MÙA TRÚC THỞ

Sáng tác: Nhất Hàm - Những Ngón Tay Đan

#NNTD_TruyenNgan_40
Chủ đề: Giấc mơ mong đợi

      ***
Trăng ngà ngà và chếch choáng say. Trăng lảo đảo trên mặt nước hồ cuối năm. Đám thanh niên trong làng ý ới gọi nhau dưới trăng ngà. Bình bước xuống từ ga tàu nhỏ. Ánh sáng đèn điện leo lét dần lùi lại phía sau lưng. Bóng tối mênh mông như nuốt chửng lấy Bình. Hắn lắc nhẹ chiếc cóc đeo lệch trên vai, vuốt bụi đường trên mặt mình. Trong bóng tối, một cô gái khẽ cười với đôi mắt huyền linh động quan sát Bình từ từ khuất sau ánh sáng.

- Về rồi hả, đi, đi tát hộ tôi thôi nước. 

An nhìn Bình cười khẽ. Hàm răng đen ánh lên những điểm sáng dưới ánh trăng. Cô khoác cánh tay vào tay hắn, trên vai vẫn còn vắt vẻo chiếc gầu sòng. 

- Đi thôi, đưa khau đây tôi vác cho.

Bình mỉm cười đón lấy bộ gầu sòng trên vai An. Hai người theo ánh trăng đi ra bờ ruộng. Đêm đã về khuya, những giọt nước vẫn kết thành sợi chảy đều vào khoảnh ruộng của An. Vàng tan trong miệng gầu, lan mãi ra thành những sóng lóng lánh. 

- Xong rồi nhé. Nghỉ tay thôi

Bình buông khau ngồi trên cỏ nội nơi bờ ruộng. Bộ đồ tây chỉn chu đã được cởi ra cất vào ba lô từ bao giờ. Hắn thay ra một bộ áo nâu, cũng xắn quần ống cao ống thấp.

- Nghỉ rồi hả? Chết, tôi vô tâm quá, Bình ăn uống gì chưa?

An vừa lau những giọt mồ hôi trên trán Bình vừa hỏi. Bình cười xoà:

- Có cái bánh mỳ mua lúc trên tàu. Cũng ấm bụng.

- Ừ, trong nhà nay cúng Ông Táo. Có xôi gà đây, mẹ tôi bảo mang cho Bình. Kể ra ăn trước thì bớt nguội. Mà thế nào? Bình đi diễn ổn không?

- Thì tôi chơi vài bài sáo. Trên tỉnh đèn đuốc sáng quá. Hoa cả mắt

Bình mở bọc đồ ăn trong lá sen mà An gói cho hắn. Hắn vừa cúi người tìm cái điếu cày vừa trả lời An. An khẽ tựa đầu vào vai Bình nghe tiếng rít khoẻ khoắn của hắn và tiếng nước trong điếu rung lên sòng sọc. Cô khẽ nhìn ánh trăng mơ xa xăm, khẽ nói như một tiếng dế kêu dìu dịu trong đêm vắng:

- Bao giờ làng mình có điện nhỉ?

- Có sao đâu An, không có điện thì mình vẫn còn quá nhiều trăng và gió mà.

An không trả lời Bình nữa mà chỉ im lặng mỉm cười. Nụ cười trên vai Bình như một cánh hoa bàng rụng khẽ.

- À a à ời, à à ơi. Cái cò lặn lội bờ sông...

Một bác thuyền lưới vét cất tiếng hò giữa hồ rộng. Tiếng hát mênh mông xen lẫn vào nhịp gõ đuổi cá của bác lên mạn thuyền, bóng trăng đong đưa theo từng tiếng vọng rơi xuống và lan ra trên mặt nước. Bình bỏ nắm xôi đang ăn dở xuống, lau sạch tay vào cỏ, rồi với chiếc cóc lấy ống sáo. Hắn lấy đại một cây rồi theo điệu hò của bác thuyền chài mà thổi. Âm thanh vi vút, da diết và ngọt ngào. Mùi hương cỏ ngai ngái ngái pha lẫn mùi bùn lan nhẹ trong mũi Hắn. An thả hồn dần theo tiếng sáo. Đôi mắt cô mơ hồ và an yên. Bình vẫn thổi và sương đêm dần mờ lan nhẹ trên hồ hoà lẫn trăng như một bức tranh thủy mặc. Con thuyền nhỏ tựa như bằng mực và tiếng ru đều đặn dần tiến lại đủ gần rồi dừng hẳn lại. Mãi cho đến khi tiếng sáo ngưng hẳn, bác thuyền chài mới lên tiếng:

