NẮNG CỦA HOÀNG HÔN
#Tay_Đan_Mùa_Về
Chủ đề: Nắng ở đâu?
Nắng của hoàng hôn rất đẹp, nhưng không phải để ấp ôm.
Thêm một lần nữa, tôi thất thần giữa phố xá người qua kẻ lại chỉ vì nhác thấy một bóng hình quen. Phố giờ tan tầm đông nghìn nghịt với còi xe nhốn nháo, bóng lưng nhỏ bé ấy rất nhanh đã khuất lấp sau nghìn trùng những tấm lưng xa lạ khác. Tiết tháng Năm trời trong nắng đẹp, màu nắng rất ngọt mà lòng tôi thì đắng chát, cảm giác tái tê như vẫn còn đang ngâm mình dưới buốt giá lạnh căm.
Tiếng còi inh ỏi phía sau vang lên đầy hối thúc. Tôi giật mình rồ ga di chuyển theo dòng người, hai tay bấu chặt vào tay lái mà cơ thể cứ chới với chênh chao. Tôi chẳng nhớ mình đã về nhà bằng cách nào, khép cửa lại, chỉ còn nỗi cô đơn như hóa thành thực thể chảy xuôi trong từng tế bào. Ai đó đã nói cảnh giới cao nhất của cô đơn là đứng giữa biển người mà vẫn thấy lạc lõng. Đúng là chỉ khi ở chốn đông người, xác thân không bến đậu mà tâm hồn cũng chẳng chỗ trú, ta mới nhận ra mình cô đơn biết chừng nào.
Tôi tự pha cho mình một tách trà, bật một bản nhạc quen rồi lết tấm thân rệu rã ra ban công, ý đồ vớt vát chút ráng chiều dần tan. Trà là loại trà hoa thủ công em tự phơi sấy. Nhạc là giai điệu cũ em thường khe khẽ ngâm nga. Ban công nơi nhìn ra mặt hồ lộng gió cũng là chỗ ngồi quen thuộc của em. Chợt nhận ra, dường như không một thời khắc nào từng điểm từng vệt trong cuộc sống xung quanh không nhắc nhớ tôi về em dẫu hơi ấm em lưu lại đã nguội lạnh. Có lẽ đây chính là “cảnh còn người mất” mà văn chương hay nói tới.
Chúng tôi quen nhau từ ngày xửa ngày xưa khi còn là những đứa bé chân đất sống cạnh nhà nhau, yêu đương được một năm, đường đi hai ngả đã bốn tháng. Gốc cây trước cửa nhà trọ chống chọi qua mùa đông hoang tàn đến xuân sang nảy lộc, nay đã xanh ngăn ngắt đón nắng hạ ghé chơi. Vạn vật thảnh thơi tiến về phía trước chỉ để mình tôi giậm chân tại chỗ, bận rộn gặm nhấm những ngọt ngào đã qua.
Tháng đầu tiên sau khi chia tay, tôi bực bội nhiều hơn khổ sở và vẫn sĩ diện cho rằng không có em, mình chỉ bớt ổn một chút thôi. Trước kia tôi cũng một mình trong một khoảng thời gian dài, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc theo guồng quay cuộc sống như bình thường. Chẳng có gì to tát cả.
Tháng thứ hai, tôi bắt đầu thấy nhớ nhung và trống vắng. Như một phản xạ tự nhiên, tôi không cấm cản nổi bờ môi cứ thi thoảng lại vô thức gọi tên em hay ánh mắt cứ tự động dõi theo những bóng dáng giống em. Cảm giác hụt hẫng, chưng hửng khi nhận ra em đã xa chỉ khiến nỗi nhớ trong tôi càng thêm da diết.
Tháng thứ ba, thứ tư, tôi như con nghiện thiếu thuốc quay cuồng trong cơn vật vã ngày một nghiêm trọng. Tôi mất đi khả năng phân biệt giữa ảo giác và thực tại, cảm thấy bản thân luôn mãi lâng lâng trong một giấc mộng, giấc mộng mà ở đó em là bóng ma ám ảnh và quanh tôi, mùi hương này, bóng lưng kia, tiếng cười nọ… tất cả đều là em.
Hôm nay cũng vậy, dù biết thừa em sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới thành thị này nữa nhưng tôi vẫn cứ ôm hy vọng mong manh rằng bóng lưng kia thuộc về em. Tôi thừa nhận rằng mình nhớ em đến phát điên, nhớ đến nỗi vẫn chưa thể buông tha cho bản thân lẫn những quá vãng định sẵn sẽ chỉ là quá vãng.
Gặp em không khó, chỉ một chuyến xe nhưng tôi thậm chí còn chẳng dám kiếm tìm bóng hình em trong vòng bạn bè chung của hai đứa. Tôi sợ thấy em giờ đã buông bỏ và bước tiếp, càng sợ hơn nếu em vẫn chưa thể dứt ra khỏi vướng mắc sai trái mang tên tôi và em.
