anh em đó giờ cũng chỉ tóm ở dăm ba câu chào.

“Ôi chậc…”  Đức mới nhận ra nó quên mang vali quần áo dưới tầng. Vừa chạy tót xuống, khi lên lại thì nhịp chân của Đức bị ngắt quãng trầm trọng, nó dám chắc nguyên do tiếng la từ má.

“Tiến ơi…” Tiếng la điên tiết, thống khổ nhất khiến nó muốn khúm núm bỏ chạy.

“Gấp năm… Trời ơi Tiến à, tự chết mà trả đi. Đừng, đừng có kéo mẹ con tôi theo cùng!” Sau đó, nó không còn nghe rõ được gì nữa. Mọi tiếng động dù riêng biệt đến mấy đều cứ ù ù, chúng hòa âm máy móc rồi giết mất tâm can. Hoặc tai nó tự vận hành cơ chế điếc đặc, hoặc tiếng lòng kia đau quá.

Khi tiếng cửa bật mở, Đức vùng chạy nhanh lên cầu thang. Đâu ai biết tim nó mới có dư chấn, tính cả nó luôn.

-Chậc.

Lát phải chào ba nó nữa.

2

---------------------------------------

“Nhà nhỏ vậy má.”

“Đòi hỏi gì nữa thằng này. Tao cùng anh hai góp tiền mới vừa đủ chỗ cho ba xác, mày phải nghĩ cho chị Thảo nữa chứ.”

“Má lạ. con đâu hỏi xin gì. Làm như con giống ông kia vậy.”  Cách Đức trả lời khiến bà dấy lên đôi chút khó chịu. Thậm chí đến độ chính nó còn cảm giác y hệt má.

Nhưng thực, mọi sự chuyển biến nhanh quá. Mới ngày nào nó tạm biệt má đi Tây Phương nhờ học bổng trường cho, dăm bữa nửa năm đã về với nước Việt thân thương. Bên ấy chia nửa với bên đây: Gợn mây mọc đặc quánh rồi tan ra, tan đến độ màn trời ốm sắc u ám; lạ kì bạn bè vẫn quây quần vui lây. Giờ về chốn Sì-Gòn mang màu nắng ngả thân thương, Đức thấy sống sao khó khăn quá.

Có chăng nắng đẹp chạy trối chết cùng ông ba nó, bặt vô âm tín từ hai tháng

trước. Cả buổi chiều đó, má Lan bảo gì thì nó im phăng phắc thực hiện theo. Người ta hay nói mệt mỏi hãy tránh cãi vả, nó tránh cả việc đổ thừa về chữ “Tiến”. Đức ghét vô cùng ván bài bà từng chơi; mà nó giấu kĩ.

Sự gắn kết đáng nguyền rủa. Nếu đã vậy, Đức sẽ chẳng bao “xì-kiếp” luôn việc hò hẹn.

Nó khư khư suy nghĩ đó trong lúc bưng bê hết đống hộp to, kiêm luôn cả việc quét lẫn lau nhà. Chừng má đi kiểm bếp, thằng Đức tranh thủ lủi vào cái giường-sắp-thành-của-nó nằm ngủ. Giường êm lắm, càng phù hợp cho việc suy nghĩ mông lung. Tự dưng, nó phải chuyển sang đây. Mà Đức hiền lắm, nó sao dám trách tình cảnh khó khăn nhà lâm vào nhưng má Lan, khốn thay, đã bán hết sách, đồ thằng con đi! Nó lên Bình Dương tầm tuần để nộp giấy tờ học tập và cuối tuần về nhà: Chà, trống huơ trống hoắc.

Bà mẹ ngu ngơ vô ý dọn luôn linh hồn nó đem ve chai cho cô Năm rồi. Điều đau đớn nhất có khi là ai cũng coi đó đương nhiên.

-Ơ hay, nghĩ cho nhà mày đi chứ thằng ích kỉ. Được nhiêu hay nhiêu.

Trao đổi thiệt giá thì có. Tủ kho báu chứa cuốn lưu bút thời cấp ba, vài dòng thơ tay cô bạn đầu bàn gửi giấu biệt cuối quyển từ điển, đống truyện tranh dù cũ mèm nó vẫn lôi ra đọc đi đọc lại đến nhớ từng khung thoại, từng chi tiết cử chỉ của nhân vật chính. Đức hiểu má rõ quá, không bán được cũng viện cớ khác cho nó bỏ thôi.

Thằng nhóc bần thần nhìn ra ô cửa sổ dạo nào, cố níu lấy một bầu trời toàn vẹn xanh biếc chả ai trộm được.

Nó sợ mất lắm. Mà mất rồi. Trớ trêu đã hoàn thành công cuộc chuyển nhượng tầng mây khói bụi.

