YÊU THƯƠNG CÒN ĐÓ

Sáng tác: Nguyễn Thắm - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Truyennganhaytaydan2023

​Mưa rơi mình trên mái tôn nghe choang choang như búa đổ trên đầu. Ông Tường giật mình tỉnh giấc. Thấy vợ vẫn ngáy o o say giấc nồng, ông không nỡ đánh thức. Một mình lụi cụi ra khỏi giường, đi tìm dụng cụ để hứng những chỗ dột đang chảy tong tong từ mái nhà xuống, ông khom lưng nhặt những đồ đạc ở sàn nhà để lên trên chiếc kệ. Chỉ chút nữa thôi, nước sẽ tràn qua cánh cửa tềnh toàng kia và xâm chiếm hết mặt sàn nhà. Cứ mưa là xóm nước đọng lại ngập ngụa trong nước, rác từ trên phố đổ dồn về.

​Ông Tường lấy chiếc áo tơi, mặc vào và mở cửa đi ra. Mấy anh thanh niên trong xóm xiên rác thuần thục như một người thợ lành nghề. Hùng ướt chẹp nhẹp đang cố gắng lùi chiếc xe ba bánh lại gần. Nửa đêm nhưng cả xóm xôm tụ dọn rác như đang cùng nhau tiêu diệt kẻ thù. Cứ mùa mưa là bao rác thải bên trên lại dội xuống hết xóm nước đọng. Không dọn là ngày mai bao nhiêu mùi hôi thối bốc lên, nước đen ngòm lênh láng theo đó mà vào từng nhà. Nên cả xóm chẳng ai bảo ai mưa lớn, rác tới là nhào ra làm. Ngay cả ông Tường sắp bước qua tuổi U70 cũng đã quen với việc xúm vào cùng đám con cháu trong xóm tập kích rác thải. Ai cũng cản: “thôi ông vô đi, ngấm nước mưa ốm ra khổ thân”, nhưng ông không đành: “tôi còn có sức bẻ gãy sừng trâu đấy, mấy anh theo tôi chắc kịp đâu”, mặc cho mọi người can ngăn ông phăng phăng hất từng bịch rác lên xe. Đến nửa đêm, mưa ngớt dần, cư dân xóm nước đọng thu gom xong đám rác. Ông Tường quay vào nhà, bà vợ ông vẫy ngáy như sấm, lâu lâu kéo lên thành từng cơn dài. Cũng âu trời thương nên để bà ấy vô lo vô nghĩ. Chứ không thì…
 
Vợ chồng ông Tường vốn là dân “Bắc kỳ” bôn ba vào Nam lập nghiệp khi tuổi xế chiều. Nói đi lập nghiệp cho oai, chứ chủ yếu là ông bà đi trốn nợ, trốn miệng lưỡi thế gian, miệng dân sóng bể. Món nợ khổng lồ từ trên trời rơi xuống trúng đầu ông bà cũng từ ông con giai quý hoá. Vào một ngày nắng đẹp, cả dòng họ Vũ đang ăn giỗ cụ tổ, ông Tường ngồi mâm các cụ, đang luyên thuyên khoe thành tích của ông con giai yêu quý. Thì thằng Kiên-thằng cháu trời đánh con nhà chú Út vốn quậy phá, ngông nghênh, nó mang tận 5 tờ báo về để chứng minh rằng nó không phải là thằng hỏng nhất họ như các cụ ở họ này vẫn chửi nó. Mà đây mới chính là hai con người đã hủy hoại thanh danh của dòng họ Vũ danh giá. Nó đọc to cho cả họ nghe: “tướng công an bảo kê cho đường dây đánh bạc trăm tỷ, trong đó kẻ cầm đầu cũng là người mở công ty với danh nghĩa nhập khẩu công nghệ là “Vũ Văn Tường Tam”, công ty đã tổ chức đánh bạc qua mạng thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Để đường dây đánh bạc được tồn tại, bị can đã có người bảo kê là tướng công an “Vũ Văn Chính Nghĩa” là chú ruột “Vũ Văn Tường Tam”. Rồi để chứng minh lời nó đọc là đúng sự thật, nó phát những tờ báo trên tay với hình ảnh chụp của hai người cho cả dòng họ Vũ xem. Ông Tường nghe xong lên cơn nhồi máu cơ tim, nhập viện. Nhưng khác với những lần trước, bà con xóm giềng, họ hàng thân thiết đến thăm nườm nượp. Bây giờ chỉ có người vợ của ông tần tảo ngày đêm túc trực. Ra viện mấy ngày, tin thằng con ông và chú Nghĩa bị bắt, có mặt khắp các trang báo, trên mạng xã hội, ti vi… những dòng họ khác trong làng xưa nay vốn ganh tỵ dòng họ Vũ nhà ông nay đục nước thả câu, nói xấu rầm trời. Miệng dân sóng bể, khiến ông suy sụp, không sao gượng dậy được.