Hoàng hôn nhuộm một màu cam cháy lên bầu trời thành phố. Bên tai tôi văng vẳng tiếng nhạc du dương cùng âm thanh xạc xào khi gió chiều ve vãn những hàng cây. Bầu không khí yên ắng kiểu này luôn khiến tâm trạng tôi chùng xuống vì tịch mịch nhưng lại là thời khắc mà em yêu nhất trong ngày. Em thích âm nhạc nhẹ nhàng, thích trà hoa nồng ấm, thích những chiều xa vắng ngỡ như thời gian đã ngừng trôi. Em thích ngồi trên ban công thưởng thức ngày tàn, khuôn mặt chênh chếch về nơi ngược sáng, cả ánh mắt lẫn biểu cảm đều mờ nhòa trong tia nắng cuối cùng của hoàng hôn.
Tôi với tay lấy chiếc điện thoại nằm chỏng chơ trên bàn trà, nhấn vào biểu tượng hình chữ “f”. Lần đầu tiên sau bốn tháng quay lại với mạng xã hội quen thuộc, thông báo và tin nhắn tích lũy nhiều đến nỗi hệ thống cũng chẳng buồn đếm. Lần lượt lướt xuống những dòng trạng thái vô vị, bỗng tôi khựng lại trước cái tên quen thuộc. Thông báo được đăng cách đây vài tiếng, không dài dòng văn vẻ, chỉ một biểu tượng mỉm cười và ảnh chụp tấm thiệp hồng rực rỡ. Màu đỏ đâm vào mắt tôi đau nhói.
Kỳ thực, tôi đã luôn chờ đợi ngày này như người ung thư giai đoạn cuối chờ được giải thoát khỏi đớn đau bệnh tật. Có lẽ bởi thế mà thay vì khóc lóc vật vã, tôi bình tĩnh hơn những gì mình tưởng, chỉ sững sờ một chút rồi chết lặng một chút. Tiếng chuông điện thoại réo rắt cắt ngang không gian tĩnh lặng. Tôi máy móc bấm nhận cuộc gọi.
“Hân đấy hả con? Đi làm về chưa?”
“Dạ rồi, có việc gì không mẹ?”
“Ừ, mẹ gọi báo cái Thương chuẩn bị lấy chồng rồi đấy, cuối tuần sau là cưới. Hai nhà hàng xóm láng giềng, con với nó cũng chơi thân, liệu mà thu xếp về dự!”
Niềm vui của mẹ vẫn luôn có tính lây nhiễm như thế. Sự hoan hỉ truyền từ đầu bên kia qua loa điện thoại, chui vào màng nhĩ rồi vẽ lên trên mặt tôi một nụ cười méo xệch. Tôi sống sượng nặn ra một tiếng “Dạ…” nghe như hụt hơi.
“Mẹ mừng cho bác Hà quá! Khổ thân, một mình ở vậy nuôi con nên người, cả đời chỉ mong cái Thương nó sớm lấy chồng sinh con, ấm yên đề huề. Mấy tháng trước còn ốm một trận tưởng sắp đi tới nơi làm mẹ hết hồn, bây giờ cũng xem như bĩ cực thái lai.”
“Mấy… mấy tháng trước ấy ạ?”
“Ừ, thế cái Thương không nói gì với con à? Tầm bốn tháng trước lúc nó bỏ việc về quê ấy! Bác Hà ốm nặng một trận, họ hàng quýnh lên gọi cái Thương về, tưởng phải lo hậu sự luôn rồi cơ, may mà căng qua được. Sau lần đó con Thương nó cũng hiểu chuyện, không cự nự việc lập gia đình nữa, đồng ý đi xem mắt rồi chấm được thằng bé ổn lắm. Bác Hà gặp việc vui tinh thần cũng sáng sủa hẳn ra, nhẹ cả người!”
Mãi tới khi màn hình điện thoại tắt ngấm rồi tối lại, tôi vẫn chẳng thể dàn xếp nổi những suy nghĩ rối ren trong đầu. Nỗi đau âm ỉ nơi lồng ngực lại quặn lên.
Ký ức về một ngày nào đó của bốn tháng trước bỗng ồ ạt ùa về trong tâm trí. Thương nhìn tôi như muốn nói rồi lại thôi, mãi đến khi tôi cười gặng hỏi, em mới do dự cất lời:
“Hân này, nếu có hai thứ chị đều rất muốn nhưng chỉ được chọn một trong hai, chị sẽ chọn thứ tốt cho riêng mình hay thứ tốt cho tất cả?”
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi đưa ra câu trả lời, “Chắc là chị sẽ chọn tốt cho tất cả. Dù gì cũng đều là thứ mình muốn mà, mất cái này vẫn còn cái kia, tốt cho tất cả sẽ thỏa đáng hơn chứ nhỉ?”
