NGƯỜI CHA VĨ ĐẠI

Sáng tác: Hiệp Nguyễn - Những Ngón Tay Đan

 

“Em ở nhà với con, vài ngày nữa anh về.”

Đó là câu nói mà mỗi khi nghĩ lại tôi luôn tự hào về cha mình. Mẹ tôi là người phụ nữ đúng nghĩa ngoài cứng trong mềm, ngày cha tôi lên đường công tác theo lệnh cấp trên cũng là ngày tôi chứng kiến hai người cãi nhau lần cuối, mẹ tôi thì không muốn cha tôi đi ra đó vì thật sự ngoài đó rất nguy hiểm nhưng tôi biết cha tôi là người như thế nào, ông chưa bao giờ bỏ mặc ai. Mẹ tôi hiểu điều đó nhưng vì quá lo cho cha tôi nên bà đã không kìm nén được cảm xúc của mình. Cha tôi chỉ là bác sĩ ở một bệnh viện nhỏ, nhưng hôm nay ông cảm thấy tự hào vì được trở thành tuyến đầu trong đội ngũ chống dịch của thành phố.

Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, một chú đồng nghiệp của cha gọi về cho mẹ, kêu mẹ và tôi lên bệnh viện gấp. Tôi như dần hiểu ra điều gì đó, thấy nét mặt của mẹ bất an khiến lòng tôi càng không yên.

“Ai là người nhà của anh Nguyễn Thanh Sang” – Vừa nghe tiếng cô ý tá gọi, mẹ tôi lật đật chạy theo vào phòng cấp cứu.

Đứng bên ngoài phòng cấp cứu, người nằm trên giường là cha tôi, tôi tuy không nghe rõ mẹ và các chú bác sĩ nói gì nhưng tôi biết có điều gì đó không hay xảy ra. Khoảng 20 phút sau, mẹ gọi tôi vào, mẹ dường như hiểu được ánh mắt lo lắng của tôi dành cho cha mình. Qua cuộc trò chuyện giữa mẹ và các chú, tôi biết được cha tôi đã gặp tai nạn trong lúc lên đường tới khu cách ly. Hiện tại, tình hình của cha đang rất nguy cấp, vì cha thuộc nhóm máu hiếm nhưng bây giờ ngân hàng máu lại không đủ để cung cấp một lượng máu nhiều như vậy. Mẹ nhìn tôi, tôi như chết lặng, nếu không có đủ lượng máu để phẫu thuật gấp cha tôi có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi hi vọng, nước mắt tôi dần ứa ra, tôi ước. “Linh ơi” – Mẹ tôi ngấn lệ gọi tôi.

—————————————

“Có máu rồi, nhưng chỉ bằng này là không đủ, phải cần thêm nữa. Nhóm máu O Rh- này thật sự rất khó kiếm, hiện tại ngân hàng máu cũng đã cạn kiệt” – Một bác sĩ vừa thông báo cho tôi biết.

“Có thể dùng máu của tôi, tôi cùng nhóm máu với bệnh nhân.” – Tôi nói

“Cô chắc chắn chứ, hiện tại máu này đang rất hiếm nếu như hiến mà lỡ có chuyện gì thì sẽ phiền phức lắm.” – Bác sĩ ấy nói với tôi với vẻ mặt đăm chiêu.

“Làm đi, cứu người là trên hết.” – Tôi dứt khoát nói.

Bốn tiếng trôi qua, cuộc phẫu thuật rất thành công, tôi và mọi người đã có chút thời gian thư giãn sau những giây phút căng thẳng trong phòng mổ. Một người bạn đã hỏi tôi: “Chị Linh, em có hơi tò mò một tí, chị và bệnh nhân đó đâu có quen biết gì nhau tại sao chị lại bất chấp nguy hiểm để hiến máu cứu người đó vậy, chị thì lại hay bệnh nếu có gì không may thì…” – “Em nói gở gì đó, chị vẫn khỏe mạnh đây này, chỉ là chị thấy đây là việc mình nên làm thôi.”. Chẳng hiểu sao, lòng tôi chợt thấy nhẹ nhõm cứ như là tôi vừa trút bỏ đi gánh nặng mà tôi đã mang suốt bao năm qua, dù rằng chuyện đó đã từ rất lâu rồi.

“Nguyễn Diệu Linh, ở đây có ai là bác sĩ Nguyễn Diệu Linh không? Có điện thoại ai đó gọi tìm này.” – Giọng bác bảo vệ từ xa vọng tới chỗ tôi và các anh chị em đang ngồi nghỉ ngơi. “Dạ là cháu ạ” – Tôi với gọi bác.

“Linh, con làm gì từ sáng đến giờ mà mẹ gọi con hoài không được vậy?” – Mẹ tôi nói

“Dạ, sáng giờ bệnh viện con lu bu quá, mà máy con thì lại hết pin không có thời gian để sạc, con xin lỗi vì làm mẹ phải lo” – Tôi nói

“Ngày mai con có về không, bây giờ dịch bệnh khắp nơi mẹ thấy lo cho con quá” – Mẹ tôi giọng như sắp khóc

“Dạ, ngày mai chắc chưa đâu mẹ à, nhưng con sẽ ráng sắp xếp về sớm” – Tôi nói

“Vậy được rồi, một tuần nữa là giỗ của cha rồi con nhớ mua ít trái cây cho cha nghe con, con làm cẩn thận nhé” – Mẹ tôi nói

“Dạ….” – Tôi chào mẹ rồi cúp máy

14 năm trước, có một gia đình nhỏ đang sống hạnh phúc, đó là những gì sót lại trong ký ức vụn vỡ của tôi, thì một cơn đại dịch bất ngờ ập đến. Ngày ấy, vì thiếu nhân lực nên cha tôi được điều động gấp vào tâm dịch để cứu giúp. Thật không may, cha tôi đã gặp tai nạn khi đang cố gắng tìm đường đến khu cách ly. Cha tôi mất vì không đủ máu, ngày ấy tôi còn quá nhỏ để có thể hiến máu cho ông, lời cuối cùng ông nói trước khi trút hơi thở :”Linh, Cha thật sự tự hào về con.” Từ ngày hôm đó, tôi đã quyết tâm trở thành một bác sĩ như cha tôi, có thể hôm đó tôi không cứu được cha mình nhưng tôi sẽ cố gắng cứu cha của những đứa trẻ khác, tôi không muốn một đứa trẻ nào phải trải qua cảm giác đó như tôi cả. Hôm nay, một cơn đại dịch nữa lại tìm tới, tôi lại một lần nữa đối mặt với nó nhưng giờ đây tôi không còn sợ như ngày đó nữa, tôi biết bây giờ tôi không một mình, tôi có đồng đội, có người mẹ già đang trông chờ tôi và đặc biệt là có một người luôn dõi theo tôi. “Có phải không cha.”

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.