VĂN HOÁ DÂN TỘC CÓ PHẢI THỨ GÌ TO LỚ VÀ XA VÀ VỜI VỢI?
Sao người ta chẳng còn hát cho nhau nghe những lời ru tình thân thương nữa?
Tôi thích nghe những câu hát ru nhè nhẹ đưa nôi vào giấc ngủ.
Tôi thích nghe những câu ca làng quan họ dịu dàng thắm tình quê.
Tôi thích nghe tiếng đàn tính đàn then giản dị mộc mạc của dân tộc.
Tôi thích xem cả những vở tuồng, chèo và những chầu hát văn hầu bóng đậm chất dân tộc.
Tôi thích nhìn những em nhỏ cùng nhau ôm lấy quả bóng to to, tay cầm quả chanh nho nhỏ cùng bộ chuyền, tay lại cầm viên sỏi rải từng ô từng ô. Hoặc tay đặt trên vai, tay giang rộng lớn bảo vệ một hàng dài, miệng hô rồng rắn.
Văn hóa dân tộc có phải thứ gì to lớn và xa vời vợi?
Đối với tôi, văn hóa dân tộc là lời ru bên tai phát ra từ dì, từ mẹ, từ những chiếc băng cát-sét chạy đều đều mỗi lần nằm cạnh trống trường. Tiếng ầu ơ đưa nôi, dắt lối tâm hồn thơ vào trong giấc ngủ yên bình.
Đối với tôi, văn hóa dân tộc là những làn múa thướt tha, là bóng hình tay cầm nón, tà áo nâu, câu ca quan họ văng vẳng dưới cành liễu bên bờ sông, bờ hồ, mái đình sân quê.
Đối với tôi, văn hóa dân tộc là tiếng đàn tính, đàn then, chén cặp cùng lời hát vừa đan xen tiếng phổ thông, vừa đan xen tiếng dân tộc người Tày.
Văn hóa dân tộc, trong tim tôi, còn là những vở tuồng, vở chèo, vở kịch với những bộ trang phục đậm chất người dân Việt xưa nay, lồng ghép những bài học răn dạy con cháu. Là những lời tích, lời kể, lời cầu trong những buổi chầu hát văn hầu bóng.
Văn hóa dân tộc, trong lòng tôi cũng chính là những trò chơi dân dã, rất giản đơn, rất bình dị.
Sao người ta chẳng còn hát cho nhau nghe những lời ru tình thân thương nữa?
Ngày còn học cấp hai, cấp ba, tôi thường dùng lời hát ru ru cháu mình vào giấc ngủ. Con bé rất ngoan, cho dù đang khóc nháo nhưng chỉ cần nghe tôi cất lời hát ru, con bé liền ngoan ngoãn, tay nhỏ khép lại đặt trước ngực mà ngủ ngoan. Giống như câu hát em ơi em ngủ cho ngoan, để mẹ đi chặt cây lúa nơi xa mà dì nó hát cho nó nghe mỗi ngày.
Đã lâu rất lâu rồi tôi chẳng còn được nghe tiếng à ơi từ miệng bà, miệng mẹ. Chỉ có âm thanh baby shark cứ phát ra liên tục từ chiếc loa điện thoại hoặc tivi, lặp đi lặp lại, một vòng ám ảnh.
Đã lâu rồi tiếng dân ca quan họ, tiếng đàn tính đàn then, từng lời thoại vừa bi tráng lại hào hùng của những vở kịch, vở tuồng, chèo dần bị thay thế. Trò chơi con trẻ thu nhỏ lại trên màn hình của chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng, có điều kiện hơn nữa thì chính là máy tính xách tay và dàn máy tính được đầu tư bài bản.
Thi thoảng, mỗi khi nghe mẹ hát những bài nhạc ngoại lời Việt, tôi lại chạy ra, nói với mẹ muốn nghe mẹ hát bài hát ru, hát bài Quê tôi xứ Lạng, hát bài về Bác, bằng cả tiếng phổ thông, và tiếng dân tộc mình. Tôi không có sức ảnh hưởng rộng lớn trong việc truyền bá về văn hóa dân tộc, nhưng tôi sẽ lưu giữ nó, truyền nó đến những người mà tôi có thể.
Hải Khanh
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: VĂN HOÁ DÂN TỘC CÓ PHẢI THỨ GÌ TO LỚN VÀ XA VỜI VỢI?
Add new comment