Có lẽ khi ấy Thương đã phải dằn vặt dữ lắm giữa trách nhiệm của phận làm con và tình cảm bé mọn vốn đã mang sẵn xiềng xích cấm đoán. Tiếc là tôi chẳng để vào lòng bởi chỉ cho là em lại đọc được đâu đó mấy thuyết ngôn tình vẩn vơ. Đáng ra tôi nên phát hiện điều bất thường khi ánh mắt em nhìn tôi bỗng đau đáu khác lạ, khi người con gái thẹn thùng hướng nội như em bỗng nhiệt tình đến mức hoang đường.
Lần đầu tiên kể từ khi tỏ rõ lòng nhau, chúng tôi buông thả lý trí và để mặc con tim dẫn lối cho những cử chỉ ám muội. Tôi còn nhớ cảm giác dính dấp khi mồ hôi tôi và em rơi nơi nhau mướt mải. Chúng tôi dắt nhau vào địa đàng trần thế, vươn tay ngẩng cổ đón những hạt mưa lâm thâm dịu dàng tưới mọng thứ quả độc mang tên trái cấm mà tôi và em chia nhau nhấm nuốt trong nghẹn ngào. Tôi nhớ nụ hôn chúng tôi trao nhau ẩm ướt mà chẳng biết là mặn hay ngọt, nhớ hô hấp hào hển giữa môi lưỡi thay cho lời tình tự không thể nói ra, nhớ tứ chi dây dưa đan cài như muốn hóa thành ngàn vạn sợi tình tơ quấn quít trói buộc lấy nhau. Hai cơ thể với những đường cong tương đồng vốn chẳng hề phù hợp vẫn cứ cố chấp gắn ghép vào nhau khít khao.
Đêm ướt, chăn gối ướt, mắt môi chúng tôi cũng ướt sau cuộc rượt đuổi triền miên giữa những áng mây mềm. Trong một khoảnh khắc, chúng tôi quên đi hết thảy lễ giáo luân thường, hết thảy định kiến khen chê, quên mất rằng chúng tôi chưa từng mà cũng không thể là tất cả của nhau. Những trách nhiệm, nghĩa vụ, thiên chức vớ vẩn đều bị chúng tôi cào cấu, vò nhàu, chà nát dưới dục vọng nguyên thủy nhất và tình tự thuần túy nhất. Chúng tôi coi nhau như bè cứu sinh mà ghì chặt, mà ôm siết, mà hấp hối trong cuộc tình định sẵn sẽ phải kết thúc ngay lúc cao trào.
Mây tạnh mưa tan khi trời đất đã hoàn thành cuộc chuyển mình giữa ngày và đêm. Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt xa xăm và nụ cười buồn đến lạ khoảnh khắc em nói hai tiếng “chia tay”. Giữa chăn gối nát nhàu, trong không gian còn hừng hực hôi hổi và đêm tối giăng kín căn gác nhỏ, em không nhìn tôi, chỉ thì thầm khe khẽ như tự nói cho mình nghe.
“Hân này, kể mà ta không chỉ là người tình, và tình mình sẽ như bình minh buổi sớm mai… thì tuyệt biết mấy, nhỉ?”
Giờ tôi mới muộn màng nhận ra tôi và em vẫn luôn yêu trong vá víu và chỉ gọi nhau là người tình, chỉ dám gọi nhau là người tình. Nghe rất tình nhưng lại là danh xưng dành cho kẻ vô hình. Người ta có thể đem khoe người yêu, người thương hay người bạn đời với cả thế giới nhưng lại giấu sâu một người tình như giấu một cái dằm trong tim. Vết dằm đâm thi thoảng lại nhói lên nhức nhối, ta muốn nhổ quách nó lên rồi lại sợ máu thịt tơi bời, đời ta từ đó trống vắng và hoang hoải.
Uống cạn tách trà lạnh, tôi hờ hững trông theo thái dương đỏ ối khuất hẳn sau những tòa cao ốc nơi xa. Nước trà đắng nghét, nguội ngắt như giọt nước mắt đã rơi và khô tự bao giờ.
Nhếch miệng cười mỉa, tôi thầm nghĩ, nếu định sẵn sẽ không giữ được, đáng ra ngay từ đầu không nên đắm chìm, đắm chìm rồi ắt sẽ muốn giữ lấy. Nhưng chuyện tình của chúng tôi lại là nắng của hoàng hôn, không đợi cả hai cảm nhận hết vẻ đẹp của ráng chiều lộng lẫy thì ngày cũng đã tàn.
Mà… có mấy ai nắm níu được những vệt nắng cuối ngày?
---------------
Thùy Linh
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: NẮNG CỦA HOÀNG HÔN
Add new comment