SẮT

Sáng Tác: Trần Hiền - Những Ngón Tay Đan

Hành lang bệnh viện tầng 12 rất ít người, vô cùng thoáng đãng và sạch sẽ. Đây là tầng cao nhất của khoa phẫu thuật, là ranh giới sinh tử giữa sự sống và cái chết, nơi đây sẽ xuất hiện những hạnh phúc kỳ tích hoặc những buồn thương được dự đoạt trước. Xung quanh hắt lên mùi khử khuẩn vô trùng nồng nặc. Trên dãy ghế màu bạc bằng i-nox có ba con người - hai già, một trẻ - đang cố dắt díu vào nhau, cố dựa dẫm vào nhau. 

Tất cả bao phủ bởi sự yên lặng triền miên, tĩnh lặng đến bi thương vô hạn. Thỉnh thoảng vài bác sỹ hoặc y tá mặc áo Blu trắng đi qua đi lại trước mặt họ trong sự gấp gáp vội vã. Rất gần họ, trước mặt họ, chỉ cách họ một bức tường bằng kính trong suốt là hình hài một cô gái trẻ đang nằm thở ô-xi trên giường bệnh, cô ấy đang mông lung trong những giây phút sinh tử cuối cuộc đời ba mươi lăm năm tuổi ngắn ngủi của mình. Khắp người cô ấy chằng chịt những ống thở, dây điện, thiết bị y tế. Nhịp tim cô ấy yếu dần, yếu dần. Cách chỗ ngồi của ba con người đang đau đớn tột độ ấy một quãng vừa đủ là một chàng trai mặc quân phục bộ đội khoảng tầm tuổi cô gái trong phòng điều trị đặc biệt này. Chẳng ai quen biết chàng trai ấy, cũng không biết cậu ta đến ngồi đây làm gì từ khi nào, chỉ biết rằng suốt hai ngày hai đêm cậu ta ngồi lỳ một chỗ ở đó. 

Cả một tầng 12 này chỉ có một bệnh nhân duy nhất là cô gái nhỏ trong kia mà thôi. Ba người đang ngồi kề nhau trước sảnh chờ là cha mẹ ruột và chồng của cô gái nhỏ, gương mặt ai nấy đều tối sẫm và buồn, họ mong chờ một kỳ tích. Trong thâm tâm họ không bao giờ muốn nghĩ đến tình huống xấu nhất, rằng cô con gái của họ, vợ của họ sẽ biến mất giữa thế gian này. Cô ấy sẽ không còn hình hài, không còn hơi thở, nói cười bên họ nữa. 

Phía trong phòng trực, tiếng một cô y tá vang lên trầm mặc:

 - Có lẽ hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của cô ấy, y học thực sự đã bó tay trước thần chết. Cô ấy đã rất yếu. 

 - Tội quá – Tiếng một bác sỹ chậm rãi – gia đình bệnh nhân thực sự không muốn bỏ cuộc. Bây giờ hoặc là đưa cô ấy về để có thể nhìn nhà cửa, con cái lần cuối, hoặc là phải để cô ấy đi ở đây. 

Một cô ý tá khác cố gắng thay đổi không khí:

 - Các bác các chị có thấy chàng trai bộ đội đó không? Anh ta ngồi đây cũng hai ngày hai đêm rồi, em thấy hình như anh ta không đi ăn hay cả đi vệ sinh luôn, cứ ngồi yên như tượng. 

Rồi họ bàn tán với nhau:

 - Ừ, không hiểu anh ta là ai nhỉ? Sao lại ngồi đây? Hay là người thân của cô gái đó?

 - Không phải, nếu người thân hay quen thì họ phải biết nhau chứ. Họ dường như không hề quen biết nhau ấy.

Tiếng tít dài vang lên khô khốc trên toàn khoa, các y bác sỹ gấp gáp chạy đến phòng chữa trị đặc biệt. Cánh cửa mở tung, họ vội chạy vào bên cạnh cô gái. Những người thân cũng vội vàng đứng dậy ép mắt vào bức tường bằng kính, anh bộ đội cũng đứng lên vội vã tiến sát vào bức tường, cách người thân của cô gái một quãng nhỏ, vừa đủ để họ không bận tâm. Và thật ra thì họ cũng không bận tâm nữa, tâm trí họ bây giờ đã đặt nơi chiếc máy đo nhịp tim của bệnh nhân đang chuẩn bị kéo những đường thẳng dài đến tịch mịch. 

