MÙI DẦU XANH

Sáng tác: Trí Nghiên - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Truyenngantaydan2023

Muốn hay không, thì nó vẫn phải chấp nhận sự thật rằng: Bầy con của ông bà Sáu không ai cho phép nó nán lại căn nhà thêm một phút giây nào nữa, chứ đừng nói chấp nhận nó như một thành viên trong gia đình.

Nó - thằng Tửng, con của người đàn bà điên chết dưới bánh xe của hung thần xa lộ mấy năm trước. 

 Bà điên đến từ đâu? Xuất hiện từ khi nào? Ở Cái miệt này người ta cũng chả hơi sức đâu để tâm. Gọi bà điên vậy thôi, chứ trông bộ dạng người phụ nữ mắc bệnh tâm thần kia cũng còn trẻ, dắt theo một đứa nhỏ đi lang thang khắp chợ xin ăn.

Bộ dạng bà ngẩn ngơ, ai gọi cũng không đáp. Người trong chợ sợ bà đứng trước sạp hàng ảnh hưởng việc làm ăn nên cũng đem cho bà khi thì cái bánh, khi thì bó xôi rồi đuổi đi. 

Thằng nhóc bà dắt theo thì ngoài bộ dạng rách rưới lấm lem ra trông cũng ngồ ngộ. Ngặt nỗi không đứa trẻ nào trong chợ chơi với nó bởi lẽ cha mẹ chúng cũng cấm. Thế nhưng nó vẫn vui vẻ miệng cười toe toét chạy theo mẹ, tự chơi trong lúc mẹ xin ăn, có lúc còn huýt sáo nữa. Nên mọi người mới gọi nó là Tửng. Thằng Tửng vẫn thường thấy người ta nhìn mẹ con nó với cái nhìn thương cảm rồi nói:

Ai mà thất đức để đẻ ra thằng nhỏ như vầy."

Thằng Tửng còn quá nhỏ để hiểu lời cay độc của người lớn - một người đàn bà điên lang thang phải bị ép trưởng thành mới đẻ ra được đứa nhỏ như mình.

Bà ấy điên, nhưng ai động vào thằng bé thì bà lồng lên như chó dữ. Ngặt nỗi cái vẻ dữ dằn vô hại lại khiến lũ nhỏ trẻ con thích thú trêu chọc, cho “bà điên” rượt chạy rồi xúm lại cười.

Hôm đó cũng như vậy, lũ trẻ con trong chợ lại tiếp tục rủ nhau đi châm chọc hai mẹ con. Thấy thằng Tửng không để ý, thằng cầm đầu to béo nảy ra một ý, rủ mấy đứa khác nhặt sỏi, đá ném về phía thằng Tửng, như cái cách mà tụi nó vẫn thường trêu chọc con chó giữ cửa của bà Tám tiệm tạp hoá.

Viên đá to đập trúng trán thằng Tửng, máu tươi chảy xuống. Bà Điên gào thét như phát cuồng, chạy dồn theo lũ trẻ con. Một thằng nhóc con sợ quá chạy ra khỏi chợ, băng qua đường.

Bà Điên dồn theo sắp tóm trúng thằng bé thì bất chợt tiếng tông xe khô khốc vang lên. Máu lênh láng chảy ra từ gầm xe tải. Tài xế bỏ chạy, người  đàn bà xấu số ra đi,  không một ai rảnh mà bỏ công kiện tụng vụ tai nạn của mụ đàn bà điên. Người ta xúm lại xem rồi bàn tán xôn xao cuối cùng cũng chỉ đắp tấm chiếu - món đồ có giá trị duy nhất mẹ con bà điên sở hữu. Manh chiếu tả tơi đến mức không gói ghém được thân xác gầy nhom người phụ nữ, để lộ bộ đồ dính máu và cánh tay lặt lìa ra khỏi chiếu. Họ chôn bà trên miếng đất bỏ hoang. Nó mồ côi, mất luôn manh chiếu. Dù vậy, thằng nhỏ vẫn ngủ trên kệ thịt bốc mùi khi đêm về và ăn những thứ người ta bố thí như những ngày có mẹ.

Cho đến khi thằng nhỏ gặp ông - cụ già quên đường về khi đi ra chợ. Tửng biết rõ ông là ai, nó đâu có tửng như cái tên người ta đặt cho cái tên mà thiên hạ gọi cho xứng với thân phận là con của một kẻ điên. Độ rày ông hay đi lạc, mỗi đi ra tiệm tạp hoá của bà Tám uống trà với mấy ông bạn già cũng quên đường về miết. Còn nó thì luôn bị lạc, lạc loài!