- Hay, đúng là nghệ sĩ có khác. Bác chẳng có cái gì, có ít tôm tươi. Chúng mày cầm lấy nướng mà ăn.

- Ấy chết, bác làm vậy cháu ngại quá.

Bình vội gạt đi nhưng bị bác ngắt lời ngay:

- Cầm lấy, mày không lấy là bác giận đấy. Cái này còn hơn chán tiền trên thành phố ấy chứ. Mà bao giờ cưới chúng mày nhớ mời bác đấy nhá. Chắc cũng sắp rồi nhỉ.

Bác ta nói rồi để bọc tôm bên cạnh hai người. Chẳng đợi Bình trả lời, bác đã cười ha rồi rời đi. Bình cũng không ngỡ ngàng. Hắn là một nghệ sĩ có tiếng, từng ở trên thành phố. Thế rồi Bình về quê do chán ghét sự mưu lợi, bon chen. Ở nơi miền quê này, hắn dần nhận ra sự yếm thế, bất lực của đồng tiền trước tình người. Và Bình vui vì điều đó.  Đêm về khuya và những người làm đồng lác đác trở về. Cuối con ngõ nhỏ trong rặng tre, Bình và An chia tay nhau. 

D
📷: Sưu Tầm 

        *** 

Thế là Bình và An đã yêu nhau được mười năm. Hắn nhớ dạo hai người gặp nhau từ hồi đi học. An lúc ấy nhỏ nhắn và có nét duyên. Cô gái với suối tóc dài buộc gọn dưới hàng phượng vĩ xanh tươi buổi mai đã ghi sâu trong lòng hắn. Rồi hắn ngỏ lời yêu. Bình dạo ấy nhút nhát và vụng về lắm. Nhớ hôm ấy, hắn bập bẹ mãi mới được ba chữ tớ thích cậu làm An cười toe toét. Bình vội vàng chạy đi như xấu hổ. Sân trường mùa hạ có nắng xanh xuyên qua kẽ lá cây. Nhưng Bình chưa chạy được mấy bước đã có một bàn tay níu hắn lại. An dắt tay Bình trở lại ghế đá. An cười nhìn hắn nói:

- Bảo thích người ta lại chạy như ma đuổi thế à?

Ngày hôm ấy là một ngày thu đầy nắng và có hoa vàng nở dịu. 

- Dậy đi, 5 giờ rồi đấy. Hôm qua anh đi diễn về mệt hay gì mà phải nhờ mẹ gọi dậy tập sáo. Chứ bình thường anh đúng giờ lắm cơ mà.

Bình đang mơ màng thì tiếng bà Thủy làm hắn thức giấc hẳn. Bình bật người dậy với lấy cây sáo đi ra khỏi buồng. Ngôi nhà tranh hơi tối. Ông Nê, bố hắn, đang ngồi trên chiếc phản trước hiên có đặt ấm trà nhỏ. Sương mù là là bay phủ lên những ngọn cau và tàn tre. Bình ôm cây sáo đứng trong khoảng sân rộng thổi lên vi vút. Mấy đứa em cũng kéo nhau ngồi nghe trong trái nhà. 

- Anh thổi hay lắm, càng ngày càng ngọt tiếng. Tôi thì không sành thổi nhưng biết nghe.

Ông Nê vừa nhâm nhi chén trà vừa gật gù nói. 

- Dạ. Để lát con gọi mấy thằng kia nữa. Năm nay Tết quê mình vui phải biết.