Hàng đêm trong miên man cơn mơ, ông luôn thấy ông bà tổ tiên, bà cô, ông mãnh dòng họ về của trách. Ông cảm thấy hổ thẹn với ông bà tổ tiên dưới suối vàng. Thấy có lỗi với những đinh của dòng họ Vũ vì ông, con ông mà bị mang tiếng lây. Ông xuống dưới bếp, lấy chai thuốc trừ sâu và uống ừng ực. Nhưng số phận nào cho ông chết. Ông bà tổ tiên nào thèm gặp mặt đứa cháu bất hiếu như ông. Trong lúc ông đang uống, thằng Kiên nát lại xuất hiện. Nó kêu trời kêu đất, đưa ông đi bệnh viện xúc ruột kịp thời.

Ảnh: Sưu tầm
    📸: Sưu tầm

***

Hai vợ chồng ông vào miền nam ở nhờ đứa cháu đằng ngoại, chúng nó có ngôi nhà bằng tôn ở xóm nước đọng này vốn để không, nên ông bà được ở miễn phí. Thôi thì có chỗ để chui ra, chui vào tránh nắng tránh mưa. Bà Phú vốn khéo tay hay làm, ở quê các thứ bánh làm từ lúa nếp qua tay bà đều trở thành món ăn ngon. Nên hai ông bà tuy vất vả nhưng cũng có đồng ra, đồng vào, com cóp được đồng nào gửi về quê trả nợ đồng ấy.

Mùa mưa về, có ngày nghỉ bán ở nhà. Bà Tường đi ra đi vào chẹp miệng thở dài: không biết cái ruộng trên trên mấy đứa cháu ở quên nó có cấy lúa nếp không hay bỏ hoang cho cỏ mọc ông nhỉ? Ông Tường không trả lời bà mà mặt đưỡn ra, khuôn mặt dúm dó khổ đau: “tuần to, tiết lớn không biết thằng Kiên nát nó có lo chu đáo đèn nhang cho các cụ, nhà mình vô phúc quá bà à?" Rồi hai ông bà già lại ngồi xuống khóc.
 
Mỗi lần nghe tiếng khóc ông bà, thằng cu Tý lại chạy qua, nó bé nhưng khôn, lúc nào nó ngây thơ hỏi: ông bà lại nhớ quê à, nếu nhớ thì ông bà về thăm đi ạ. Câu nói ngây thơ của thằng bé khiến ông bà thôi khóc. Hai mái đầu tóc trắng lắc đầu nguây nguẩy. Bà hỏi lảng đi để thằng nhỏ thôi tò mò: “Thế má con về chưa”. Thằng bé xịu mặt xuống: “Má con mới về cho con ăn, rồi đi bán tiếp rồi ạ”.
 
Trong chiều mưa gió bão bùng. Một người con gái tóc xõa, quần áo xộc xệch, cái bụng to lùm lùm. Cô bỏ lại đôi giày đen. Đang cố trèo qua lan can của cầu. Ông Tường kéo xe cút kít, bà Phú đẩy xe đằng sau. Bà Phú chợt dừng lại: “ông ơi, cô kia tính nhảy cầu kìa”. Ông Tường cố gắng nhấc cái chân đau, nhanh chóng đến kéo cô gái lại. Bà Phú bỏ luôn cái nón đang bay theo chiều gió. Tới nắm tay cô gái. Hai già, giữ một trẻ. Tiếng khóc. Tiếng la hét thất thanh của người con gái lỡ dại bị bỏ lại sau khi cái bầu to vượt mặt. Mưa chạy từng cơn ào ào chạy từng cơn trên mặt đường. Người qua đường tưởng họ là gia đình và xót thương cho hai ông bà vì có có cô con gái tính nhảy cầu tự tử.
 
Nhờ phước ông bà mà thằng Tý mới có cơ hội nhìn thấy mặt trời. Thằng Tý mới 8 tuổi nhưng ra dáng người lớn và khôn lỏi nhất xóm. Xóm này nghèo thì nghèo xác xơ, nhưng ai ai cũng bảo ban nhau, yêu thương nhau. Bởi hầu hết những căn nhà tềnh toàng trên bãi đất ruộng vướng quy hoạch đều của những thân phận xa quê mà mắc cảnh nghèo. Thế nên những đứa trẻ cũng lam lũ, cũng rách rưới và còi cọc. Đau lòng nhất là mỗi dịp tết thiếu nhi, những đứa trẻ ở trong những căn nhà xa hoa được mua biết bao đồ chơi đẹp, trái lại mấy đứa nhỏ trong xóm nước đọng dường như bị bỏ quên. Chúng lầm lũi và không biết đòi hỏi dù nhìn thấy đồ chơi mắt đứa nào đứa nấy sáng như đèn pha.