Xã hội bon chen, con người vội vã, ở cái chợ trời tấp nập phía trước là cái tiệm của bà Tám không có đến nổi một người bỏ chút thời gian quý báu đưa ông già đãng trí về nhà. Chỉ mỗi thằng Tửng là người có dư dả thời gian đưa ông Sáu về tận nhà. Bởi lẽ, ngoài việc ăn xin đồ ăn thừa, hay những thứ người ta sẵn sàng bố thí thì thằng nhỏ chẳng bận rộn việc gì. 

Người ta kêu ông Sáu bị lẫn, mà ông đâu có lẫn. Nó cứ nghe ông kể về thằng Tư, con út, rồi đến thằng Hai thuở bé thế nào không xót một chi tiết, lắm lúc Tửng nghĩ ông giả đò bị lẫn. Những rồi cũng đưa ông về nhà trao tận tay bà Sáu. Lâu ngày thành quen.

Hai ông bà biết nó cơ nhỡ nên ngủ tạm bợ ở chợ lúc về đêm, còn gia cảnh ông bà thì đơn chiếc, nên muốn cho nó ở cùng ông bà. Thằng Tửng mừng lắm, nó được ông bà Sáu cho quần áo mới, được ăn bát canh cá lóc nóng hổi mỗi lần con nước lên. Những buổi trưa nó vẫn hay trèo vào lòng bà sáu ngủ, ngửi thấy mùi dầu gió xanh ngày một trở nên thân quen. Cái mùi dầu chữa đau nhức xương, khớp, và mấy vết muỗi đốt trên người thằng bé.

 Bởi lẽ đời đảo điên người ta có thể chấp nhận đem con vật bị vứt bên đường về nuôi còn đứa trẻ bị gán cho cái danh điên khùng thì không. Lũ con ông lão biết được tin tự dưng lại về. Họ về chỉ để đuổi thằng Tửng đi. Nghe tiếng con Út rít nghe qua kẽ răng:

“Ba má có thấy buồn thì mua chó mèo về nuôi bầu bạn!”

Nhưng ông Sáu nhất quyết không chịu, nếu đuổi thằng Tửng đi thì một đứa phải về ở với ông. Mà đâu có đứa nào chịu về, nên Tửng được ở lại.

Bà nhắc lại về ngày đầu nó theo ông về nhà. Khi ấy bà Sáu thấy nó còn ngượng nghịu rụt rè, không dám bước vào nhà nhìn thấy mà tội. Bà lại nghĩ đến vợ chồng mình. Ai đời, con cái đủ đầy, thế mà đến cái tuổi gần đất xa trời rồi mà ông bà lại chỉ có thể nương tựa vào nhau mà sống qua ngày. Hai ông bà cũng lớn tuổi, ăn cũng chả được nhiêu, tiền con cái gửi về cũng chẳng có chỗ mà tiêu. 

Bà thương cho phận bà, rồi thấy thương nó, dù sao cũng chỉ cần nuôi một miệng ăn cũng chẳng đáng bao nhiêu bà nghĩ thế, rồi sau khi tắm rửa sạch sẽ, lấy chai dầu gió xanh bôi lên vết cắn côn trùng khắp người nó, bà bới cho nó một bát cơm chan canh rau ngót nóng hổi, hơi ấm từ bàn tay dường như cũng sưởi ấm trái tim nó. 

Từ ngày mẹ nó mất, à không, ngay cả khi mẹ nó còn sống nó cũng làm gì được bát cơm nào như thế.

D
📷: Sưu Tầm 

Rồi Tửng chợt nhớ đến khúc bánh mì ỉu mà mẹ xin cho nó, thằng Tửng nhớ mẹ, lại cảm động với chén cơm bà Sáu vừa đưa cho, tự dưng thấy khóe mắt hơi cay.

Thằng nhỏ vẫn luôn nghĩ nó chỉ có thể sống nhờ vào đống thức ăn thừa mà người ta cho, cuộc đời nó có lẽ chỉ đến thế, đói và lạnh là vòng tuần hoàn được lặp đi lặp lại từng ngày.

Từ hôm ấy, nó ở với ông bà, nó được mặc quần áo sạch sẽ, được ăn những bữa cơm gia đình đơn giản mà ấm cúng, tiếng dế kêu sau hè cũng trở nên ngân vang như khúc nhạc đồng quê chứ không còn là tiếng kêu động vật như nó vẫn thường nghĩ. Buổi sáng nó sẽ cùng bà Sáu đi chợ nấu ăn, hoặc sẽ cùng ông Sáu ra tạp hóa bà Tám uống trà. Hình như, nó đã có một mái nhà, có một gia đình, có thêm một người mẹ nữa.