- Ờ, các anh cũng dọn dẹp sắm sửa cho tôi đi. Mà riêng anh thì bảo với cái An là sang Giêng bố xin dâu cho hai đứa. Nhà cách có ba bước chân. Anh về quê hẳn cũng được một năm rồi. Cưới đi là vừa

- Dạ. Cái đấy bố cứ quyết để con thực hiện. Giờ con ra chợ phụ An nữa, trưa con không ăn cơm đâu. Chiều về rồi con mới sắm sửa.

Bình cười trả lời rồi xách ống sáo đi ra ngoài chiếc cổng tre. Tiếng bà Thủy vẫn còn văng vẳng phía sau:

- Ơ thế con không ăn cơm sáng à?

Chợ làng họp ngay dưới gốc đa, có mấy chiếc chõng tre, vài chiếc thúng mẹt của các cô, các bà bày la liệt trong sương sớm. Bình quẩy quang gánh đi theo sau An. Hôm nay đã là hai mươi tư tháng Chạp. Hắn còn ôm ngang người một cái chõng tre. Ra đến gốc đa, hắn ngả chõng xuống bày hàng. Gánh hàng không quá nhiều, chỉ có mấy cành hoa, một ít lá dong và mấy bó lạt. An nhìn hắn đã quen tay liền mỉm cười. Cô hắng giọng nói:

- E hèm, hôm nay mình là bà chủ. Kiếm được phụ việc là nghệ sĩ nghe oai quá.

- Khôn hồn thì bày hàng ra với tôi không tôi về bảo u Liên thì có đứa ăn đòn đấy.

- Cậu dám?

An hai tay chống nạnh phụng phịu gò má trông rất đáng yêu. Bình xếp nốt mấy xâu bánh gai, bánh đậu lên chõng rồi kê cái lò nhỏ ngay ngắn bên cạnh đun ấm nước vối cho khách sắp qua. Mọi thứ xong xuôi, lúc này Bình mới ngồi bên chiếc chõng. An cũng ngồi xuống bên cạnh hắn. Xa xa có mấy người cũng lác đác bày hàng. Vài thúng gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Tiếng gà vịt chen nhau kêu inh ỏi. Sương mai vẫn cứ mờ mờ trên đồng lúa xa xa. 

- Này, ăn chung đi. Mẹ tôi chuẩn bị cho cả hai đứa đấy.

An lấy ra một gói trong lá chuối khô, mùi cơm nắm, mùi tôm, mùi thịt thơm ngào ngạt. Thấy Bình nhìn chằm chằm vào gói đồ, An giải thích: 

- Tôm bác thuyền chài cho hôm qua, lợn của nhà tôi đụng đấy ăn đi không phải nghĩ. Làm nốt hôm nay chắc để em tôi nó trông hàng thôi.

Bình không trả lời mà ngả người tựa vào gốc cây. Những cánh hoa tươi mới cắt còn vương những giọt sương mai. Vài bông cúc, bông hồng điểm tô những gam màu rực rỡ. Suốt cả buổi hôm ấy, thi thoảng Bình lại phụ An một vài việc lặt vặt, còn lại hắn đều ngồi lặng yên như thế. Lâu lâu, Bình thổi lấy một vài điệu sáo để hoà vào không khí của phiên chợ ngày cuối năm. Hắn cũng đảo khắp một vòng khu chợ chỉ lớn cỡ bốn cái chiếu đôi cộng lại. Gần trưa, hắn cũng có một giỏ hàng để mang về.  Nắng hảnh lên trên những ruộng lúa chín vàng. Vài cô cậu học trò cắp cặp sách lóc cóc đi bộ về. Có lẽ họ hơi khựng lại vì nghe tiếng sáo. Bình cũng lắng tai nghe, trong câu chuyện của đám bạn bè đã có những nỗi lo sợ vu vơ về sự chia xa, những lời hẹn ước của mùa sau, dẫu có tròn vẹn hay không. 