“Ngủ hở con?” Má Lan ngoái vào thấy cảnh nó co cụm, mặc giường rộng rãi chỗ nằm. Tiếng thở dài đã điểm ba mươi hai lần tính từ lúc đứng chờ thang máy, sắp thành ba ba khi bà bước ra khoảng ban công trước phòng.

Má gọi điện thoại một bên nói.

“Khổ quá bà ạ. Ở cái tuổi này đáng lẽ được ở nhà nghỉ ngơi, hưởng phúc mình tạo thế mà phải đi chạy vạy nơi này nơi kia. Tôi sầu vì cái lão đó lắm.”

“Sống vô tâm chả đoái hoài vợ con, đi lính bên Cam về tôi cưới đâm ra thói dựa dẫm. Suốt ngày ổng rộng rãi với bạn bè, tiền nong bị dụ nướng vào cờ bạc. Chừng tôi lên văn phòng lục tung thì ối giời ơi nóng cả mắt. Rồi có lúc phải tự hỏi là ừ…”

“Sao mình chưa li dị quách cho khỏe, cứ níu vì cái lí do con cần ba chi? Ổng gây chuyện cho mấy đứa nhỏ quá.” Má cười trừ giữa những tiếng nấc nghẹn, thằng Khôi lại lùng bùng cả đầu.

-Đừng, đừng bắt con nghe nữa. Con sợ lắm.

Sao nó ép mình chi?

“Thằng Khôi miệng ta bảo đỡ lo, chứ mới rước con Thảo về mà lại để ra cớ sự này. Thông gia họ điện mắng nhiếc thì cũng chỉ đưa máy nhờ nó nói đỡ. Tội ổng mang một, tội mình đến mười. Mấy chỉ vàng quà mừng cưới, thằng Khôi nó lén gom… rồi bán cả bà ạ. Nó giấu vợ nhưng sao giấu nổ mình, con ơi.”

“Hồi trẻ ấy, mình cái gì cũng có cũng hào phóng cho. Đến lúc khó đi hỏi chả ma nào bắt. Mình cũng biết nhục chứ bà, nhục lắm chứ!”

Má Lan im lặng một hồi, đầu dây bên kia vẫn chưa phản hồi lại.

“Nhưng mình còn thằng Đức phải lo, chừng nào nó yên ổn đời nó mình mới dám nhắm mắt. Sợ nhất phải ôm cả bụng phiền lo xuống dưới. Chết dở dở ương ương sao tự do nổi hở bà?”

Đức nghĩ mình đã nghe đủ. Thân nó gầy guộc chúi sát đầu vào tường hơn, tỉ tê đau thầm. Má Lan đã dạy nó phải mạnh mẽ. Kệ, bi thương quá rồi, nước mắt nó không dành cho ngày vui được nữa.

Ôi, đã có sao? Xin kể nó nghe với! Hôm phồn hoa thơm thơ đã đánh dấu dĩ vãng; đây là thực tế xoay chuyển bởi những tờ polyme đủ sắc, bởi con nghiện hi sinh dẫn sói về nhà cừu.

Đức xoay khẽ người, lại chăm chăm nhìn vào ánh sáng ngoài cửa sổ “mới”. Nó trang trí lạ lắm, thắt bít kín những dây treo quần áo cùng tầng lá nhấp nhô.

Thằng Đức ngỡ nó kẹt mãi tại đây; nó dậm chân về kết điểm của hành trình cũ.

Hai tai cứ như mớ bùi nhùi.

A

---------------------------------------

“Má hả?”

“Ừm, cái thằng này cả tuần chạy đâu mất biệt vậy! Già đừng để ta lo chứ con. Giờ bảo nè, cuối tuần sau má về rồi theo đó về cùng luôn. Mày cứ giam mình trên đó suốt thế.”

“Thi cử cả mà, con về được đã về.” Nó tự hỏi mình nói dối có quá lộ liễu chăng. “Trên đó dạo này ổn định chưa má?”

“Ừm. Con Trang sắp cho cái việc cũng tạm, còn làm được đúng chuyên môn là đỡ. Ủa tiện hỏi tí, ba có từng gọi điện cho con chưa?” Cuộc trò chuyện theo lẽ thường vốn dĩ sẽ rất nhàm chán như mọi khi, cho đến chừng kẻ-không-nên-nhắc-tên xuất hiện.

Cái danh đó nó đặt phỏng theo bộ Harry Potter, tự nhắc nhớ chính mình về hồn báo đã nên tan theo khói mây.

“Không, và má biết con cũng kị nhắc về ổng. Con tưởng cả nhà mình…” Má Lan im lặng lâu lắm. Hẳn lần đầu người thấy nó dám nói đúng, thật thà đến cay đắng. Thử hỏi kẻ xa lạ xem ai thứ tha cho con bạc, thử khi đã tán gia bại sản nhà chả chừa cắc nào!