Vậy mà, bà Sáu ra đi nhẹ nhàng vào một đêm nọ, nó mồ côi lần nữa, mùi dầu gió vẫn còn thoang thoảng quanh đây nhưng nó không còn cảm thấy ấm áp như những ngày trước. Gương mặt hiền từ bới một chén đưa cho nó ăn cũng chỉ còn là ký ức.

Đám con của bà lại về làm cho bà cái đám lớn. Trên nóc tủ thờ, bà cười mãn nguyện khi thấy bảy tám đứa đội tang trắng, khóc than đủ điều cho người mẹ mà mình chưa một ngày có thể chăm sóc. Nó cũng khóc cho bà nhưng rồi khóc thêm cho mẹ. Mẹ thằng nhỏ không có lấy một bức ảnh khi mất, nên gương mặt mẹ ra sao Từng dường như cũng quên rồi. Ông Sáu thì ngồi co ro trên bộ ngựa, không nói năng gì, tưởng như ông vừa mất đi cái gì đó quan trọng lắm. Vậy mà, sau đám tang của bà họ lại đi, chứ không hề có ý nghĩ sẽ chăm sóc ông Sáu, để bù đắp lại những năm tháng sống vô tâm khi trước.


Tính ra cái mùi dầu gió xanh ấm áp của bà cũng đã bay đi đâu độ ba vụ lúa Đông Xuân. Từ độ ấy ngoài dịp tết ra thì bầy con của ông Sáu lại có thêm một ngày nữa để về quê thăm cha của họ - giỗ bà Sáu. 

Trừ ngày bà mất, bầy con bà Sáu đứa nào cũng khóc vì sự ra đi của bà. Thì nay, mỗi lần về là một lần tụ họp đông vui.

Mấy đứa con cười nói rôm rả, mua vài két bia làm lai rai với chòm xóm, còn thuê thêm loa kẹo kéo về hát cho vui nhà vui cửa không khác gì cái tiệc tân gia. 

Trong đám giỗ của bà lần này, thằng Hai con bà Sáu không về, nhưng cũng không sao, mấy đứa còn lại chung vui bật nhạc xập xình, chắc chúng nó cũng đã quên ngày này mấy năm về trước tụi nó đã khóc ra sao, tiếc hồi mẹ mình còn sống không ở cạnh bên chăm lo đầy đủ, chỉ tiếc thế rồi thôi, khóc vậy đó rồi quên chứ ông Sáu ở thui thủi một mình mấy năm nay có đứa nào có ý định về để chăm sóc ông, đứa thì lấy lý do công việc, đứa thì theo chồng xa… Trong cái đám giỗ liệu còn ai nhớ đến bà Sáu ngoại trừ thằng Tửng và ông Sáu bị lẫn. 

Tới trưa khi mấy mâm cỗ được dọn lên tươm tất, cả nhà mới tá hỏa nhận ra ông Sáu đâu? Ông không nhớ đường về nhà vậy thì đi đâu được? Thằng Tửng không nói gì chỉ đưa cái nhìn bâng quơ ra ngoài đồng, nó biết ông Sáu ở đâu. 

Dạo gần đây nó lại nghe thấy mùi dầu gió về. Nó nhớ bà Sáu nên tưởng thế. Thằng nhỏ mặc kệ người trong nha đang cuống cuồng lên vì lên ông sáu mất tích, Tửng
lặng lẽ ra đồng.

Thời ông bà quý từ cái radio rè rè chẳng rõ tiếng, tới chiếc vô tuyến trắng đen chiếu phim câm, vậy nhưng kí ức của ông vẫn sống động từng câu từng gam màu tươi mới đan xen vào nhau.Còn ký ức của một vài người lại chỉ là một mớ hỗn độn chắp vá, vội vàng quá nên đâu có cái gì lưu lại được. Họ quên nỗi đau mất bà, quên luôn từ sáng đến giờ ông Sáu không hiện diện trong căn nhà này.

Thằng Tửng ra mộ bà tìm ông, hai ông cháu kể nhau nghe về bát cơm chan canh của bà ngày còn sống dưới ngọn gió ban trưa, nghe sống động, mà quên cả ánh chiều tà đã về. Cho đến khi ông Sáu nói:

Về ăn cơm, để bà mày đợi.”

Chợt nó lại nghe mùi dầu gió của bà trên ngực áo.
   Trí Nghiên
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: MÙI DẦU XANH

​​​​

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.