Bình như thấy lại một sáng cuối đông, trưa hong hong nắng và ngày vơi một nửa. Dưới trời xanh, bên đồng lúa có những khoảng mạ non, cô gái với mái tóc xanh ngời và đôi mắt sáng hoà lẫn dần vào cả một khoảng xanh. Ngã tư đường, một cậu bé lặng lẽ nhìn theo bóng cô cho đến khi dần khuất. Bỗng cô gái nhỏ ngoái lại, cô cười thật tươi, nụ cười rực rỡ như mặt trời bé con trong ngày đông giá. Cô cao giọng nói:

- Mùa sau gặp lại.

Tiếng cô trong trẻo như những điều đáng quý nhưng mong manh trong cuộc đời. Bình nhìn An rồi lại nhìn lên trời. An cũng ngước nhìn hắn. Hai tia mắt chạm nhau, đôi mắt cô long lanh như mặt hồ vừa rộng vừa sâu nhưng chỉ có những gợn sóng nhẹ rất đỗi yên bình.

- Ê, cậu nhìn gì đó

- Tôi ấy hả, tôi tìm nắng

- Hả? Nắng ở đâu?

- Nắng trong đáy mắt ai đó. Mà nắng này hình như hơi ngốc.

- Đáng ghét, bao nhiêu năm rồi vẫn lẻo mép như vậy. Nhìn bên kia kìa, có cu em ngốc ngốc giống ai đó.

An cười toe đánh nhẹ lên vai Bình. Hắn nhìn theo hướng hướng cô chỉ, có một cậu nhóc đang đứng nhìn về phía một ngã rẽ khác vào làng. Đôi mắt cậu ngập ngừng nhưng đầy hi vọng. Hắn bỗng rời vị trí, bước ra vỗ vai cậu nhóc nói thầm mấy câu rồi quay trở lại. Còn cậu nhóc nghe xong lập tức chạy đi.

- Bình lại xúi dại con người ta gì đấy? Không phải ai cũng dễ tính như tôi đâu.

- Không có gì, tôi nhờ nó đi bê lễ hộ. Bố tôi bảo sang Giêng sang nhà hàng xóm xin dâu. 

- Chắc gì người ta đã đồng ý.

D
📷: Sưu Tầm 

      *** 

Hôm nay đã là sáng 30, ngày Giao thừa đã đến. Ông Nê và bà Thủy đang loay hoay sắp bàn thờ. Bình ngồi giữa sân trên một chiếc chõng, đặt một cái nong lớn. Bên trên nong nào lá, gạo, đỗ, thịt xếp thành từng rổ lớn. Hai chục chiếc bánh chưng đã gói xong và những thức nguyên liệu hầu như vơi già nửa. Thằng Bảo, con Hoa, con Bích, ba đứa em của Bình đứng vây quanh. Bà Liên với qua bờ giậu mồng tơi gọi lớn tiếng:

- Ông lão có thiếu gì không ông lão ơi? 

- Bà lão với ông Hoà bên đó bảo nhau xem thế nào chứ nhà tôi thiếu cô con dâu.

Ông Nê ở trong nhà đáp vọng ra. Tiếng bà Liên lại trả lời:

- Đủ tạ lợn thì mới thông hai họ ăn cỗ ông lão ạ.

- Vâng, cái đó nhà tôi sẽ lo. Bà Thủy trả lời

- U Liên lát cho con xin mấy cây hoa cúc chơi Tết nhá. Bình cũng chen vào

- Cha bố anh, gọi u cứ ngọt xớt. Liệu hồn chứ nhà u toàn con gái. Mọi năm không nói chứ năm nay mà không có tiếng pháo thì anh biết tay tôi.

- Vâng, của U con cuộn rồi, đang treo trong nhà, lát u bảo An sang lấy giúp con.

Trời dần vào đêm. Ánh lửa từ hai cái bếp lò song song nhau ở hai bên sân cứ bập bùng. Nhà bà Liên đã có hai băng pháo treo trên gốc cây me trước cửa. Hoài và Thu, hai đứa em của An, cũng đang lúi húi bên bếp lửa. Bảo, Hoa và Bích thì mê tít với bộ chuông gió bằng tre mà anh trai mới làm. Chúng chạy vòng quanh chậu hoa cúc bên hiên và cây hoa đào nở rực rỡ bên chái nhà tranh. Ba bốn ngọn đèn Măng xông được khêu hết bấc soi ánh đến cả cây Nêu gần đầu cổng đang đong đưa trong gió. Ông Nê ngồi trên bộ tràng kỉ với ấm trà nghi ngút khói. Thi thoảng ông quay ra hỏi: 

- Mâm cúng sắp đến đâu rồi bà nó ơi?