 Ảnh: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm


 
***
Sau trận ốm, ông Tường hốc hác, xanh xao, sức khoẻ giảm sút trông thấy. Bà Phú khó nhọc đẩy chiếc xe một mình. Ông nằm trong nhà ho rũ rượi. Nghe sốt ruột quá, anh Hùng qua xem đã thấy ông lịm đi, anh vội vàng đưa ông đi bệnh viện. Hùng thông báo với bà rằng ông đã được chuẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, chắc chẳng còn sống được bao nhiêu nữa. Bà Phú nghe tin ngã khuỵ xuống. Ông tỉnh giấc, thấy vợ mắt đỏ hoe, ngồi bên giường bệnh nắm bóp cho ông. “Mình về thôi bà, tôi muốn về quê. Có chết cũng muốn phải chết ở nhà”. Bà Phú kéo vạt áo lên lau nước mắt, rồi khẽ gật đầu.

Thằng Kiên nát gọi điện vào báo: nhà thờ Họ đã sơn sửa và đảo ngói lại rồi. Ở quê mọi người cũng nhớ ông bà và nhắc ông bà mãi. Cậu Tam sắp hết hạn tù. Cả họ đang mong ngóng. Nghe tin ông bệnh nặng cả họ đã gom số tiền lớn, cử cháu vào đón ông bà. Ngày mai cháu sẽ bắt xe vào Biên Hoà, ông bà chuẩn bị nhé.

***

Thế là, ngày mai vợ chồng ông Tường sẽ trở về quê sau mười năm lưu lạc nơi xứ người. Ông về rồi thấy thương lũ trẻ trong xóm, chúng nó từ đứa lớn đến đứa nhỏ đều gọi ông nội và thương ông tình cảm đơn thuần. Trong đầu ông lóe ra một ý tưởng, trước khi về ông sẽ biến số lon chai mà ông tích cóp bấy lâu nay thành đồ chơi cho bọn nhỏ, ông đã làm ra biết bao nhiêu món đồ chơi khiến bọn trẻ trầm trồ, thích thú.
Nghe tin ông bà sẽ về quê, cả xóm nhao nhao, cha mẹ chúng dấm dúi cho ông bà mấy trăm đi đường uống nước. Mặc cho ông bà chối, cũng kiên quyết nhét vào túi bà cho bằng được. Mấy đứa nhỏ không muốn đi học, cả ngày quanh quẩn bên “ông nội” hỏi bao nhiêu là chuyện trên trời dưới bể.

 Ảnh: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm

Chiều hôm ấy, cả xóm về sớm hơn. Các chị em trong xóm trổ tài nấu bao nhiêu là đồ ăn ngon. Các anh rộn ràng dọn mâm lên. Ông Tường mang ra vài chai rượu quốc lủi gia truyền dòng họ Vũ do anh Kiên nát mới mang từ bắc vào. Bà phân phát những thứ có giá trị trong nhà chia gia đình. Chiếc xe đẩy bán hàng rong để lại cho Phương. Công thức nấu ăn gia truyền bà ghi kỹ lưỡng vào cuốn sổ đưa lại cho các chị em trong xóm. Đây là hiếm hoi các cư dân trong xóm tụ tập đông đủ, cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng mừng ông bà Tường về quê. Thế mà, dưới ánh trăng đổ xuống vàng loang loáng trên những vũng nước đọng ở sân, bóng của đám đông đang ôm nhau khóc rưng rưng rức.

Sáng hôm sau, nhà Hùng lấy chiếc xe ba gác trở cả xóm ra bến xe để chia tay ông bà… Ông bà bịn rịn lên xe cùng đứa cháu, cả xóm đứng lặng nhìn ông bà, vẫy tay chào qua cửa kính, mắt ai cũng đỏ hoe, bọn trẻ khóc toáng lên, bởi họ biết có thể đây sẽ lần chia tay mãi mãi. Thằng Tý chạy theo lên xe tặng cho ông nội một bức tranh về xóm nước đọng.… Nó dặn: “Ông về rồi đừng quên bọn con nha”.
     Nguyễn Thắm
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: YÊU THƯƠNG CÒN ĐÓ

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.