[RADIO TRUYỆN NGẮN #83] MÙA HÈ BA THÁNG CÓ LẺ

Sáng tác: Ăn Cơm Với Cá - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

📓Truyện Ngắn: Mùa Hè Ba Tháng Có Lẻ [Phần 1]
🖋Sáng Tác: Ăn Cơm Với Cá
🎙Giọng đọc: Sương Võ
🎶Âm Nhạc: Vũ Đặng Quốc Việt (You Are The Way)
📷Thiết Kế Hình Ảnh: Hồng Nhật - Lê Anh Thư

 

Mùa hè năm ấy là một mùa hè ba tháng có lẻ. Mùa hè ấy trôi qua, và rồi nhiều mùa hè khác ghé đến. Nhưng tôi biết rằng chẳng có mùa hè nào như mùa hè năm đó…

Năm hai mươi, tôi có dịp đi tình nguyện, một tuần bốn ngày. Với những người khác, sự giúp đỡ của tôi trong ba tháng hè đó ít ỏi đến đáng thương, giống như cơn mưa rào đổ sau sân đầy nắng, chẳng bao lâu đã bốc hơi, mất tăm mất tích.

Nhưng với riêng tôi, trong ba tháng hè có lẻ năm hai mươi, thân xác tôi vỡ vụn, trái tim bẻ làm hai, nhưng rồi lại được tưới táp nhờ cuộc gặp gỡ với “em”.

Khi ghi lại những dòng nhật ký giờ đã bị nhòe nước bởi giọt mặn, tôi ghi tên em nhiều lần rồi gạch đi. Cái tên rồi sẽ sớm bị quên đi bởi những con người chắc chẳng có duyên gặp lại nhau trong đường đời. Rồi tôi ghi chữ “em” trong tập thật đậm, như để nhớ. Có thể sau này trong đường đời vội vã, em chỉ như dòng hồi ức nhạt nhòa… nhưng rồi tôi biết chắc chẳng gặp lại ai như em nữa.

Thiết kế: AT_HN - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: AT_HN - 📸: Sưu tầm

Hôm ráng hạ ngày ấy, tôi đưa cho em một tờ giấy trắng, không có dòng kẻ. Sau đó nhìn em, bảo em cứ vẽ những gì em thích. Đó chỉ là một hoạt động mà tôi nghĩ ra dành cho những đứa trẻ thường ngẩn ngơ ngắm cảnh và cây, chẳng có gì để làm.

Em sờ cái đầu trọc lóc như trái banh của mình, nghi ngờ nhìn tôi, sau đó nghiêm túc nói với tôi rằng mấy trò vẽ vời này chỉ dành cho trẻ con. Tôi bị em chọc cười, hỏi rằng vậy người lớn thì sẽ làm gì.

Em bảo rằng người lớn sẽ viết chữ.

Giường kế bên là một cô giáo đã về hưu, thỉnh thoảng sẽ dạy em học chữ. Chữ O em viết méo xệch, chữ U thì lại viết một nét ngang, uốn cong phần giữa như mạn thuyền được gấp bằng giấy - chiếc thuyền mà tôi dạy em gấp, giờ vẫn còn đặt ở đầu giường ngay cạnh bình hoa gốm có hoa văn chấm bi. Cô hay dạy cho mấy đứa nhỏ học, có đứa còn chưa từng được tới trường, có đứa đã chững ở tuổi mười hai - mười ba.

“Người lớn thường sẽ tuân theo nguyên tắc. Tờ giấy trắng lớn thế này, không có đề bài em cũng chẳng biết viết gì.” Em phụng phịu. Một đứa nhỏ mười tuổi - cho rằng mình đã lớn - học cách đề ra những nguyên tắc.

Tôi cốc vào đầu em, đáp bâng quơ: “Được rồi cô gái trưởng thành, chị giao bài tập về nhà cho em đây. Viết về mấy thứ mà em muốn làm trong tương lai ấy, hay là giấc mơ của em chẳng hạn?” Trẻ con lúc nào mà chẳng đầy sự mơ mộng để viết?

Em ngơ ngác: “Thế mà cũng gọi là đề bài à?”

Tôi trừng mắt, thu dọn rác dưới gầm giường: “Đúng vậy, hạn nộp là một tháng sau, liệu mà viết.”