- Xong rồi đây, chờ thằng Bình với con An rửa bánh đã. Hơn ba chục cái chứ ít ỏi gì đâu. 

- Nhanh nhanh đấy nhá. Cúng đêm Giao Thừa mà muộn là không được đâu.

Mâm cúng đã xong xuôi chỉ chờ mười hai giờ đêm điểm đến. Bình và An ngồi trên chiếc chõng trước sân, mỗi người trong tay cầm một ống sáo. Bình cao giọng gọi:

- Anh em bác cháu tấu mỗi người một khúc mừng xuân nhé. Cháu với An xin mạn phép lên trước.

- Nhất trí thôi, cô cậu thanh niên đi trước đi để mấy ông già chúng tôi theo sau. Hơi hướng kém theo tuổi rồi.

Một ông cụ râu tóc bạc phơ bên hàng xóm trả lời. Trong tay ông còn cầm một ống sáo đã ngả màu. Bình và An cất tiếng thổi. Điệu sáo da diết và đằm thắm, thiết tha:

- “Con ước mơ bình yên con về
  Bếp hồng bên bạn bè năm xưa
  Nhà mình vui như ba ngày Tết
  Có cô láng giềng dễ thương
  Thêm cháu nhỏ mẹ vui tuổi già”

Tiếng sáo vừa dứt là một loạt tiếng vỗ tay. Rồi những người trong xóm thi nhau thổi những khúc nhạc tủ mà họ đã ủ từ lâu. Có người chơi những bài cổ nhạc như: Kim Tiền, Xuân Phong,.. cũng có người chơi một vài bài cải lương, ngâm thơ, quan họ hay những bài “bò leo rào” (Bolero) mà họ nghe được trên đài báo. Thậm chí có mấy ông già cao niên còn dở ra những ngón Xẩm, Chèo. Tiếng sáo nối nhau không dứt. Có mấy người kê cả bàn ra ngõ rồi mang đèn dầu ngồi thổi. Thế rồi mọi người lục tục theo ra, già có trẻ có, cũng phải gần hai mươi cây sáo. 

- Tôi nói chứ đám chúng mình già có, trẻ có nhưng tiếng sáo thua vợ chồng anh Bình hết. Các ông các bà thấy có phải không?

Ông cụ cao niên hàng xóm vừa rồi cũng là người cao tuổi nhất lên tiếng nói. 

- Cụ cứ nói đùa, thằng cháu Bình đây thấy bảo làm nghệ sĩ về sáo đấy. So làm sao được. Cái An chắc cũng được nó truyền ngón cho rồi

Một bác gái lên tiếng trả lời.

- Ấy chết, các ông, các bác nói thế chứ cháu nào dám nhận. Nghệ sĩ là người ta yêu mến người ta gọi vậy thôi.

Bình cũng đáp lời.

- Thôi anh không phải khiêm tốn. Bà con ta ai về nhà nấy chứ sắp cúng Giao Thừa rồi.

Ông lão cao niên lại lên tiếng. Tiếng pháo rộn ràng nổ vọng lại từ xa. Ông Nê vừa khấn xong chuẩn bị bắt đầu đốt băng pháo nhà mình. Chợt ông quay ra hỏi Bình và An:

- Anh chị có biết chơi hát văn không? Chơi một khúc cho vui nhà

- Cái ngón này con không rành

Bình trả lời.

Anh kém lắm, xem bố anh đây này. Anh chị còn phải học nhiều.

Thế rồi ông Nê lấy ra một cây sáo ở trong ngăn tủ riêng của ông. Tiếng sáo êm êm, lúc trầm lúc bổng, như đưa như rước.
    Nhất Hàm

👉Link bài viết trên Group Tay Đan: MÙA TRÚC THỞ

 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.