TRAO ĐI YÊU THƯƠNG ĐỂ YÊU THƯƠNG ĐƯỢC LAN TOẢ
Nhà giáo là một nghề cao quý, bởi nó không chỉ là dạy tri thức mà còn là rèn nhân phẩm, tôi luyện đạo đức, dạy trẻ biết yêu quê hương và biết nghĩa thân thương của hai tiếng “đồng bào”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang.”
Quả đúng là vậy, bởi làm nghề nhà giáo cũng giống như làm cách mạng. Âm thầm đem tất cả những gì mình có mà cống hiến, chỉ mong đổi lại là tương lai đất nước được các em đưa lên để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thế nhưng! Không có cái nghề nào là dễ, là sướng.
Mình là một người mới bước vào nghề nhà giáo, mang trên vai bao hy vọng về một tương lai tươi sáng với mục đích “trồng người”. Nhớ lại đợt đi thực tập được phân công lên vùng miền núi, mình cảm thấy sau chuyến đi dường như lại càng thương nghề, thương trẻ nhiều hơn.
Thực ra lúc được phân công mình đã nghĩ rằng hiện tại thời đại công nghiệp hóa, miền núi cũng qua nhiều đợt cải cách chắc sẽ không như những gì mà các khóa trước kể. Nhưng không! Lúc đến nơi mình hơi sốc. Bởi vì khu vực mình được phân công vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ và có phần lạc hậu hơn những cái mình biết. Đường lên núi bị cắt ngang bởi một đoạn đường bị sạt lở do vừa trải qua đợt mưa lớn, khiến cho xe không thể chạy lên và buộc phải xuống đi bộ. Đất bám chặt đế dày, nước bẩn bắn lên quần áo gây cản trở trong việc di chuyển. Khu vực bên cạnh cũng là sườn núi, tuy nhiên việc khó khăn nhất là trong thời tiết âm u động mưa, gió lại lần nữa nổi lên, phía trên những lớp đất đang có dấu hiệu bong ra và rớt xuống,... khiến cả đám thực tập sinh bọn mình tái cả mặt. May sao lúc vượt qua cả nhóm vẫn an toàn, nhưng thật lòng bọn mình rất sợ và muốn trở về.
Sau khi lên bản, người dân rất quý các cô giáo. Mỗi ngày bọn mình đều nhận được các loại rau củ quả, thậm chí là gà đồi hay thịt rừng. Họ khiến cho lòng bọn mình vừa thương vừa quý, an ủi cho sự cố gắng nỗ lực đem con chữ tới với người vùng cao.
Khó khăn trong quãng thời gian đó phần lớn là việc thời tiết khắc nghiệt, địa hình gây cản trở làm cho sức khỏe của cả đám yếu hẳn, liên tục bị ốm sốt. Sóng kém, dường như không thể liên lạc nhiều về xuôi được. Ở một số hộ còn tồn tại suy nghĩ lạc hậu, họ cho rằng việc đi học là thừa thãi, bắt ép những đứa trẻ mới mười mấy tuổi nghỉ học lấy chồng. Thời gian ấy bọn mình vừa làm công tác dạy học lại phải làm cả công tác tư tưởng cho phụ huynh. Nhìn các em nở nụ cười hồn nhiên với cơ thể gầy gò, lem nhem bùn đất, giữa cái nhiệt độ có phần thấp lại chỉ mặc một lớp áo mỏng, bọn mình vừa thương vừa xót. Cả nhóm cũng chuẩn bị rất nhiều quần áo, đồ dùng tặng cho các em nhưng lại chỉ được phần nào. Nhiều hôm mưa lớn, lớp chỉ có một đến hai trẻ đến lớp vì đường đến trường có nguy cơ mất an toàn rất cao,... Nhưng có lẽ điều mình xem là động lực nhất chính là mỗi buổi học được nhìn thấy các em ê a tập đọc, chăm chỉ luyện viết. Dần dần gia đình các em đã nhận thức được tầm quan trọng của con chữ, để tương lai các em sẽ sáng hơn những lớp người cũ. Biết đâu sau này chính những đứa trẻ ở đây cũng giống mình, đem con chữ khai sáng tri thức và yêu thương cho người khác!
Sau chuyến đi dường như lưu lại trong mình rất nhiều cảm xúc khó tả. Mình yêu nghề nhà giáo, bởi cái nghề này không phân biệt bất kì tầng lớp nào. Mình ở đây muốn chia sẻ một thông điệp rằng: “Hãy trao đi yêu thương để yêu thương được lan tỏa”. Và cảm ơn bạn vì đã đọc nó!
Bảo Quyên
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: TRAO ĐI YÊU THƯƠNG ĐỂ YÊU THƯƠNG ĐƯỢC LAN TOẢ
Add new comment