Em chớp mắt, sau đó trừng tờ giấy trắng giống như lúc tôi trừng em.

Kể từ sau đó, thỉnh thoảng tôi sẽ thấy em đi lòng vòng ở khu sân sau. Đôi khi là núp trong bụi, ngắm nghía gì đó. Đôi khi là lăn lộn trên nền cỏ, hất tung mấy hòn đá cuội. Có lần em còn mải mê chạy theo những chú chim, khiến em suýt té nhào, hoặc ít nhất là đã té trong vài lần tôi không để mắt. Khi mệt, em ngồi ngẩn ngơ dưới tán phượng, chờ hoa rụng.

Khi đó tôi cười em, bảo mùa hè còn dài lắm. Lũ hoa rụng ấy chẳng mấy chốc sẽ lại mọc nhanh như gió thổi.

Hoạt động của em mỗi ngày mỗi khác, nhưng đến cuối ngày, em sẽ kéo tay tôi, thủ thỉ những điều mà em nhìn thấy. Những đứa trẻ thích nói về những ước mơ của mình - những ước mơ nhiều người tự đề là “viển vông” và chắc không thành sự thật. Ví dụ như giấc mơ biến thành siêu anh hùng, như giấc mơ có thể bay, như giấc mơ có thể hái sao trời.

Thiết kế: AT_HN - Ảnh: Sưu tầm
    Thiết kế: AT_HN - 📸: Sưu tầm

Thuở đầu em gối lên vai tôi, còn thủ thỉ: “Mấy ước mơ đó không tốt sao?”

Tôi không nghĩ rằng đó là những ước mơ tồi, nhưng đáng tiếc nó khó có thể thực hiện.

“Người lớn thường gặp rắc rối trong việc nói thật.” Em nghịch sợi chỉ đã sờn tróc ra từ cổ tay áo tôi: “Họ có rất nhiều nỗi sợ, nhưng không biết cách đối mặt nó.”

Tôi bật cười, trêu ghẹo: “Ơ thế chẳng phải em bảo em là người lớn à?”

“Em có đủ tư cách để làm người lớn, hoặc còn tốt hơn.” Em nghiêm túc: “Em cũng từng có những giấc mơ viển vông, nhưng khi biết nó sẽ không trở thành sự thật, em học cách chấp nhận.”

Lời này gây tò mò cho tôi hơn cả chuyện em đã thấy lũ kiến lôi một vụn bánh Nabati vào trong ổ: “Giấc mơ nào thế?”

“Giấc mơ mà cha mẹ sẽ đến thăm em.”

Tôi lặng người đi một chốc, nhận ra đã rất lâu em đã một mình. Lũ trẻ làm bạn với em dạo ấy người đến rồi đi, chỉ có em vẫn ngồi thẫn thờ bên cửa sổ chờ những người bạn mới.

Sau cùng, em bỏ cuộc, em bảo rằng việc kết bạn mới có chút khó khăn. Thay vào đó, tôi trở thành một người bạn “đồng trang lứa” với em.

“Chẳng có gì khó chấp nhận hơn việc bản thân đang ép mình phải làm điều gì đó. Đối với em, việc nhớ thương những người không nhớ thương mình quá khó khăn.”

Thiết kế: AT_HN - Ảnh: Sưu tầm
   Thiết kế: AT_HN - 📸: Sưu tầm

Tôi không biết phải đáp thế nào, dường như cuộc sống khó khăn hơn nhiều đối với cô gái bé nhỏ của tôi. Cuộc đời tôi không bằng phẳng, nhưng nghĩ về việc bị bỏ rơi vẫn là cái gì đó đau đáu.

“Thời gian biểu” của em bận rộn đến đáng ngờ, buổi sáng em sẽ quanh quẩn ở sân sau, ngắm đám hoa cỏ. Buổi chiều em sẽ trò chuyện với tôi, kể đi kể lại về việc mấy bông hoa thú vị ra sao.

Tôi thường hưởng ứng với điều đó, nhưng thỉnh thoảng không hiểu sao em lại cố chấp với những điều đó đến vậy. Rồi em nhìn tôi, giống như nhìn một kẻ khờ.

Hết Phần 1

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.