Hỏi thì phải chừa má ra, sao bà lại “người” hơn nó tưởng tượng?

“Con ơi, ổng già rồi. Nghiệp ổng đang trả, đau ốm làm gì có ai chăm sóc. Ổng cũng từng là ba hai đứa, là chồng má. Tha thứ chả hại ai hết con ơi.”

“Má ạ…” Nó gằn giọng, chốc nhận ra hơi quá trớn liền chỉnh lại ngay.

“Tương tự việc con với má khác quan điểm nhau. Có thứ ông ba phải chịu vì lẽ đương nhiên, xót cho ổng thì thừa mứa quá. Khéo lại lủi mất ăn chơi ở chốn nào với tánh đó ý; khéo lắm.” Đức tranh thủ chêm thêm vài từ xỉa xói, dù chả khiến lòng dễ chịu hơn. Thấy người mẹ lại bặt im lặng phía bên kia đầu dây, nó tìm cách lảng qua. “Nếu tuần sau lịch trống, con về chơi. Có thể thôi á.”

“Lo việc học trước đi. Vậy nha, nếu có nghe từ ba nhắn cho má nhen.”

“Dạ, má nhớ giữ sức khỏe.”  m gọi vừa ngắt quãng, thằng Đức như muốn gục xuống; nó hết sức. Trong cả chiều đi lẫn chiều về nó ghét gọi điện cho người nhà. Mấy tháng nay chạy lên Bình Dương học tiếp chương trình, chiếc điện thoại thông minh réo rắt muốn nổ tung, hàng tối bắn tới cùng một nội dung nhạt nhẽo:

“Sao không về?” Nó cười đắng. Về chi khi đã chẳng còn gì cho nó, về chi khi nó cứ mắc võng nằm ở góc cũ an nhiên.

Đức theo chủ nghĩa tự do, thức gì nó ghét là nó ghét kinh khủng, ghét rùng mình. Nó san sẻ hết phần đó cho ba với căn chung cư ngộp ngạp tỏ vẻ hào nhoáng, miếng nhỏ rơi ra xin phép gán vào hoàn cảnh “gia đình” này.

- Anh Khôi hết tử tế rồi, ổng dễ cáu lắm. Má cứ bảo con thông cảm. Con đã thử, con cố, con bất lực! Thông cảm, con e chính mình còn chưa làm được.

Khi mọi người cười, ống thở của nó đã dần cạn khí. Phi hành gia trôi lơ lửng giữa dải thiên thể với màn đêm cô độc lấp lửng xung quanh. Và nếu có hy vọng, đó cũng vốn sinh ra để được mất. Đức kết thúc cơn mộng tưởng bằng cách rớt xuống giường cái phịch. Nồng ấm từ giường êm gối chiếc hiển nhiên không chữa được tổn hại nơi tim.

Hỏi bài nhạc nó mới đặt hả?

Nó dạo này chuyển sang nhạc Trịnh, người ta nói biết hiểu, ngẫm là tuổi đã bám theo gốc cổ thụ, lắng đọng rồi biết suy nghĩ trưởng thành hơn. Đức nó nuôi hy vọng tìm được gì đó tươi trẻ trong lời ca cằn cỗi. Đức muốn thấu sự vui vẻ lạ thường người “nữ” chiếm hữu.

Đức này, Đức nọ có khi đi đứt. Nó có nỗi đau đóng thành lệ, quăng dưới ánh đèn đường cho khảm hoàng kim, cho đá hòa vàng mặc ai hiểu, thì họ sẽ hiểu.

“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”

A

---------------------------------------

Đức chưa về đợt đó, má Lan trầm lặng tựa rừng già vẫn kiên nhẫn chờ. Ngày nó gặp hội ngộ là đúng sáu tháng, áng chừng nửa năm bụi đời ở thành phố khỉ ho cò gáy.

Má chê Hà Nội đắt đỏ, Sài Thành nào kém cạnh gì. Đôi đời cứ thế giao thoa trên yên chiến Lead cà tàng đã chở nó từ tiểu học lên cấp ba, cả mấy lúc học thêm. Đức trong quá khứ nghêu ngao hát về tuổi xuân, về bài nhạc Pop mới nổi đình nổi đám. Bà vẫn nghe rõ đó mỗi buổi phố vội vã.

Chớp mắt vai vế đã đổi khi người thuở cũ chòng chành trên chiếc ghe xế chiều, nhanh quá sức tưởng tượng.

“Nay mình chén gì đây?”