Đèn cấp cứu vụt tắt, các bác sỹ vừa đi ra khỏi phòng đang tiến đến chỗ người thân, thì bằng một thao tác vô cùng nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, người bộ đội trẻ lách mình rất nhanh vào phòng bệnh. Anh ta lập tức khóa trái cửa bằng ổ khóa đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn, tất cả những hành động đó nhanh đến mức chưa một ai kịp định thần hay trở tay thì đã là sự đã rồi. Toàn bộ y bác sỹ và người thân bị đặt bên ngoài cánh cửa. Trong phòng chỉ còn lại mình cô gái, anh bộ đội và những tiếng đập cửa, kêu hét từ bên ngoài. 

Các bác sỹ nhanh chóng gọi bảo vệ lên phá cửa, ba mẹ cô ấy vô cùng căng thẳng, chồng cô gái thì lo lắng thực sự. Đó là phòng bệnh vô trùng, và ai vào đó cũng phải mặc bộ đồ bảo vệ khỏi làm bẩn không khí của cô ấy. Vậy mà người con trai xa lạ này dám ngang ngược chạy vào, thật điên rồ, cứ như thế cô ấy sẽ không chịu nổi mất. Thời gian vốn là một gã không thích đùa. 

Trong lúc các đồng chí bảo vệ bệnh viện chạy lên tầng bệnh thứ 12 thì chàng trai cũng đã kịp kéo một chiếc giường bệnh khác sát kề vào giường bệnh cô gái. Anh ta đưa cổ tay mình vào chiếc còng số 8 đã chuẩn bị sẵn, siết vào cổ tay xanh xao của cô gái, dứt khoát uống một lọ thuốc gì đó anh ta lấy ra từ trong túi áo, rồi cẩn trọng móc ra một bức thư để trên đầu giường bệnh của mình và nằm xuống thật thẳng bên cạnh cô gái. Tất cả những hành động đó diễn ra nhanh chóng, dứt khoát nhưng không hề thiếu cẩn trọng, dường như anh sợ cô ấy sẽ đau tay hay sẽ vướng víu. Cô gái nằm yên không hề hay biết những gì đang diễn ra bên cạnh mình, về một người nào đó nằm bên cạnh mình trong lúc lâm chung, về ánh mắt bi thương của chồng và cha mẹ đằng sau bức tường kính, và sự gấp gáp phá cửa của một đội ngũ bảo vệ bệnh viện, với sự tò mò khó hiểu của tất cả y bác sỹ. 

Cảnh cửa bật mở, lá thư được người chồng cẩn thận cầm lấy. Thứ thuốc anh ta uống là thứ thuốc kịch độc, là thuốc tìm đến cái chết. Trong trí nhớ mông lung của người chồng bỗng hiện lên hình ảnh một người mặc quân phục bộ đội, lặng lẽ ngồi nơi dãy ghế bạc suốt hai hôm nay, không nói, không rằng. Anh ta ngồi yên ắng, không ăn, không ngủ, không rời khỏi chiếc ghế đó nữa bước. 

Gương mặt chàng trai đang nằm bên vợ anh ta như đang cười mãn nguyện, sự mãn nguyện mà không một ai có thể dễ dàng thấu cảm được hết. Người chồng thấp thoáng nhớ tới chủ nhân của một bàn tay bóp chặt tay anh năm mười tám tuổi khi hai người bắt tay chào nhau, đó là người bạn cùng lớp cấp ba của vợ anh, khi cô ấy đem anh tới ra mắt lớp. Người chồng cố nhìn vào hai gương mặt đang ngủ say kia, đúng là gương mặt chàng trai năm mười tám tuổi, người mà cách đây mười bảy năm đã hoàn toàn biến mất trong vô số mối quan hệ bạn bè của vợ chồng anh. 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.