“Này ăn cho mày chứ ăn cho má chi, muốn ăn bún bò thì chạy thẳng đường tới nhà bác Vy hồi xưa hay khám bệnh ấy. Má chuyển sang thuần chay rồi.”

“Ơ, má ăn chay luôn à? Sức khỏe vốn đã không tốt, ăn kiểu đấy lại thiếu đạm động vật. Nói chả chơi chứ vô ý rước bệnh đấy.” Tiếng ơ phát ra thật đương nhiên.

“Ăn tích đức. Chung nghiệp do ba gây ra ta cũng phụ gánh, bớt phần sát sinh tức mình tự thanh thản thôi con.” Ôi lại về ba Tiến, nó muốn siết tay ga lên trong cơn tức.

Còn nó, thằng Đức trời đánh tính sao?

“Con từ chối hiểu. Má lấy đâu bằng cớ ba sẽ chịu khổ, sẽ thế này thế nọ? Má phải trân trọng chính mình chứ. Con thương nên mới bảo, chứ má hao mòn vì ổng tụi con xót bằng thừa à? Đặc biệt con đấy!” Câu trả lời của nó thẳng thừng đáng sợ. Đường trước mắt nó hóa tối tù mù, bóng hình ngồi sau bần thần ôm chặt lưng nó.

“Có lẽ mày đúng. Má xin lỗi.” Không, nó mới phải nói câu đó.

“Má… khổ vì chuyện của ba nhiều lắm. Từ khi mới sinh anh hai, má đọc bao nhiêu sách Phật Pháp rồi tập thiền, tu tâm dưỡng tính. Ta cứ nghĩ mình sống tốt thì người sẽ hiểu, sẽ thay đổi vì mấy đứa.” Bà khựng lại. “Má hy vọng quá nhiều ở ba.”

“Duyên cớ cho má được gặp được một sư thầy tốt bụng. ở chùa kia Thầy bảo: Tâm hướng thiện hướng Phật, đấy rất tốt nhưng đến chùa chiền mà chưa bước hẳn chân vào khai tâm, tựa việc tu tập không đến nơi đến chốn. Con phải hiểu tìm ba không phải vì muốn mà vì cần, cần quên đi.”

“Nếu má ngưng điều đó, chắc giờ cũng chả thiết tha gì ngoài ngồi khóc con ạ.  Còn phải lo cho tụi bây, bỏ sao đành.”

Đức phải đánh lái sang chuyện khác, nó sắp khóc rồi. Nay ngày vui chứ!

“Má nghe Một Cõi Đi Về chưa?” Chợt nghe thằng con nhắc đến tên bài hát bất hủ, mấy nếp nhăn trên khuôn mặt bà rạng rỡ nhấc lên, se dần thành nụ cười:

“Trời-quơi, nay mày cũng bày đặt nghe nhạc Trịnh hở con?”

“Nhạc thời cũ nom cũng êm. Má trả lời câu hỏi của con kìa.” Đối phương đưa lời cần nói vào hư vô, mắt trông lên hừng trời đoạn lẩm bẩm điều gì đó. Khi đã chắc chắn thì hắng người lại giọng lần cuối:

“Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt…” Thằng Đức, ôi nó bị lôi ngang về cõi tỉnh thức. Bà đã sậm phần hồn trong trẻo vào dăm ba con chữ thả phiêu. Toàn thân nó bủn rủn, ánh nỗi niềm xúc động vì cảm tưởng má trẻ lại bao năm vay mượn từ nhân gian. Bất giác, nó đánh nhịp hát cùng cho trọn hết bài.

“Mày nghe Như Cánh Vạc Bay chưa?”

“Hát thử là biết liền á má.” Ừ, ca sĩ chiều lòng khán giả trở về tuổi xuân thiếu thời. Ở đó có nó người đưa võng ru nó ngủ. Nắng ôm trọn màu thủy tinh, ta bảo nó cầm cọ lén tô cánh môi kẻ nữ hồng duyên trọn tình.

Chợt thằng Đức, bay bổng. Nó nghĩ đến kết thúc, đến cái chết của mình mỗi đêm; nó từng vô tư lự quá. Hai thế kỷ liên tiếp phù du sỏi đá vướng cùng nhau trong vô thường vạn vật. Ở số tám xếp ngang chỉ có ta loang lổ máu, im lìm khâm liệm sẵn trước lễ tang.

Đức liếc sang lại thấy má đứng đó, hẳn nó chỉ nghĩ bà chưa từng tới mà thôi. Má Lan ầu ơ ví dầu, má Lan nằm cạnh xoa đầu nó mỗi đêm sốt; nó sắp nhiễm tánh thích liên lụy nữa.

- Ít nhất giờ cũng muốn nghe. Điên sao giấu hoài.

Lời thở, pha ca thành lời thơ rồi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.